Thái Lan sửa đổi Hiến pháp có thể mất chi phí lên tới 320 triệu USD

09/09/2020 - 21:03

Hôm 8-9-2020, Thủ tướng Thái Lan cảnh báo, chi phí sửa đổi Hiến pháp năm 2017 của nước này có thể lên tới 10 tỷ bạt (tương đương khoảng 320 triệu USD).

Thủ tướng Prayut Chan-o-cha. Ảnh: Straits Times

Thủ tướng Prayut Chan-o-cha cho rằng trong bối cảnh đại dịch Covid-19, việc tổ chức các cuộc trưng cầu ý dân sẽ tốn chi phí nhiều hơn để đảm bảo mỗi địa điểm bỏ phiếu không được quá 600 cử tri.

Giới chức Thái Lan đã bắt đầu lên dự toán về kinh phí để tiến hành sửa đổi bản Hiến pháp 2017 sau khi nội các nước này thông qua dự luật mở đường cho các cuộc trưng cầu  ý dân toàn quốc về việc sửa đổi Hiến pháp.

Dự kiến Thái Lan sẽ phải tổ chức 2 cuộc trưng cầu ý dân, một cuộc trưng cầu ý dân về việc sửa đổi quy trình thay đổi Hiến pháp để thành lập một cơ quan soạn thảo và một cuộc trưng cầu khác về nội dung của bản Hiến pháp mới. Chính phủ Thái Lan ước tính, mỗi cuộc trưng cầu ý dân về sửa đổi hiến pháp sẽ cần khoảng 4 đến 5 tỷ baht, bao gồm cả các chi phí để triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch Covid-19.

Theo giới quan sát, tại cuộc trưng cầu ý dân đầu tiên, cử tri Thái Lan sẽ quyết định xem họ có đồng ý với đề xuất thành lập hội đồng soạn thảo hiến pháp hay không. Nếu được thông qua, quy trình sẽ soạn thảo sẽ được tiếp tục và khi hội đồng hoàn thành dự thảo, dự thảo hiến pháp sẽ được đưa ra trưng cầu ý dân một lần nữa. Điều 256 Hiến pháp Thái Lan năm 2017 đã quy định quy tắc và trình tự sửa đổi Hiến pháp, trong đó có nội dung phải thực hiện trưng cầu ý dân toàn quốc nếu tiến hành sửa đổi các chương về các điều khoản chung và Nhà Vua.

Quá trình sửa đổi hiến pháp tại Thái Lan được khởi động sau khi các tầng lớp thanh niên, sinh viên tiến hành một loạt các cuộc biểu tình trong thời gian từ tháng 7-2020 tới nay. Một trong những yêu cầu của lực lượng biểu tình là yêu cầu xây dựng bản Hiến pháp mới dân chủ hơn, thay thế bản Hiến pháp 2017 do Hội đồng Hòa bình và Trật tự Quốc gia Thái Lan – NCPO chủ trì soạn thảo và giảm bớt vai trò của Thượng viện hiện nay, vốn do NCPO chỉ định với nhiệm kỳ 5 năm và có quyền bỏ phiếu bầu Thủ tướng thêm một nhiệm kỳ vào năm 2023 tới.

Hiện các đảng trong liên minh cầm quyền tại Thái Lan thống nhất sẽ đệ trình một văn bản duy nhất đề nghị sửa đổi bản Hiến pháp năm 2017 và sẽ thành lập một Hội đồng soạn thảo Hiến pháp mới. Tuy nhiên, hôm qua (8-9-2020), 99 Hạ nghị sĩ đã đệ trình một kiến ​​nghị chung về việc sửa đổi Hiến pháp trong một nỗ lực mới nhằm ngăn chặn quyền bỏ phiếu bầu Thủ tướng của Thượng viện. Đáng chú ý, trong số này có 76 Hạ nghị sĩ đối lập và 23 Hạ nghị sĩ thuộc các đảng trong liên minh cầm quyền.

Nguồn: TTXVN/Báo Tin Tức

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN