Tiết mục múa dân gian Punjabi, Ấn Độ trình diễn tại chương trình.
Vun đắp thêm tình hữu nghị
Việt Nam và Ấn Độ từ rất sớm đã có mối liên hệ và giao lưu thương mại, văn hóa, tôn giáo, chia sẻ điểm tương đồng về nhiều mặt. Bên cạnh mối quan hệ lâu đời hàng ngàn năm bắt nguồn từ việc du nhập, truyền thừa và tồn tại bền vững nền văn hóa Phật giáo trong cộng đồng dân tộc, thì mối quan hệ hữu nghị, ngoại giao đầy đủ giữa 2 quốc gia đã chính thức được xác lập vào ngày 7-1-1972. Mối quan hệ hữu nghị, ngoại giao này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Nê-ru gầy dựng. Các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước nâng niu, vun đắp, ngày càng được củng cố và phát triển, bền vững, sâu sắc cho đến hôm nay.
Ấn Độ đã có các chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Lok Sabha, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Bộ trưởng Bộ Quan hệ đối ngoại và giáo dục đến Việt Nam trong 2 năm qua đã đóng vai trò quan trọng trong việc đưa các cam kết của hai nước lên tầm cao mới. Tượng đài Mahatma Gandhi tại Công viên Tao Đàn (TP. Hồ Chí Minh) và Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Dehli là biểu tượng cho lòng tin và sự ngưỡng mộ sâu sắc mà lãnh đạo và nhân dân cả hai quốc gia dành cho nhau.
Tháng 10-2022, đoàn công tác của tỉnh đã đến thăm và làm việc tại các bang Kerala, Tamil Nadu của Ấn Độ. Chuyến thăm đã kết thúc thành công và mở ra cơ hội hợp tác giữa tỉnh và các địa phương của Ấn Độ trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, có ngoại giao văn hóa và giao lưu nhân dân còn góp phần thúc đẩy liên kết quốc tế, thực hiện tốt các chính sách đối ngoại giữa hai nước.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Trung cho biết: “Việc Đoàn nghệ thuật múa Ấn Độ được Bộ Ngoại giao Ấn Độ giới thiệu đến tỉnh biểu diễn là niềm vinh dự cho tỉnh, là điều kiện để hai dân tộc tiếp tục hiểu sâu sắc hơn về văn hóa của nhau. Đồng thời, góp phần quảng bá hình ảnh, con người và kinh tế - xã hội của tỉnh, Việt Nam cho nhân dân Ấn Độ”.
Phát biểu tại chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật, Tushar Garg - Phó Lãnh sự phụ trách hành chính, Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Tôi rất vui khi biết Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam đã đến thăm Ấn Độ vào tháng 10-2022. Tôi hy vọng có thêm nhiều trao đổi và tương tác hơn trong tương lai. Chương trình giao lưu văn hóa hôm nay là một bước tích cực hướng tới hợp tác với Bến Tre. Đây là lần đầu tiên một chương trình văn hóa Ấn Độ được tổ chức tại Bến Tre. Tôi tin rằng đây là sự bắt đầu và nhiều sự kiện, hoạt động khác có thể được lên kế hoạch trong thời gian tới”.
Tăng cường hiểu biết về văn hóa
Tại chương trình giao lưu, Đoàn múa dân gian Punjabi trình diễn “Bhangra”, một loại múa dân gian truyền thống của bang Punjab ở Bắc Ấn Độ. Bhangra xuất phát từ người nông dân Punjab vào dịp lễ hội văn hóa và hoạt động cộng đồng trong mùa thu hoạch. Trong hình thức múa này, các vũ công thực hiện những động tác múa mạnh mẽ, hát các bài hát ngắn gọi là “boliyan” và theo nhịp của nhạc cụ “dhol” tạo nên khí thế sôi động, vui nhộn.
Đoàn nghệ sĩ múa dân gian Ấn Độ tham quan Bảo tàng tỉnh.
Các tiết mục trình diễn của đoàn nghệ sĩ Ấn Độ mang đến sự hào hứng cho khán giả khi sử dụng rất nhiều loại nhạc cụ truyền thống của người dân bản địa ở vùng Punjab như: tumbi, algoza, bagdoo, sáo, chimta, katto, sup, dholki. Với nhiều khán giả đến thưởng thức chương trình, có thể nói đây là lần đầu tiên được biết đến các loại nhạc cụ và hình thức trình diễn này. Tuy khác biệt về tiếng nói nhưng các điệu múa “Jhumar” vùng Multan, Jhang, tiết mục múa - kịch “Mirza - Sahiban”, điệu múa dân gian Bhangra của vùng Sialkot của Punjab đã “chạm” đến người xem khi diễn tả rất rõ ràng cuộc sống thường ngày của người dân vùng Punjab thông qua ngôn ngữ hình thể. Các phần trình diễn của đoàn nghệ sĩ Ấn Độ đều nhận được sự hưởng ứng và vỗ tay theo nhịp điệu từ khán giả trong hội trường, tạo nên bầu không khí đầy vui tươi, sôi động.
Các tiết mục múa, hòa tấu nhạc cụ đặc trưng của tỉnh cũng được trình diễn, tạo sự giao thoa về văn hóa, nghệ thuật; thắt chặt tình hữu nghị, giao lưu văn hóa giữa hai nước; góp phần quảng bá về con người, văn hóa, quê hương xứ Dừa đến với bạn bè quốc tế. Xen kẽ những tiết mục trình diễn nghệ thuật dân gian của Việt Nam như: biểu diễn sáo trúc bài “Hello Việt Nam”, hòa tấu đờn “Sương chiều - Tú anh” của các nghệ nhân đờn ca tài tử Nam Bộ Bến Tre, múa “Xôn xao mùa dừa”, tái hiện cảnh sinh hoạt của người dân Bến Tre dưới tán dừa bằng ngôn ngữ nghệ thuật múa.
Sau các tiết mục trình diễn, các nghệ sĩ múa dân gian Ấn Độ cùng đại biểu và khán giả cùng giao lưu trên sân khấu, bày tỏ sự gắn kết giữa nhân dân hai địa phương. Thông qua chương trình giao lưu nghệ thuật, góp phần tăng cường sự hiểu biết về văn hóa, vun đắp tình hữu nghị, kết nối và hợp tác phát triển giữa các địa phương của Ấn Độ và Bến Tre trong thời gian tới cũng như giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất và người Bến Tre đến với bạn bè ngoài nước.
Trong khuôn khổ chương trình hoạt động tại Bến Tre, sau đêm 24-1-2024 diễn giao lưu văn hóa nghệ thuật múa dân gian Punjabi tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, ngày 25-1-2024, đoàn nghệ sĩ múa dân gian Punjabi, Ấn Độ đã có chuyến tham quan đến Bảo tàng tỉnh, đền thờ Nữ tướng Nguyễn Thị Định và một số điểm du lịch trên địa bàn TP. Bến Tre. |
Bài, ảnh: Thanh Đồng