Thạnh Phong phát triển đi lên

04/05/2020 - 06:53

BDK - Xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng. Sau 30-4-1975, Thạnh Phong vừa hàn gắn vết thương chiến tranh vừa xây dựng quê hương. Chính khát vọng vươn lên của người dân đã tạo nên sức mạnh to lớn đưa Thạnh Phong ngày càng phát triển đi lên.

Hệ thống giao thông của xã Thạnh Phong ngày càng hoàn thiện.

Anh hùng trong kháng chiến

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Thạnh Phong là vùng căn cứ cách mạng của huyện, tỉnh và quân khu, đặc biệt là nơi tổ chức thành công những chuyến vượt biển ra miền Bắc, trở thành “Đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc - Nam” bằng “Đường Hồ Chí Minh trên biển”. Do vậy, kẻ thù tập trung đánh phá ác liệt bằng mọi loại vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại, kể cả máy bay chiến lược B52 để rải thảm bom và chất độc hóa học màu da cam (Dioxin) hòng hủy diệt sự sống nơi đây. Tuy nhiên, người dân Thạnh Phong đã anh dũng, kiên cường, bám trụ và đẩy mạnh những phong trào hành động cách mạng, đánh bại những âm mưu, thủ đoạn thâm độc và tàn bạo của địch, quyết một lòng giải phóng quê hương.

Ghi nhận những đóng góp to lớn vào cuộc đấu tranh chung của cả nước, năm 1976, Ban An ninh xã Thạnh Phong vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”; năm 1978, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” cho nhân dân và lực lượng vũ trang xã. Năm 1979, Nhà nước tặng thưởng “Huân chương Lao động hạng Ba” cho cán bộ và nhân dân xã.

Qua 2 cuộc kháng chiến  chống Pháp và Mỹ, toàn xã có gần 490 người có công, trong đó có hơn 250 liệt sĩ, hơn100 thương binh, bệnh binh và gần 50 mẹ Việt Nam anh hùng… Đảng bộ và nhân dân xã nhận thức rõ được trách nhiệm của mình, qua đó huy động cả hệ thống chính trị thực hiện nhiều việc làm thiết thực trong công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, đặc biệt là đối với gia đình thương binh, liệt sĩ gặp khó khăn trong cuộc sống. Thạnh Phong là địa phương đầu tiên trong huyện xây dựng Đền thờ liệt sĩ xã.

Đổi thay hôm nay

Ông Lê Trung Hạnh, 80 tuổi, từng là cán bộ tuyên huấn xã, huyện trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có nhiều năm công tác tại UBND xã chia sẻ: Sau 45 năm giải phóng, Thạnh Phong có nhiều đổi thay. Xã chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế. phối hợp với các ngành chức năng mở các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi, nhân dân tận dụng bờ xáng, bờ vuông trồng cỏ nuôi bò, dê và cải tạo đất hoang canh tác.

Ông Nguyễn Văn Kháng, 66 tuổi, một người có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Thạnh Phong, đặc biệt là trong vận động người dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, phấn khởi: “Chúng tôi đẩy mạnh phong trào cải tạo vườn tạp, đất hoang hóa để trồng trọt và nuôi tôm; người dân vay vốn đầu tư sản xuất, nhờ vậy kinh tế dần phát triển”.

Nhiều công trình được quan tâm xây dựng, tạo điều kiện cho Thạnh Phong vươn lên, đó là công trình cầu Ván, kết nối các xã ven biển với trung tâm của huyện (ước mơ bao đời của người dân nơi đây); quốc lộ 57 được mở rộng, nâng cấp, kéo dài đến Khâu Băng; đường ra biển Đông, đường Cầu Gòn…

Từng giảng dạy trong vùng giải phóng, ông Trần Văn Truyện, 73 tuổi, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức xã cho biết: “Thạnh Phong bây giờ thay đổi nhiều lắm, dễ thấy nhất là giao thông. Lúc xưa đi lại rất khó khăn, các ấp biệt lập với nhau, lên huyện cũng khó; giờ đường sá thông thoáng, sạch đẹp, rộng rãi, được bê-tông, trải nhựa, tạo nhiều thuận tiện trong vận chuyển hàng hóa của người dân”.

Năm 2020, Thạnh Phong được tỉnh, huyện chọn xây dựng nông thôn mới. Bí thư Đảng ủy xã Trương Thanh Hải cho biết: “Thạnh Phong hiện đạt 14/19 tiêu chí NTM. Để thực hiện đạt các tiêu chí còn lại, xã sẽ tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các tiêu chí, làm cho nhân dân hiểu mình làm mình hưởng thụ; nâng cao tính chủ động của đảng viên, đoàn viên, hội viên; phát động thi đua thực hiện các tiêu chí với phương châm “dễ làm trước, ít kinh phí làm trước”. Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể, nhân dân đặt quyết tâm xây dựng thành công xã NTM trong năm 2020”.

Trước đây, Thạnh Phong là một trong những xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất của huyện. Những năm gần đây, tỷ lệ hộ nghèo được kéo giảm nhanh, hiện còn 7,8% với hơn 220 hộ. Thu nhập bình quân đầu người của xã đạt ở mức 50 triệu đồng/năm.

Bài, ảnh: Văn Minh

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN