Thân thế, cuộc đời Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu

06/06/2022 - 11:27

BDK.VN - Nguyễn Đình Chiểu, tên thường gọi là Đồ Chiểu, tự là Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ (sau khi bị mù lấy hiệu là Hối Trai); sinh ngày 1-7-1822 (tức ngày 13 tháng 5 năm Nhâm Ngọ), tại làng Tân Thới, phủ Tân Bình, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định (nay thuộc phường Cầu Kho, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh). Xuất thân trong một gia đình nhà nho, thân sinh là Nguyễn Đình Huy, người làng Bồ Điền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên (nay là xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Mẹ là Trương Thị Thiệt, người làng Tân Thới, phủ Tân Bình, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định.

Tượng cụ Nguyễn Đình Chiểu tại Di tích Quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu. Ảnh: Ngọc Thạch

Năm Quý Mão (1843), tại trường thi Hương Gia Định, Nguyễn Đình Chiểu đỗ Tú tài và được một nhà nho hứa gả con gái cho ông. Năm 1846, Nguyễn Đình Chiểu ra Huế học để chờ khoa thi Kỷ Dậu (1849). Nhưng khi nghe tin mẹ mất (1848) tại Gia Định, là con trưởng trong gia đình, không thể ở lại Huế chờ khoa thi, đầu năm 1849, Nguyễn Đình Chiểu trở về quê chịu tang mẹ. Trên đường trở về một phần vì thương khóc mẹ, phần vì vất vả do thời tiết thất thường, Nguyễn Đình Chiểu bị ốm nặng khi đến Quảng Nam. Trong thời gian chữa bệnh tại nhà một thầy thuốc dòng dõi ngự y, Nguyễn Đình Chiểu đã học được nghề thuốc; đáng tiếc dù bệnh tình đã khỏi nhưng để lại di chứng khiến Nguyễn Đình Chiểu mù cả hai mắt khi tuổi đời còn rất trẻ.

Bị tật nguyền, đường công danh dang dở, hôn thê bội ước, nhưng Nguyễn Đình Chiểu không chịu khuất phục trước số phận. Sau khi mãn tang mẹ, với vốn kiến thức sẵn có từ y học đến Nho giáo ([1]), Nguyễn Đình Chiểu mở trường dạy học ở Bình Vi (Gia Định), tiếp tục nghiên cứu nghề làm thuốc, bốc thuốc chữa bệnh cho dân. Trong khoảng thời gian này, Nguyễn Đình Chiểu bắt đầu sáng tác thơ văn và tiếng thơ của ông vang khắp Lục tỉnh với truyện Lục Vân Tiên nổi tiếng - Một tác phẩm mang tính chất tự truyện của tác giả. Rất mến phục và thông cảm sâu sắc với cảnh ngộ của thầy, một người học trò của Nguyễn Đình Chiểu là Lê Tăng Quýnh làng Thanh Ba, Cần Giuộc đã xin với gia đình gả em gái thứ năm là Lê Thị Điền cho người thầy của mình.

Du khách tham quan và thắp hương khu mộ cụ Nguyễn Đình Chiểu. Ảnh: Ánh Nguyệt

Năm 1859, sau khi Pháp đánh chiếm thành Gia Định, Nguyễn Đình Chiểu về quê vợ tại làng Thanh Ba (Cần Giuộc). Tại đây, Nguyễn Đình Chiểu gắn bó với nghĩa quân yêu nước, ông thường xuyên thư từ liên lạc với những người lãnh đạo nghĩa quân. Thời gian ở Cần Giuộc, Nguyễn Đình Chiểu đã hoàn thành tác phẩm Dương Từ - Hà Mậu. Và cũng trong thời gian này, ông đã viết bài văn tế nổi tiếng “Tế Cần Giuộc sĩ dân trận vong văn (tức Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc). Ngày 14-12-1861, quân Pháp đánh chiếm Cần Giuộc, Tân An, Gò Công.

Năm 1862, triều đình nhà Nguyễn nhu nhược ký hiệp ước nhượng ba tỉnh miền Đông Nam kỳ và đảo Côn Lôn cho Pháp. Là một trong những người khởi xướng phong trào “tị địa” bất hợp tác và không sống trong vùng đất Pháp chiếm, Nguyễn Đình Chiểu cùng gia quyến rời Cần Giuộc về Ba Tri, Bến Tre và sống ở đây cho đến cuối đời. Trong thời gian sống ở Ba Tri, Nguyễn Đình Chiểu cùng với Phan Văn Trị, Huỳnh Mẫn Đạt… sáng tác thơ văn hiệu triệu anh hùng nghĩa sĩ đứng lên cứu nước và vạch mặt sự xấu xa của bọn nho sĩ đầu hàng giặc như Tôn Thọ Tường.

Biết Nguyễn Đình Chiểu có uy tín lớn trong nhân dân nên Chánh tham biện Bến Tre Michel Ponchon (Misen Pông-sông) tìm mọi cách mua chuộc ông. Nhưng Nguyễn Đình Chiểu một mực cự tuyệt và khi hắn nêu ý định trả đất cho ông, ông thẳng thừng trả lời: “Đất vua không ai trả thì đất riêng của tôi có sá gì”. Câu nói ấy là bằng chứng xác thực nhất về phẩm chất yêu nước, thanh cao, không màng danh lợi của nhà văn hóa lớn Nguyễn Đình Chiểu.

Trưng bày sách về cuộc đời và sự nghiệp cụ Nguyễn Đình Chiểu tại Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, TP. Bến Tre. Ảnh:  Ánh Nguyệt

Năm 1886, vợ ông là bà Lê Thị Điền mất. Nỗi đau thêm chồng chất, bệnh tình Nguyễn Đình Chiểu ngày càng trầm trọng. Trong những ngày cuối đời, ông sống trong cảnh nghèo thanh bạch với sự yêu thương đùm bọc của nhân dân. Ngày 3-7-1888 (tức ngày 24 tháng 5 năm Mậu Tý) Nguyễn Đình Chiểu qua đời trong một căn nhà nhỏ tại làng An Bình Đông (gần chợ Ba Tri, thuộc Thị trấn Ba Tri ngày nay), thọ 66 tuổi. Nhân dân, bạn bè, học trò và con cháu đưa tang ông rất đông, khăn tang trắng cả cánh đồng An Bình Đông (nay là An Đức) nơi ông yên nghỉ cuối cùng.

Nguyễn Đình Chiểu đã sống một cuộc đời theo đạo nghĩa, trong biến loạn vẫn giữ được phẩm cách thanh cao. Ông không chỉ là người con có hiếu, người thầy giáo, thầy thuốc mẫu mực, ông còn là nhà thơ yêu nước điển hình, có quan niệm văn chương nhất quán, dùng văn chương biểu hiện đạo lý và chiến đấu cho sự nghiệp chính nghĩa. Mỗi vần thơ đều ngụ ý khen chê công bằng, rạch ròi và bộc lộ một tấm lòng thương dân, yêu nước.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

(Còn tiếp)


 
([1]) Về mặt kiến thức, ông đạt tới trình độ cao nhất mà người trí thức có thể đạt được ở thời đại ông và trong hoàn cảnh xã hội của ông. Trong thời kỳ ấy, ông là một người trí thức có tính chất toàn diện, thông bác về mọi mặt nho, y, lý, số.
 
Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN