Mỗi dịp xuân về, Tết đến, nơi đây rộn ràng vô kể. Mới đầu tháng chạp âm lịch là đã thấy nhà nhà tráng bánh phơi đầy cả sân. Có nhà xôm tụm hơn, treo lủng lẳng không biết bao nhiêu chùm lạp xưởng.
Còn về mứt Tết thì hầu như nhà nào cũng phải làm để dùng trong mấy ngày tết. Mẹ và chị tôi mua bí, gừng, chùm ruột… mỗi thứ một ít, về nhà lấy cây xăm thủng những củ, trái ấy rồi xên đường làm mứt, hương thơm bay ngào ngạt. Sau đó, bày ra hủ, ra mâm rồi đem phơi nắng. Lũ nhỏ chúng tôi len lén thấy vắng bóng người là vội vàng quơ hốt mớ mứt này đưa vào miệng nhai nhóp nhép ngon lành.
Nhà nhà tráng bánh, nhà nhà làm mứt, đi đâu ai cũng thấy màu trắng của bánh tráng, của mứt bí, màu đỏ của lạp xưởng, của mứt chùm ruột, màu vàng, xanh, tím của mứt gừng, mứt dừa thật bắt mắt. Tất cả màu sắc ấy đã tạo nét xuân, báo hiệu với mọi người rằng tết đã gần kề.
Rộn ràng hơn nữa là ở khu đất rộng thênh thang trước đình làng được làm khu hội xuân. Nơi đây, tới ngày hai mươi ba tháng Chạp âm lịch là mấy anh trai tráng trong làng tập hợp nhau dựng một cây nêu tre cao chót vót, ngọn tre lá được để nguyên, phía dưới có treo lủng lẳng một miếng bùa vải đỏ cùng với mấy nhánh xương rồng, lá dứa cùng một số thứ khác… Bọn nhỏ tôi cứ ngắm mãi cây nêu với nhiều nghĩ suy vui vẻ, an lành, may mắn trong mấy ngày Tết.
Cạnh cây nêu là cái xích đu cũng được ràng buộc, kết nối với nhau bằng nhiều cây tre to tổ bố được chôn sâu, đủ vững chắc để chịu được sức nặng của hai người. Hai cây tre làm cầu đu nhỏ vừa tay cầm đươc treo ở chính giữa. Lên đu có thể một, hai người. Càng nhún mạnh thì đu càng lên cao từ bên nọ sang bên kia, nhiều khi đu bay ngang ngọn đu một vòng. Ban đầu hơi run, nhưng khi tôi leo lên xích đu thì cái đu lao vùn vụt, lũ chúng tôi khoái quá, cứ đu mãi khiến đám trẻ khác tranh giành, cự cãi quá chừng.
Khu hội xuân còn bày ra trò chơi “leo cột mỡ”. Ðó là một cây tre được gọt tỉa lá, mắc lóng trơn tru, chôn thẳng đứng với mặt đất, có chiều cao khoảng bảy, tám mét, chót vót trên cao có treo những phần quà hấp dẫn và người ta phết lên cây một lớp dầu nhớt. Ai leo lên không bị trợt, lấy được quà là thắng cuộc.
Sôi nổi hơn nữa là trò chơi “qua cầu trơn”. Người chơi phải bước qua cây cầu tre được bắt ngang mương trước sân đình, có đắp một lớp bùn nhão. Người chiến thắng là người không bị té nhào xuống mương, được tưởng thưởng xứng đáng
Hai trò chơi này, thường chẳng có mấy ai thắng cuộc cả.
Cuộc vui xuân rôm rả từ khi dựng nêu đến hạ nêu (mùng bảy tháng Giêng âm lịch) mới thôi. Lũ chúng tôi vui chơi thoải mái.
Vào những ngày giáp tết, tôi được phân công trang hoàng nhà cửa bởi cha mẹ biết tôi khéo léo. Ðầu tiên là chùi lau bàn thờ, các lư hương bình hoa… và sắp xếp ngăn nắp lại. Kế đến, tôi treo tấm tượng có vẽ chữ “phước” bằng mực tàu trên nền giấy màu đỏ chót hai bên là hai câu đối bằng chữ Hán, cho đến bây giờ tôi chẳng biết nghĩa của nó là gì.
Vách nhà lúc đó bằng lá được cặp với các nẹp tre, cho nên tôi phải lấy báo cũ dán lên. Dùng chảo hồ được pha chế bằng bột mì tinh, tôi trét lên các nẹp tre, rồi đặt những tờ báo lớn nhỏ dán lên vách từ cây xuyên chạy dài xuống đất. Dán xong, nhà tôi rực rỡ hẳn lên.
Ngoài ra, một điều không thể bỏ qua, đó là treo tranh Tết. Mẹ tôi mua nhiều bộ tranh thường là tranh truyện như: Nàng Út ống tre, Con Tấm, Con Cám, Thạch Sanh Lý Thông, Thoại Khanh Châu Tuấn. Lâm Sanh Xuân Nương, Mục Liên Thanh Ðề… thường là qua nét vẽ của họa sĩ Lê Trung. Mỗi bộ tranh có bốn tờ, mỗi tờ có bốn tranh màu sắc sinh động, phía dưới là chú thích bằng thơ hoặc văn xuôi kể chuyện tranh thật dễ hiểu, ấn tượng. Từ những bộ tranh này, lúc đó tôi càng rung cảm, xúc động trước những nghĩa cử hào hiệp, cao đẹp của Thạch Sanh, cô Tấm bao nhiêu thì càng căm ghét Lý Thông, mẹ con Cám bấy nhiêu.
Bây giờ, quê tôi đâu còn cảnh tráng bánh, làm lạp xưởng, làm mứt Tết nữa. Các thứ ấy, người ta làm sẵn và bày bán đầy ở chợ, siêu thị và càng không thể có việc dán vách, treo tranh vì nhà cửa đều là vách tường, tranh truyện cũng chẳng có ai vẽ, ai bán nữa. Khu đất sân đình rộng ràng ngày nào nay đìu hiu vắng vẻ, không còn nữa cây nêu ngày Tết, cái xích đu hay những trò chơi dân gian “leo cột mỡ”, “qua cầu trơn”…
Dân Sinh