Tập trung phát triển bền vững kinh tế biển

08/03/2019 - 07:41

BDK - Bình Đại là một trong ba huyện ven biển của tỉnh, kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, trong đó, nuôi và đánh bắt thủy sản được xác định là kinh tế mũi nhọn. Để kinh tế biển trở thành ngành kinh tế chủ lực, huyện tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch nuôi thủy sản theo hướng “mở và động” trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thu hoạch tôm nuôi thâm canh.

Theo đó, huyện tập trung quy hoạch vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, vùng nuôi tập trung đáp ứng yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Phấn đấu đảm bảo tổng diện tích nuôi thủy sản là 18 ngàn ha, trong đó có 6 ngàn ha diện tích nuôi tôm thâm canh, tổng sản lượng nuôi 90 ngàn tấn, có 80% phục vụ xuất khẩu. Năng suất nuôi tôm chân trắng thâm canh đạt 15 tấn/ha mặt nước/vụ, tôm sú thâm canh 8 tấn/ha mặt nước/vụ, tôm rừng, tôm lúa đạt từ 300 - 700kg/ha/năm.

Huyện triển khai đồng bộ các giải pháp về kỹ thuật, điện, vốn nhằm đẩy mạnh phát triển nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao để nuôi tôm 2 giai đoạn, áp dụng các tiêu chuẩn GAP, nuôi tôm có mái che, nuôi tuần hoàn nước, năng suất đạt 80 - 90 tấn/ha mặt nước/vụ. Tăng cường nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ mới trong khai thác, chế biến. Đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa, cải tiến ngư cụ, trang thiết bị khai thác, kỹ thuật đánh bắt.  Mở rộng khai thác thủy sản theo hướng xa bờ giảm dần khai thác ven bờ nhằm bảo vệ tốt nguồn lợi thủy sản; khai thác xa bờ tổ chức sản xuất theo mô hình đội, nhóm. Phát triển các làng cá, làng nghề truyền thống, nâng cao chất lượng phục vụ của các cơ sở dịch vụ hậu cần về cảng cá, bến cá, chợ cá, khu neo đậu tránh trú bão, cơ sở đóng, sửa tàu cá, cơ sở cơ khí, sản xuất nước đá, cung ứng vật tư, xăng dầu.

Thực hiện các dự án trồng rừng phòng hộ và rừng đặc dụng; hoàn thành tuyến đê biển và xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật để tạo điều kiện bảo vệ khu vực ven biển phát triển bền vững. Xây dựng đường vành đai ven sông từ xã Bình Thới - Long Định, từ xã Thạnh Trị - Long Hòa, nâng cấp khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão tại sông Bình Châu. Ngăn chặn tình trạng sạt lở, ứng phó triều cường dâng; xây dựng các cống trên đê biển. Tạo điều kiện để nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án khu đô thị mới và trung tâm thương mại huyện.

Tiến hành khảo sát cơ bản về nguồn tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi thủy sản, các biến động về môi trường. Hoàn thành xây dựng Trung tâm Thương mại huyện và Khu đô thị mới tại thị trấn Bình Đại. Khai thác hiệu quả cảng cá, khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng các điểm thu mua thủy sản và cung cấp các dịch vụ hậu cần kinh tế biển nhằm xây dựng chuỗi liên kết nâng cao giá trị sản phẩm. Chú trọng phát triển du lịch ven biển, hình thành các khu nghỉ dưỡng, điểm du lịch sinh thái vùng ven biển như: khu du lịch xã Thừa Đức, Thới Thuận; du lịch sinh thái dưới tán rừng xã Thạnh Phước, du lịch sinh thái cồn nổi xã Phú Long. Khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu, công nghiệp tàu thủy, công nghiệp chế biến thức ăn thủy sản, thức ăn gia súc. Nâng cao năng lực quản lý kinh doanh của các hợp tác xã thủy sản, củng cố lại các tổ hợp tác nuôi thủy sản, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chế biến và các đơn vị cung ứng nguồn hàng chế biến liên kết chặt chẽ cùng nhau đầu tư phát triển kinh tế biển.

Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển. Chủ động ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và phòng chống thiên tai. Áp dụng các biện pháp quản lý và tổ chức khai thác thủy sản theo mùa vụ. Nghiêm cấm sử dụng các công cụ khai thác hủy hoại môi trường, hủy hoại nguồn lợi thủy sản. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao đang có nguy cơ cạn kiệt. Khôi phục môi trường sống của các loài thủy sản, các bãi sinh sản… 

Huyện giữ vững số lượng tàu khai thác thủy sản 1.200 chiếc, trong đó có 700 tàu khai thác xa bờ, sản lượng khai thác tăng bình quân 12%/năm. Phấn đấu kéo giảm tỷ trọng nghề lưới kéo xuống dưới 50%. Tổng sản lượng khai thác đạt 100 ngàn tấn; 100% tàu xa bờ hoạt động theo tổ đội; 100% tàu khai thác xa bờ được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và được quản lý chặt chẽ; hỗ trợ 3 nghiệp đoàn nghề cá duy trì hoạt động hiệu quả.

Bài, ảnh: C. Lý

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN