Tây Ban Nha nới lỏng hạn chế đối với trẻ em

23/04/2020 - 22:18

Ngày 23-4-2020, Phó Thủ tướng Tây Ban Nha Pablo Iglesias thông báo trẻ em dưới 14 tuổi sẽ được phép rời nhà trong 1 giờ với sự giám sát của người lớn và không được phép đi quá phạm vi 1 km tính từ nhà họ trong bối cảnh đà lây lan của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang chậm lại.

Học sinh học trực tuyến do nhiều trường học phải đóng cửa vì COVID-19 tại Cascais, Tây Ban Nha, ngày 14-4-2020. Ảnh: THX/TTXVN

Hiện giới chức Tây Ban Nha đang nới lỏng các biện pháp hạn chế được áp đặt để phòng chống dịch COVID-19 sau khi số ca mắc mới mỗi ngày giảm từ 20% xuống còn 2%. Các công nhân nhà máy và xây dựng đã được phép trở lại làm việc. Tuy nhiên, trẻ em chủ yếu vẫn ở nhà trong 40 ngày qua do các biện pháp hạn chế đi lại nghiêm ngặt. Trong tuần này, Chính phủ Tây Ban Nha cho biết sẽ cho phép trẻ em ra ngoài đi dạo, song không nêu rõ. 

Bộ Y tế Tây Ban Nha thông báo với thêm 440 ca tử vong trong 24 giờ qua, quốc gia châu Âu này  ghi nhận tổng cộng 22.157 ca tử vong tính đến sáng 23-4 (giờ địa phương). Đây là mức tăng nhẹ so với con số tử vong 435 ca của 1 ngày trước. Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 ở Tây Ban Nha ghi nhận đến nay là 213.024 người, tăng 4.635 ca so với 1 ngày trước.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng một số bang của Đức đang quá “vội vàng” trong việc nới lỏng các biện pháp hạn chế, đồng thời cảnh báo nguy cơ những bang này sẽ khiến công sức chống dịch của chính phủ đổ bể. Tuy nhiên, bà Merkel không nêu cụ thể bang nào.

Phát biểu trước Quốc hội cùng ngày 23-4, bà Merkel cho biết dù số ca mắc mới tại Đức đang bắt đầu giảm xuống, song chính phủ và người dân vẫn còn nhiều việc cần làm. Thủ tướng Merkel khẳng định hiện Đức chưa bước vào giai đoạn cuối của dịch bệnh mà vẫn đang ở giai đoạn đầu, đồng thời cảnh báo: “Chúng ta sẽ sống chung với virus này trong một thời gian dài”. 

Cùng ngày, Tòa án thành phố Praha của CH Séc đã ra phán quyết hủy một số biện pháp hạn chế mà chính phủ nước này đã thông qua về phòng chống COVID-19. Cụ thể, tòa khẳng định các biện pháp của chính phủ hạn chế hoạt động di chuyển và đóng cửa các doanh nghiệp bán lẻ hiện nay là bất hợp pháp.

Các biện pháp hạn chế trên do Bộ Y tế Séc áp đặt để phòng chống COVID-19. Tòa nhấn mạnh một bộ không có quyền như vậy mà Chính phủ Séc lẽ ra phải thông qua các biện pháp này như một phần trong các biện pháp của mình để giải quyết khủng hoảng theo các nguyên tắc về tình trạng khẩn cấp. Từ nay đến ngày 27-4 tới, Chính phủ Séc phải thông qua lại các biện pháp trên sao cho phù hợp với quy định luật pháp nước này. 

Đến nay, Séc ghi nhận tổng cộng 7.136 ca mắc, trong đó 210 ca tử vong. Dự kiến, khoảng 27.000 người trong độ tuổi từ 18 - 89 tuổi trên cả nước sẽ được xét nghiệm virus SARS-CoV-2 trong 2 tuần tới. Bên cạnh đó, trẻ em trên 8 tuổi tại thủ đô Praha và thành phố lớn thứ 2 của Séc là Brno cũng sẽ được xét nghiệm. Kế hoạch này nhằm phục vụ một nghiên cứu xác định những ca mắc bệnh nhưng không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ. Kết quả được công bố đầu tháng 5 tới sẽ giúp nhà chức trách điều chỉnh kế hoạch nới lỏng các biện pháp hạn chế được áp đặt để phòng chống dịch.

Trong khi đó, số ca mắc và tử vong tiếp tục tăng tại một số nước khác ở châu Âu. Tại Hà Lan, Viện Y tế cho biết số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nước này tăng lên 35.729 người, với 887 ca nhiễm mới và thêm 123 ca tử vong. Đến nay, Hà Lan xác nhận tổng cộng 4.177 ca tử vong. Số ca mắc bệnh thực tế có thể cao hơn con số thống kê do không phải tất cả các trường hợp đều được xét nghiệm virus.

Tại Bỉ, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Bỉ Emmanuel Andre thông báo nước này ghi nhận tổng cộng 6.490 ca tử vong, với 230 ca tử vong mới ghi nhận trong 24 giờ qua. Trong khi đó, Bỉ ghi nhận thêm 908 ca mắc trong 1 ngày qua, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 42.797. 

Tại Thụy Sĩ, tính đến ngày 23-4, số ca tử vong do COVID-19 là 1.268 người, tăng so với 1.217 người một ngày trước đó. Tổng số ca nhiễm virus là 28.496 người, tăng từ 28.268 người của ngày 22-4.

Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực châu Âu Hans Kluge cho biết có đến 50% số ca COVID-19 tử vong tại châu lục này từng ở trong các viện dưỡng lão, đồng thời gọi đây là một thảm kịch “không thể tưởng tượng được”. 

Phát biểu trong cuộc họp báo cùng ngày 23-4, ông Kluge cho biết một thực tế vô cùng đáng lo ngại cho thấy tác động của dịch COVID-19 đối với những ngôi nhà lâu nay dành cho người cao tuổi nhưng thường bị chỉ trích lơ là công tác chăm sóc. Ông Kluge cũng cho biết các nhân viên y tế tại những trung tâm này thường phải làm việc quá sức và nhận lương thấp, đồng thời kêu gọi các chính quyền hỗ trợ cũng như cung cấp thêm đồ bảo hộ cho “những người hùng thầm lặng” trong thời dịch bệnh này.

Nguồn: TTXVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN