Thận trọng và tuân thủ pháp luật khi chơi hụi

15/03/2023 - 05:39

BDK - Theo quy định của pháp luật, việc tổ chức hụi được thực hiện nhằm mục đích tương trợ lẫn nhau và phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật dân sự; không được tổ chức hụi để cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản (CĐTS), lạm dụng tín nhiệm CĐTS, huy động vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác. Tuy nhiên thực tế, quá trình tổ chức chơi hụi các bên tham gia thường chỉ dựa vào niềm tin mà bỏ qua các ràng buộc pháp lý, dẫn đến việc khó giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm khi xảy ra vỡ hụi.

Những hụi viên của bà Hồ Thị Thu Tím mong chờ cơ quan chức năng sớm điều tra, xử lý vụ việc.

Nhiều vụ vỡ hụi

Cách đây chưa lâu, một vụ vỡ hụi lớn đã xảy ra tại xã Quới Sơn, huyện Châu Thành gây bức xúc, thất thoát tài sản cho hàng trăm người dân địa phương và một số xã lân cận. Từ tháng 2-2019 đến tháng 7-2021, bà Hồ Thị Thu Tím, sinh năm 1975, ngụ ấp Quới An, xã Quới Sơn, đã tổ chức 42 dây hụi, với tổng số tiền huy động trên 20 tỷ đồng, sau đó tuyên bố vỡ hụi, không có khả năng hoàn lại tiền cho các hụi viên. Làm việc với cơ quan công an, bà Tím cho biết số tiền huy động của các hụi viên dùng để trả các khoản nợ bản thân đã vay trước đây. Hiện nay, những tài sản do bà Tím đứng tên đã bị kê biên để thi hành án dân sự theo đơn khởi kiện của một số hụi viên.

Có rất nhiều người tham gia chơi hụi với bà Tím hiện không nhận được tiền đền bù, gây bức xúc, thưa kiện kéo dài tại địa phương và các cơ quan cấp tỉnh. Những người này đã đóng cho chủ hụi hàng trăm triệu đồng nhưng khó có khả năng thu hồi, đa số đều mong muốn cơ quan chức năng xử lý hình sự đối với bà Tím. Bà Bùi Thị Hương, ngụ xã Quới Sơn, huyện Châu Thành, là hụi viên trong vụ vỡ hụi bức xúc: “Vợ chồng bà Tím đã lừa đảo CĐTS của hụi viên thông qua hình thức chơi hụi. Chúng tôi mong muốn cơ quan công an vào cuộc để điều tra, xử lý nghiêm vợ chồng bà Tím và xác minh tài sản đã tẩu tán để trả lại cho bà con”.

Hoàn cảnh, điều kiện kinh tế của các hụi viên này khác nhau, đa phần là lao động nghèo, tích góp tiền bạc chơi hụi với hy vọng kiếm đồng lời nhưng nay lời không có mà tiền gốc cũng chẳng thấy đâu. Bà Đặng Ngọc Bạch, 70 tuổi, ngụ xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, chia sẻ: “Tiền công tôi chèo xuồng hàng ngày cộng với tiền con cháu cho, gom góp chơi hụi với mong muốn có số tiền dưỡng già nhưng giờ chắc mất trắng”.

Một vụ vỡ hụi xảy ra có thể làm hàng chục, hàng trăm gia đình điêu đứng. Tuy nhiên, đây không phải vụ vỡ hụi duy nhất xảy ra trên địa bàn tỉnh. Chỉ tính trong 2 năm qua, cơ quan điều tra các cấp trong tỉnh đã tiếp nhận hàng chục đơn tố cáo liên quan đến hụi; trong đó đã thụ lý điều tra, giải quyết 10 vụ có dấu hiệu của tội lừa đảo CĐTS, còn các trường hợp khác hướng dẫn người dân khởi kiện dân sự theo quy định của pháp luật.

Quy định pháp luật về hụi

Quá trình điều tra, xác minh, chứng minh tội phạm gặp rất nhiều khó khăn do thực tế việc tổ chức hụi đều được những người tham gia tự thỏa thuận với nhau về hình thức lập dây hụi, biện pháp chơi hụi, cách thức hốt hụi và giao nhận tiền hụi. Các hoạt động này diễn ra trong thời gian dài, cả chủ hụi lẫn hụi viên đều không tuân thủ và thực hiện đúng quy định của pháp luật về hụi. Đối với chủ hụi thường không lập danh sách từng dây hụi, người chơi hụi, tự thỏa thuận cho người chơi đưa ra mức lãi suất cao để hốt hụi… Về phía hụi viên thì không yêu cầu chủ hụi lập sổ, thông báo danh sách những người cùng tham gia chơi hụi dẫn đến việc không biết mình chơi với ai, dây hụi có bao nhiêu người, bao nhiêu phần; khi đóng tiền cho chủ hụi thì không có biên nhận, giấy tờ gì chứng minh… Hơn 20 năm làm chủ hụi, bà Hồ Thị Thu Tím cho biết: “Trước giờ hết dây hụi này tui gầy dây hụi khác chứ không có giấy tờ gì hết, mọi giao kèo đều là thỏa thuận miệng với hụi viên”.

Để bảo đảm việc tổ chức hụi diễn ra đúng bản chất là hình thức góp vốn, tương trợ lẫn nhau và tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Dân sự, ngày 19-2-2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 19/2019/NĐ-CP thay thế cho Nghị định số 144/2006/NĐ-CP về họ, hụi, biêu, phường, đã quy định rõ về nguyên tắc tổ chức hụi: điều kiện làm thành viên, chủ hụi; gia nhập, rút khỏi hụi; văn bản thỏa thuận về hụi; thứ tự lĩnh hụi, lãi suất; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý của thành viên, chủ hụi.

Luật sư Trần Nhật Long Huy, Văn phòng luật sư Huy Nguyên, Đoàn Luật sư tỉnh Bến Tre khuyến cáo: “Trong trường hợp có tranh chấp về hụi hoặc phát sinh từ hụi thì tranh chấp đó được giải quyết bằng thương lượng, hòa giải hoặc yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật. Để bảo vệ quyền lợi của mình, chủ hụi và hụi viên cần biết rõ nhân thân, nơi cư trú của nhau; việc chơi hụi phải lập thành văn bản; trường hợp dây hụi từ 100 triệu đồng hoặc mở từ 2 dây hụi trở lên phải thông báo đến UBND cấp xã; chủ hụi phải lập sổ ghi hụi và hụi viên có quyền xem sổ này; khi góp hụi hoặc giao hụi phải ghi biên nhận mỗi bên giữ 1 bản”. 

Nghị định số 19/2019/NĐ-CP của Chính phủ cũng nêu rõ, UBND các cấp cần tập trung tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về hụi đến các tầng lớp nhân dân. UBND cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận, thống kê thông tin về hụi diễn ra trên địa bàn và kịp thời phản ánh dấu hiệu vi phạm pháp luật về hụi với cơ quan công an có thẩm quyền.

Luật sư Trần Nhật Long Huy cho biết thêm: “Khoản 2, Điều 25, Nghị định số 19/2019/NĐ-CP của Chính phủ có quy định: Chủ hụi, thành viên, cá nhân, tổ chức liên quan có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi cho vay lãi nặng, lừa đảo CĐTS, lạm dụng tín nhiệm CĐTS, huy động vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác khi tham gia quan hệ về hụi”.

Bài, ảnh: Đăng Khoa

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN