Tập trung phòng chống sâu đầu đen hại dừa

20/09/2024 - 08:23

BDK - Hiện nay, sâu đầu đen (SĐĐ) gây hại dừa lan rộng các địa phương tại tỉnh, nhất là vùng chuyên trồng dừa khô nguyên liệu phục vụ chế biến. Hiện nông dân đang tập trung các giải pháp phòng chống SĐĐ hại dừa, giúp vườn dừa nhanh chóng phục hồi sau khi bị SĐĐ tấn công.

Nông dân phun xịt thuốc phòng trừ sâu đầu đen hại dừa.

Gây thiệt hại nặng diện tích dừa

Sau 2 tháng tập trung phun xịt thuốc bảo vệ thực vật, vườn dừa khô nguyên liệu với diện tích hơn 1ha của bà Huỳnh Thị Bường, ấp Hòa Bình, xã Mỹ Hòa, huyện Ba Tri dần phục hồi. Cây dừa bắt đầu ra lá non và không thấy có dấu hiệu bị SĐĐ tấn công. Bà Bường cho hay, khoảng 5 tháng trước vườn dừa của gia đình bị SĐĐ gây hại, bà mua thuốc để phun.

Bà Huỳnh Thị Bường chia sẻ, khi vườn dừa chưa bị SĐĐ thu hoạch hơn 1.000 trái, với thời điểm giá thấp (khoảng 4.000 đồng/trái), cho thu nhập 4 - 5 triệu đồng. Khoảng 3 - 4 tháng nay, năng suất dừa giảm từ từ, hiện tại tháng này thu hoạch chưa được 90 trái dừa, với giá cao hiện nay (9.000 đồng/trái) thu nhập chỉ 600 - 700 ngàn đồng. Theo bà Bường, bây giờ thấy đâm đọt non, nhưng để phục hồi đạt năng suất như trước đây phải mất 2 - 3 năm nữa. Hiện song song với việc chờ dừa phục hồi, bà Bường mua giống dừa trồng xen trong vườn. Nếu sau này dừa không phục hồi thì có cây dừa mới thay thế, vì dừa khô nguyên liệu trồng mất 4 năm mới cho trái.

Gần đó, vườn dừa khô nguyên liệu với diện tích gần 3.000m2 của ông Nguyễn Văn Dợt (65 tuổi, ấp Hòa Bình, xã Mỹ Hòa) cũng bị SĐĐ gây hại. Ông Dợt cho biết, SĐĐ ảnh hưởng vườn dừa 4 tháng nay, ông Dợt có thuê người phun xịt thuốc nhưng không hiệu quả. Sau đó, ông Dợt tự mua máy phun thuốc để về tự phun xịt. Hiện vườn dừa của ông Dợt không còn bị SĐĐ tấn công. Tuy nhiên thiệt hại khoảng 50%. Theo ông Dợt, SĐĐ ăn hết phần xanh của lá dừa, sau đó tàu dừa bị khô rụng xuống, trái bị rụng do dừa không còn lá để quang hợp nên năng suất giảm. Mỗi tháng, ông Dợt bán được hơn 250 trái, hiện nay giảm hơn 1 nửa. Bên cạnh đó, trái dừa bị xấu, không đạt chất lượng, nên thương lái thu mua giá giảm. Ông Dợt lo lắng, trước đây dừa cũng bị sâu hại (bọ dừa) tấn công, bọ dừa dễ trị, còn SĐĐ phun xịt 2 - 3 lần mới thấy giảm, không biết sau này có tái lại hay không. Hiện tại ông Dợt tổ chức phun định kỳ mỗi tháng 2 lần để phòng tránh SĐĐ.

Sau khi thấy khu vực bị ảnh hưởng SĐĐ, các hộ dân xung quanh tập trung phun xịt phòng ngừa SĐĐ. Anh Nguyễn Văn Minh, xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm chia sẻ, cách vườn dừa gia đình hơn 2km có SĐĐ gây hại, nên anh Minh thuê nhân công để phun xịt phòng trừ, với giá nhân công thuê cao. Người dân mong muốn ngành chức năng có giải pháp sinh học thả ong ký sinh để người dân giảm chi phí phun thuốc, giảm nguy cơ ảnh hưởng môi trường do thuốc trừ sâu gây ra.

Các giải pháp phòng trừ

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, hiện toàn tỉnh có hơn 630ha dừa nhiễm SĐĐ, hơn 93ha dừa bị đốn do bị SĐĐ gây hại. Trong 630ha nhiễm SĐĐ, diện tích nhiễm nhẹ hơn 309ha (tỷ lệ hại 10 - 20%), nhiễm trung bình 181ha và nhiễm nặng 140ha, có 8/9 huyện, thành phố bị SĐĐ gây hại, nhiều nhất là huyện Mỏ Cày Nam, Giồng Trôm, Thạnh Phú, Ba Tri...

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Võ Văn Nam cho biết: Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh phóng thích hơn 147 triệu ong ký sinh phòng trừ SĐĐ. Trong 2 năm (2022 - 2023), toàn tỉnh phóng thích hơn 419 triệu ong ký sinh. Ông Võ Văn Nam khuyến cáo, người dân cần tuân thủ đúng biện pháp quản lý tổng hợp SĐĐ hại dừa, chủ động thường xuyên thăm vườn để phát hiện sớm SĐĐ gây hại, cắt tỉa tàu lá hoặc lá chét bị sâu gây hại trên cây dừa và cây ký chủ phụ (cau, dừa nước, cọ, chuối...), tiêu hủy bằng cách đốt hoặc vùi xuống nước nhằm làm giảm mật số sâu hại.

Theo ông Võ Văn Nam, đây là biện pháp rất quan trọng, hiệu quả (diệt cả trứng, sâu non và nhộng), an toàn môi trường và cần phải thực hiện ngay khi phát hiện SĐĐ gây hại; bón phân cân đối, chia làm nhiều đợt bón giúp cây khỏe để nhanh phục hồi sau khi bị gây hại; không vận chuyển cây dừa giống, các cây ký chủ phụ và trái dừa bị nhiễm SĐĐ sang các vùng khác để hạn chế lây lan. Ngoài ra, khi phát hiện vườn dừa bị SĐĐ gây hại nặng, cần cắt tỉa tiêu hủy tàu lá/lá chét bị sâu hại trước khi phun thuốc bảo vệ thực vật, sau phun thuốc từ 2 tuần trở lên tiến hành phóng thích ong ký sinh và ngừng phun thuốc.

“Người dân không nên lạm dụng thuốc trừ sâu phòng trừ SĐĐ, vì khi phun thuốc trừ sâu sẽ diệt tất cả thiên địch xung quanh cây dừa, cây dừa không còn các loài thiên địch bảo vệ, rất dễ bị sâu, bệnh tấn công. Bên cạnh đó, phun thuốc trừ sâu quá nhiều ảnh hưởng đến môi trường, vật nuôi xung quanh vườn dừa cũng bị ảnh hưởng nên người dân cần thận trọng liều lượng sử dụng; nên sử dụng thuốc theo khuyến cáo của ngành chức năng”.

(Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Võ Văn Nam)

Bài, ảnh: Phúc Hậu

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN