Tập trung phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm

14/11/2021 - 20:39

BDK - UBND tỉnh vừa có công văn yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), UBND các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được phân công tổ chức triển khai thực hiện tốt các nội dung theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT về phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; trong đó, tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:

Cán bộ chuyên môn lựa nhộng sâu đầu đen, sâu đầu đen để nhân nuôi ong ký sinh. Ảnh: CTV

Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các ngành, UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh (phải tập trung thực hiện nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác phát triển các cơ sở, vùng nuôi an toàn dịch bệnh trong thời gian tới). Khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm phòng, tiêm phòng bổ sung vắc-xin phòng các bệnh, bảo đảm tối thiểu trên 80% tổng đàn, nhất là các dịch bệnh nguy hiểm như: cúm gia cầm, lở mồm long móng, heo tai xanh, viêm da nổi cục, dại... Riêng bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò phải đạt tỷ lệ tiêm phòng trên 90% tổng đàn. Tăng cường thông tin, hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao. Có biện pháp ngăn chặn các loài véc-tơ truyền bệnh xâm nhập vào chuồng nuôi như: phun thuốc sát trùng, thuốc diệt các loài véc- tơ... Chỉ đạo lực lượng thú y các cấp và các địa phương chủ động giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện. Xử lý nghiêm các trường hợp giấu, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng, gây ảnh hưởng cho người dân và cộng đồng.

Tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật. Tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép; xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, chế biến các sản phẩm không bảo đảm yêu cầu về phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng chống dịch bệnh động vật; báo cáo dịch bệnh động vật trực tuyến qua hệ thống VAHIS; áp dụng hình thức trực tuyến để hướng dẫn phòng chống dịch bệnh, tổ chức lấy mẫu giám sát, xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh động vật, đánh giá các cơ sở an toàn dịch bệnh động vật …

Tổ chức kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp cung ứng, buôn bán các loại vắc-xin không bảo đảm chất lượng theo quy định của pháp luật. Xử lý nghiêm các trường hợp cản trở, lợi dụng tình hình dịch bệnh, tích trữ hàng gây khó khăn cho người chăn nuôi trong việc tiếp cận, mua vắc-xin để tiêm phòng cho đàn vật nuôi.

Giao Sở NN&PTNT, UBND các huyện, thành phố thành lập các đoàn công tác tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống dịch bệnh động vật, đồng thời bảo đảm thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo quy định. Giao UBND các huyện, thành phố xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh; tổ chức tiêm phòng, tiêm phòng bổ sung vắc-xin phòng các bệnh; tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật.

Hoàng Lam

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN