Ban Chỉ đạo giảm nghèo cấp xã cần rà soát danh sách cụ thể các hộ này. Đồng thời, đôn đốc các tổ chức, cá nhân được phân công theo dõi tiếp tục tham vấn xây dựng sinh kế hoặc dự án sản xuất, kinh doanh phù hợp với năng lực, điều kiện làm ăn với suất đầu tư khoảng 100 triệu đồng/hộ.
Theo quy định hiện hành của Chính phủ, mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo là 100 triệu đồng/hộ, thời gian cho vay tối đa là 10 năm. Tuy nhiên, trong năm 2019, các tổ chức chính trị - xã hội đã phối hợp với trưởng ấp, khu phố và Tổ Tiết kiệm và vay vốn chỉ bình xét đề nghị cho vay bình quân 40 triệu đồng/hộ, khá thấp so với nhu cầu vay vốn, và bằng 40% mức cho vay tối đa.
Năm 2020, nguồn vốn cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội là 926.870 triệu đồng, đủ để đáp ứng nhu cầu vay vốn của các hộ tham gia Đề án. Ban Chỉ đạo giảm nghèo cấp xã ngay từ đầu năm cần có chủ trương và chỉ đạo trưởng ấp, khu phố phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nâng mức bình xét đề nghị cho vay gần với mức cho vay tối đa để giúp hộ vay mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập.
Trong cuộc họp bình xét cho vay cần khuyến khích hộ vay trình bày rõ ràng sinh kế, dự án, các yêu cầu cần hỗ trợ… từ Ban Chỉ đạo giảm nghèo để họ tự tin trên con đường thoát khỏi ngưỡng cửa nghèo đói.
Trần Văn Thành