Cống An Thuận 1 thuộc Dự án hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre. Ảnh: Minh Truyền
Ngay từ khi khởi công các công trình, Ban Giám đốc QLDA tỉnh đã có bước chuẩn bị chu đáo, tiến độ thi công đúng theo kế hoạch, đảm bảo về kỹ thuật, chất lượng công trình. Đến nay, nhiều công trình đã hoàn thành hoặc đã thi công hơn 90% khối lượng công việc, trong đó có một số công trình được đưa vào sử dụng trước thời hạn và phát huy tốt hiệu quả sử dụng.
Dự án hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre là một trong những công trình có tiến độ thi công hoàn thành sớm so với kế hoạch. Theo kế hoạch (giai đoạn I), dự án xây dựng 3 tuyến đê với chiều dài 35,55km và 87 cống. Đến nay, công trình đã hoàn thành hơn 90% khối lượng công việc. Trong đó, đã hoàn thành 27/36 cống hở (cửa cống rộng từ 5 - 10m), cơ bản hoàn thành 30 cống hộp và 21 cống tròn. Đối với các tuyến đê, đã hoàn thành xong tuyến đê ven sông Tiền dài 26km; đang thi công tuyến đê ven sông Hàm Luông (đoạn từ xã Sơn Hòa đến lộ Ông Bồi) thuộc TP. Bến Tre với chiều dài 5,1km và đê bao ven sông Hàm Luông (từ cống Cái Mít đến cống Cầu Kinh 4,45km) thuộc huyện Giồng Trôm, dự kiến sẽ hoàn thành vào giữa năm 2021.
Phối hợp cùng với tuyến đê biển Ba Tri, Bình Đại, khi hoàn thành công trình này sẽ tạo thành hệ thống đê khép kín, ngăn mặn, trữ ngọt cho 139 ngàn ha diện tích đất tự nhiên vùng Bắc Bến Tre; dẫn nước ngọt, rửa phèn phục vụ cho 100 ngàn ha đất sản xuất nông nghiệp và phục vụ việc kiểm soát mặn hơn 20,1 ngàn ha diện tích nuôi trồng thủy sản thuộc 2 huyện Bình Đại và Ba Tri. Ngoài ra, Dự án hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre còn phục vụ cho việc kết hợp phát triển giao thông bộ và đảm bảo yêu cầu giao thông thủy.
Cống Tàng Dù thuộc Dự án hệ thống thủy lợi Nam Bến Tre. Ảnh: M.Truyền
Dự án hệ thống thủy lợi Nam Bến Tre được chính thức khởi công từ năm 2017. Dự án này đáp ứng yêu cầu phòng chống thiên tai, cấp nước ngọt, kiểm soát mặn xâm nhập từ sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên; bảo vệ an toàn sản xuất, phục vụ dân sinh; cải tạo đất, cải thiện môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, ổn định đời sống dân cư trong khu vực 35,8 ngàn ha với hơn 276 ngàn người thụ hưởng.
Dự án xây dựng 11 cống hở (chiều rộng cửa cống từ 3 - 20m), 3 cầu giao thông, 1 nhà quản lý và 2 cống tròn đường kính 1m, đa số đều thuộc địa bàn của huyện Thạnh Phú. Hiện tại, dự án đã thi công các cống Tàng Dù, Cái Cá, Cả Ráng Dòng, Nhà Thờ, Giồng Luông, Xẻo Ngang, Cả Ráng Giữa, Bến Luông, Năm Lai, Tân Lập (cầu Đất), Tân Ngãi và các cầu Cái Cá, Nhà Thờ, Bến Luông; đã thi công các cống tròn và nhà quản lý cống Tàng Dù. Các công trình này sẽ hoàn thành trong năm 2021.
Quá trình thực hiện, chủ đầu tư và các đơn vị thi công đã được sự hỗ trợ tích cực của các sở, ngành liên quan cùng chính quyền địa phương. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, trong mùa mặn năm 2021, một số cống như Tàng Dù, Cái Cá, Cả Ráng Dòng, Nhà Thờ và Giồng Luông (5 cống) đã phát huy hiệu quả sử dụng, vận hành cửa cống để ngăn mặn.
Thực hiện tinh thần Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020 - 2025 về các nhiệm vụ đột phá, hoàn thành 11 công trình, dự án trọng điểm, trong đó có “Hoàn thành cơ bản hệ thống thủy lợi, cấp nước chính trên địa bàn tỉnh”, Ban QLDA tỉnh đã chủ động rà soát, khảo sát và đề xuất xin Trung ương đầu tư thực hiện giai đoạn sau. Theo đó, để khép kín hệ thống đê bao ngăn mặn của tỉnh, cần đầu tư xây dựng 51km đê ở các huyện Châu Thành, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Giồng Trôm và xây dựng 140 cống lớn, nhỏ có cửa cống từ 1 - 60m. Tổng kinh phí hơn 2,8 ngàn tỷ đồng.
Dự án Hệ thống thủy lợi Bắc và Dự án hệ thống thủy lợi Nam Bến Tre khi chính thức hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ mang lại nhiều hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu phòng chống thiên tai; kiểm soát mặn để bảo vệ an toàn sản xuất, phục vụ dân sinh; cải tạo đất, cải thiện môi trường; tạo tiền đề thuận lợi để tái cơ cấu ngành nông nghiệp phát triển bền vững theo định hướng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội. |
Huỳnh Đức