Tết Việt

07/02/2024 - 09:15

BDK.VN - Nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, xin giới thiệu đến bạn đọc cùng trải nghiệm hương vị Tết qua cuốn sách Tết Việt. Qua các tác phẩm giúp người đọc hiểu rõ hơn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Sách nổi bật ngay từ trang bìa được thiết kế sắc màu đỏ thắm cùng với bức tranh dân gian Đông Hồ vẽ cảnh trò chơi dân gian ngày đầu năm mới và bên trên là hình ảnh múa rồng. Sách tổng hợp 22 bài viết của các tác giả nổi tiếng như Vương Hồng Sến, Hồ Hữu Tường, Bửu Kế, Phạm Văn Sơn…

Tết Việt giới thiệu về những nghi lễ truyền thống của người Việt:  Nhìn qua các nghi lễ triều đình Huế (tác giả Bửu Kế), Cổ nhân và các tục lệ về ngày xuân (Phạm Văn Sơn), Lễ Tiến xuân Nghênh xuân dưới triều Nguyễn (Phan Khoang)… Bên cạnh đó, sách Tết Việt mang trọn vẹn không khí Tết vào những tác phẩm thú vị viết về giai thoại câu đối Tết - là một phong tục truyền thống đặc trưng của dịp Tết Nguyên đán, về tục xem bói đầu năm, tranh Tết hay giai thoại về khai bút đầu xuân.

Ngoài ra, sách còn thu hút độc giả với những bài viết đưa ra những so sánh về cách thưởng Tết khác nhau trên các miền đất nước như: Cảm tưởng về Tết trong Nam (tác giả Vương Hồng Sến); Mùa lễ Tết trên cao nguyên (Nguyễn Văn Nghiêm); Lễ Tết Nguyên đán Chôl-Chnăm-Thmây của đồng bào Miên (Châu Giang Tử), Xuân qua các nẻo đường sơn cước (Đỗ Văn Tú), Thưởng xuân trên cao nguyên với rượu cần của đồng bào Thượng (Nguyễn Trắc Dĩ)… Qua nội dung người đọc biết được những thông tin thú vị về phong tục, lối sinh hoạt, cách ăn uống và thưởng Tết của người Việt ở ba miền Bắc, Trung, Nam, các vùng lân cận khác nhau.

Tuy nhiên, dù có khác nhau do đặc trưng mỗi vùng miền thì tựu trung lại, đối với những ai thật sự hiểu và “ăn Tết” đúng theo ý nghĩa tục lệ ông bà để lại thì đâu đâu cũng như nhau, dùng dịp Tết nhứt để mừng đoàn tụ gia đình, tưởng niệm cúng vái tổ tiên đã khuất… Tết là dịp để người dân đốt pháo, giết gà giết lợn làm mâm cúng tổ tiên, tham gia các trò chơi cổ truyền và tham quan các địa điểm nổi tiếng.

“Những cuộc vui xuân đã biểu lộ phần nào ý nghĩa lịch sử của Tết Nguyên đán, ý nghĩa nhân đạo và tinh thần hòa hợp với đời sống phóng khoáng của thiên nhiên; Tết lại có ý nghĩa đoàn kết xã hội giữa mọi tầng lớp nhân dân khiến chúng ta thấy, nhờ có các tục lệ này, xã hội Việt Nam đã thành một khối vững chắc, từng có hiệu lực chống trả với các biến chuyển, những giông tố từ bên ngoài xô tới qua bốn ngàn năm lịch sử”. (Trích Cổ nhân và các tục lệ về ngày xuân của tác giả Phạm Văn Sơn).

Bài, ảnh: Huỳnh Anh

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN