Tập trung giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp

16/12/2022 - 05:36

BDK - Khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) tác động đến nguồn lợi và hệ sinh thái biển, ảnh hưởng lương thực và lợi ích kinh tế, quốc gia. Ngành chức năng các cấp từ Trung ương đến địa phương đã và đang nỗ lực triển khai giải pháp để chống khai thác IUU, sớm gỡ “thẻ vàng” của EC đối với thủy sản Việt Nam.

Hoạt động cập cảng lên hàng thủy sản tại cảng cá Ba Tri.

Tác động của “thẻ vàng”

Năm 2017, EC có thông báo áp dụng biện pháp cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm hải sản khai thác xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU. Sau 5 năm EC cảnh báo “thẻ vàng” thủy sản đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động xuất khẩu thủy sản khai thác của Việt Nam sang thị trường châu Âu. Cụ thể, sản lượng xuất khẩu giảm liên tục qua các năm, năm thứ nhất giảm 6%, đến năm thứ 4 giảm 14%. Năm 2022, ước tính xuất khẩu thủy sản sang thị trường châu Âu đạt trên 1,4 tỷ USD, trong đó sản phẩm thủy sản khai thác khoảng 420 triệu USD, thủy sản nuôi trồng khoảng 980 triệu USD.

Phó vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản, Tổng cục Thủy sản Vũ Duyên Hải cho biết: Nếu không sớm gỡ cảnh báo “thẻ vàng” mà bị cảnh báo “thẻ đỏ” dẫn đến sản phẩm thủy sản khai thác sẽ bị cấm xuất khẩu hoàn toàn sang thị trường châu Âu. Đồng thời tác động gián tiếp đến sản phẩm thủy sản nuôi trồng, không tận dụng được các ưu đãi thuế quan từ Hiệp định Thương mại tự do. Ngoài ra, thị trường châu Âu là thị trường tín chỉ nên các thị trường khác có thể sẽ áp dụng biện pháp tương tự. “Thẻ vàng” thủy sản không chỉ ảnh hưởng đến ngành thủy sản mà còn tác động đến chính trị, ngoại giao của quốc gia mà còn làm ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, đặc biệt là quan hệ ngoại giao của Việt Nam.

Để gỡ được “thẻ vàng”, thời gian qua, Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện để ngăn chặn, chấm dứt tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác hải sản vùng biển nước ngoài. “Để đáp ứng các khuyến nghị của EC, thời gian tới, cả nước cần đẩy nhanh tiến trình thực hiện quản lý tàu cá, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu cá. Tuần tra, kiểm tra vùng biển giáp ranh, theo dõi, giám sát chặt chẽ tàu cá nguy cơ khai thác IUU; xử lý nghiêm vi phạm khai thác IUU, truy xuất nguồn gốc thủy sản đồng bộ, liên thông, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu nhập khẩu”, Phó vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản, Tổng cục Thủy sản Vũ Duyên Hải nhấn mạnh.

Các giải pháp gỡ thẻ

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Huỳnh Văn Cung cho biết: Bến Tre có nghề cá phát triển lâu đời, đội tàu hùng hậu, ngành thủy sản đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế nên lãnh đạo tỉnh rất quan tâm, chỉ đạo sâu sát các ngành, địa phương tập trung thực hiện các giải pháp nhằm tìm cách tháo gỡ “thẻ vàng” EC. Những khuyến nghị của EC đã được tỉnh triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời ban hành, sửa đổi các quy định pháp lý, công tác quản lý đội tàu, hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản… làm cơ sở để sắp xếp, tái cấu trúc lại nghề khai thác thủy sản.

HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 27/2021/NQ-HĐND quy định mức hỗ trợ cước thuê bao dịch vụ giám sát tàu cá cho ngư dân lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá trên địa bàn tỉnh. Đối tượng áp dụng cho tổ chức cá nhân tàu cá đăng ký trong tỉnh có chiều dài từ 15m trở lên. Nội dung hỗ trợ chủ tàu cá cước thuê bao dịch vụ giám sát tàu cá trong thời hạn 2 năm với mức hỗ trợ là 200 ngàn đồng/tháng/1 tàu trực tiếp cho chủ tàu 1 năm/lần.

Các sở, ngành, địa phương vào cuộc quyết liệt trong công tác lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; quản lý, theo dõi tàu cá thông qua hệ thống giám sát hành trình, qua đó kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm của tàu cá hoạt động trên biển. Bên cạnh những kết quả đạt được, trong công tác chống IUU tại tỉnh còn nhiều hạn chế. Tình trạng ngư dân, tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn xảy ra. Mặc dù, tàu cá của tỉnh đã lắp thiết bị giám sát hành trình, nhưng tình trạng mất kết nối vẫn thường xuyên xảy ra với số lượng lớn…

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế chuẩn bị tốt việc đón tiếp đoàn thanh tra EC quay lại Việt Nam lần thứ 4 dự kiến vào tháng 4-2023, Phó vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản, Tổng cục Thủy sản Vũ Duyên Hải đề xuất, Bến Tre cần khoanh vùng, phân loại đối tượng nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài, tăng cường công tác đăng ký, cấp phép tàu cá; kiểm tra chặt chẽ tàu cá xuất bến, xử lý nghiêm tàu cá vi phạm quy định giám sát hành trình tàu cá, tàu vi phạm vùng biển nước ngoài. Tăng cường năng lực cho lực lượng giám sát, xử lý vi phạm giám sát hành trình; tăng cường đội ngũ thanh tra, xử lý vi phạm tại các cảng cá; giám sát sản lượng qua cảng, giám sát chặt chẽ sản lượng tàu chuyển tải. Phối hợp với tỉnh Cà Mau kiểm soát chặt chẽ tàu cá của tỉnh lưu trú dài ngày ở Cà Mau; phối hợp và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm do Trung ương thông báo.

Ngày 14-12-2022, tại xã An Thủy (Ba Tri), Tổng cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lớp tập huấn chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) năm 2022. Có gần 150 ngư dân và cán bộ phụ trách trên địa bàn huyện Ba Tri tham dự.

Phó vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản, Tổng cục Thủy sản Vũ Duyên Hải cập nhật các khái niệm và tồn tại, tác động của khai thác IUU. Thông tin các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp thực hiện từ Trung ương đến địa phương trong thời gian tới để gỡ thành công “thẻ vàng” của EC đối với thủy sản Việt Nam.

Bài, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN