Tập trung phát triển công nghiệp chủ lực

22/07/2022 - 05:47

BDK - Qua hơn 1 năm triển khai chương trình về phát triển công nghiệp (CN) chủ lực, lực lượng doanh nghiệp (DN) của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Nghị quyết số 08-NQ/TU của Tỉnh ủy ngày 29-1-2021), kết quả bước đầu thực hiện một số chỉ tiêu khá khiêm tốn, do ảnh hưởng tình hình dịch Covid-19. Ngành CN đã có dấu hiệu phục hồi vào 6 tháng đầu năm 2022.

Thu hút doanh nghiệp chế biến nông sản vào các khu, cụm công nghiệp.

Sản xuất công nghiệp phục hồi

Đến nay, trong các khu công nghiệp (KCN) có 51 dự án (DA) hoạt động. KCN Phú Thuận được Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư DA là 3.582 tỷ đồng, lũy kế giải ngân đến tháng 6-2022 là 1.797/2.023 tỷ đồng, đạt 88,83% giá trị tổng mức đầu tư. Lũy kế tổng diện tích đất đã bồi thường khoảng 202,97/216,2ha, đạt khoảng 93,88% diện tích.

Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Bé Sáu cho biết, tỉnh sẽ phấn đấu đưa vào kế hoạch và triển khai 1 KCN trên địa bàn huyện Thạnh Phú; đang rà soát điều chỉnh, bổ sung quy hoạch KCN tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh trên cơ sở phân bố các KCN hợp lý, chú trọng tới những khu vực có tiềm năng, vùng nguyên liệu, thuận lợi về giao thông thủy, giao thông bộ... đảm bảo vai trò “đòn bẩy” phát triển kinh tế - xã hội tỉnh theo hướng CN hóa, hiện đại hóa.

Kết quả cụ thể trong 6 tháng đầu năm 2022, giá trị sản xuất ngành dừa ước đạt 1,8 ngàn tỷ đồng, tăng 4,05% so với cùng kỳ, chiếm 10,32% so với giá trị sản xuất CN toàn tỉnh. Kim ngạch xuất khẩu dừa ước tăng 31,68%, chiếm 49,49% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Giá trị ngành sản xuất, chế biến thủy sản (giá so sánh năm 2010) năm 2021 đạt 4,6 ngàn tỷ đồng, giảm 24,34% so với cùng kỳ, chiếm 12,99% so với giá trị sản xuất CN toàn tỉnh. 6 tháng đầu năm 2022 ước tăng 6,76% so với cùng kỳ, chiếm 13,58% so với giá trị sản xuất CN toàn tỉnh.

Kim ngạch xuất khẩu hàng thủy sản năm 2021 đạt 57,704 triệu USD, giảm 5,8% so với cùng kỳ và 6 tháng đầu năm 2022 ước tăng 17,34% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất CN hỗ trợ (giá so sánh năm 2010) năm 2021 đạt 3,3 ngàn tỷ đồng, giảm 9,09% so với cùng kỳ, chiếm 9,32% giá trị sản xuất CN toàn tỉnh và 6 tháng đầu năm 2022 ước tăng 9,38% so với cùng kỳ, chiếm 10,03% so với giá trị sản xuất CN toàn tỉnh.

Hiện tỉnh có 19/45 DA điện gió (gồm giai đoạn 2 - 3 của các DA trước đó) đã được bổ sung vào quy hoạch với tổng công suất 1.007MW. 9/19 DA đang triển khai thực địa, thi công với công suất lắp đặt khoảng 260MW. Trong đó, có 5/9 DA kịp công nhận vận hành thương mại trước ngày 31-10-2021 là 93,05MW theo Quyết định số 39/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Bé Sáu, do cơ chế hỗ trợ phát triển điện gió theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ hết hiệu lực kể từ ngày 31-10-2021 nên số lượng còn lại phải chờ đến khi có quy định mới. Các DA còn lại đang triển khai các thủ tục pháp lý.

Ngoài ra, có 27 DA điện gió đang trình bổ sung Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, có xét đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII). Hiện Quy hoạch điện VIII chưa được phê duyệt. DA điện khí LNG đã trình Bộ Công Thương đề nghị bổ sung 3 DA điện khí LNG vào Quy hoạch điện VIII đến nay chưa được phê duyệt.

Thu hút, kêu gọi đầu tư

Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Bé Sáu cho biết: Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, các huyện, thành phố thu hút, kêu gọi đầu tư các KCN, cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh. Trong đó, ưu tiên bố trí vốn đầu tư công (giao thông) và thu hút đầu tư tư nhân (cảng, điện, nước, viễn thông...) đảm bảo hạ tầng đồng bộ trong và ngoài KCN, CCN, tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư, lấp đầy diện tích đất CN cho thuê. Trong đó, có chú trọng các DA CN công nghệ cao, thân thiện môi trường, có giá trị gia tăng lớn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, phù hợp với định hướng phát triển CN của tỉnh.

Sản xuất nước cốt dừa xuất khẩu tại Công ty cổ phần đầu tư dừa BEINCO, huyện Mỏ Cày Bắc.

Sở sẽ tham mưu để ban hành bộ tiêu chí thu hút đầu tư vào KCN, CCN; đa dạng hình thức thu hút đầu tư. Trong đó, có chú trọng hình thức thu hút đầu tư trực tiếp đối với những nhà đầu tư có tiềm lực mạnh. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư.

Kết luận của Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ tại buổi làm việc về công tác hỗ trợ DN, khởi nghiệp, xúc tiến đầu tư và thu hút đầu tư của tỉnh vào tháng 6-2022 đã nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về phát triển CN, DN, thu hút đầu tư trong thời gian tới. Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tập trung thu hút đầu tư vào sản xuất CN chế biến để tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp, giúp người nông dân cải thiện thu nhập, góp phần tăng nguồn thu ngân sách nhà nước.

Quan tâm thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ, trung tâm thương mại...), tổ chức lại các chợ truyền thống. Nghiên cứu cơ chế, chính sách thu hút đầu tư để thu hút những DN quy mô lớn, uy tín, kinh nghiệm về đầu tư phát triển những lĩnh vực ứng dụng khoa học công nghệ cao, có suất đầu tư cao, mang lại giá trị gia tăng cao, hiệu quả kinh tế cao, đóng góp lớn ngân sách nhà nước cho tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ lưu ý khả năng và quyền lợi nhà đầu tư, tìm hiểu kỹ nhu cầu, năng lực của nhà đầu tư; sự cam kết đồng hành của tỉnh với DN. Chủ động tham mưu giải quyết kịp thời, hợp lý những vướng mắc, khó khăn của nhà đầu tư, DN thường gặp như: công tác giải phóng mặt bằng, các vấn đề liên quan đất đai, quy trình, thủ tục thực hiện DA...

Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có 778/5.000 DN thành lập mới, đạt 15,56%, nâng tổng số DN toàn tỉnh là 5.800, với tổng vốn đăng ký 64.655 tỷ đồng. Trong đó, có 4.569 DN đang hoạt động và 328 DA đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 62 DA FDI với tổng vốn đăng ký 1.623 triệu USD và 267 DA trong nước với tổng vốn đăng ký 63.666 tỷ đồng.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN