Tập trung truy xuất nguồn gốc nông sản chủ lực

24/07/2019 - 07:07

BDK - Tập trung truy xuất nguồn gốc (TXNG) nông sản chủ lực của tỉnh là vấn đề “nóng”, luôn được tập trung bàn bạc, thảo luận nhiều tại các cuộc họp của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cấp và các ngành liên quan. Bởi trong xu thế hội nhập hiện nay, việc thực hiện TXNG được xem là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu và có tính quyết định sống còn cho các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh.

Công ty TNHH MTV XNK nông sản Hương Miền Tây đã thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm được chứng nhận chỉ dẫn địa lý bưởi da xanh.

Xu thế tất yếu

Sự cạnh tranh hàng hóa Việt Nam và các nước đang xuất hiện ngay thị trường “sân nhà”. Để đảm bảo hàng hóa có chất lượng tốt, đủ năng lực cạnh tranh, nhiều doanh nghiệp (DN) đã hướng đến sản xuất thực phẩm đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP... Tuy nhiên, sự minh bạch hơn về quy trình, nguồn gốc sản phẩm, cần có thông tin TXNG tại tất cả các khâu trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đang là xu thế lựa chọn trong tiêu dùng.

Tại tỉnh, Tỉnh ủy xác định việc TXNG nông sản là xu thế tất yếu để phát triển chuỗi giá trị bền vững. Việc xây dựng và phát triển nâng cấp chuỗi giá trị song song với xây dựng TXNG. Tỉnh có nhiều chương trình, nghị quyết như: Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển chuỗi giá trị nông sản chủ lực tỉnh Bến Tre và Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; trong đó yếu tố sản xuất an toàn, bền vững, xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị chủ lực của tỉnh hướng tới xây dựng thương hiệu, truy xuất được nguồn gốc nông sản. Ngành nông nghiệp đã phối hợp với các cấp ủy đảng, chính quyền tập trung tuyên truyền, vận động thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX), tạo điều kiện liên kết nông dân với DN để tiêu thụ nông sản, hình thành chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh có 840 tổ hợp tác (theo Nghị định số 151 của Chính phủ) và 95 HTX; chuỗi giá trị sản phẩm dừa, bưởi da xanh, nhãn được hình thành và phát triển.

Ông Cao Xuân Đoàn - Giám đốc Trung tâm Kinh doanh VNPT Bến Tre cho biết, được sự phê duyệt của UBND tỉnh thực hiện đề tài về “Xây dựng và ứng dụng các giải pháp quản lý TXNG cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh Bến Tre”, hiện việc ứng dụng công nghệ TXNG đã thực hiện cho nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh như: bưởi da xanh, dừa xiêm xanh, chôm chôm, nhãn và hoa kiểng. Mục tiêu đề tài nhằm xây dựng hệ thống TXNG điện tử sử dụng mã QR cho các sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh và thử nghiệm ứng dụng hệ thống tem TXNG điện tử.

“Trong đó, đối với sản phẩm bưởi da xanh có các DN tham gia như Cơ sở Hương Miền Tây, HTX bưởi da xanh Bến Tre, Mỹ Thạnh An, Lương Phú và Giồng Trôm. Dừa xiêm xanh có các DN như: Công ty TNHH XNK MeKong, Cơ sở chế biến dừa Ba Đốt và Công ty TNHH Thuận Thành. Sản phẩm trái cây có HTX DVTM Nông sản an toàn Bến Tre...”, ông Cao Xuân Đoàn nêu.

Theo ông Huỳnh Quang Đức - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện Đề án “Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống TXNG” của Chính phủ, ngày 19-1-2019, bước đầu trên địa bàn tỉnh đã có những DN chuỗi giá trị dừa xây dựng cho mình bộ truy xuất hàng hóa, đặc biệt là các hàng hóa nông sản theo một số các tiêu chuẩn GlobalGAP, hữu cơ và TXNG sản phẩm như: Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới; Công ty CP chế biến dừa Á Châu; Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre; Công ty XNK Toàn cầu trái cây tươi; Công ty TNHH Nga Phú Thịnh và Công ty TNHH Hào Quang; đối với cây ăn trái có Công ty XNK trái cây Chánh Thu... Các DN này hướng đến đáp ứng nhu cầu trong nước và chinh phục thị trường quốc tế.

Quyết tâm vào cuộc

Hệ thống TXNG có thể thực hiện bằng phương pháp thủ công như ghi chép, trao đổi dữ liệu xử lý bằng tay, hoặc cũng có thể được thực hiện tự động thông qua các công nghệ hỗ trợ như công nghệ thông tin, mã số mã vạch... để số hóa, trao đổi, truy xuất dữ liệu tự động. Xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng hệ thống TXNG điện tử và áp dụng các công nghệ thu thập dữ liệu trên nhãn TXNG đang trở nên phổ biến.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức cho biết, hướng tới, ngành nông nghiệp của tỉnh quan tâm việc đổi mới tổ chức sản xuất. Theo đó, tổ chức nông dân liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nâng cao năng lực, trình độ tổ chức, phát triển sản xuất các sản phẩm đặc trưng tại địa phương. Cụ thể, liên kết nông dân từ những nông hộ sản xuất nhỏ lẻ, tự phát thành các nhóm sản xuất tương đối đồng nhất (câu lạc bộ, tổ hợp tác sản xuất, HTX...). Sự liên kết này giúp nông dân có cơ hội tốt trong việc chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất cũng như tiếp cận thị trường. Tạo môi trường, điều kiện thuận lợi trong việc chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ trong TXNG nông sản.

“Việc TXNG, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản của tỉnh trong thời gian tới chắc chắn sẽ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Để đạt được thành công đòi hỏi sự nỗ lực, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các cấp, các ngành, sự vào cuộc quyết tâm, mạnh mẽ của toàn xã hội”, ông Huỳnh Quang Đức nhấn mạnh.

“Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh có trách nhiệm triển khai, hướng dẫn người dân thực hiện các tiêu chí, tiêu chuẩn trong TXNG và tổng hợp, đề xuất danh mục lên cấp trên, nhằm đủ điều kiện để hàng nông sản Bến Tre đạt yêu cầu TXNG của phía Trung Quốc”, ông Huỳnh Quang Đức cho biết tại Kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh. Cũng theo ông Đức, việc TXNG hàng nông sản còn giúp phát triển hàng nông sản theo hướng bền vững, nâng cao giá trị tại địa phương thông qua gắn với phát triển du lịch nông nghiệp.

Tại Kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 11 vào đầu tháng 7-2019, ông Phan Văn Mãi - Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã chỉ đạo một trong những giải pháp trọng tâm từ nay đến cuối năm là tổng hợp danh mục các sản phẩm chủ lực, thúc đẩy Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy nhanh tiến độ đàm phán bổ sung hàng nông sản Bến Tre vào danh mục xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Đây được đánh giá là một trong những thị trường tiềm năng nhất của các nước nông nghiệp.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN