Tập trung các giải pháp thu hút đầu tư

07/08/2020 - 07:02

BDK - Từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thu hút đầu tư mới cũng như hoạt động của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Số lượng các nhà đầu tư (NĐT) trong và ngoài nước đến tìm hiểu môi trường và đăng ký đầu tư giảm mạnh. Vấn đề đặt ra hiện nay là đẩy mạnh thu hút đầu tư, kịp đón làn sóng chuyển dịch đầu tư của các NĐT từ nước ngoài vào Việt Nam nói chung và Bến Tre nói riêng, nhằm tạo năng lực mới trong sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.

Dự án Nhà máy điện gió số 5 (Thạnh Hải - Thạnh Phú) đang thi công, dự kiến vận hành vào đầu năm 2021.

Đạt 1/5 so với chỉ tiêu

Theo chỉ tiêu phát triển DN mới năm 2020 là 700 DN. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh chỉ thu hút 23 NĐT nước ngoài và trong nước, chỉ đạt 1/5 so với chỉ tiêu đặt ra trong năm.

Xác định DN là động lực phát triển kinh tế, trong những năm qua, cả hệ thống chính trị của tỉnh không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được xem là thước đo đánh giá môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực cải cách hành chính để tăng cường thu hút đầu tư. Với quyết tâm của bộ máy chính quyền, cùng sự đồng hành, chia sẻ của cộng đồng DN trong tỉnh, những năm gần đây, đánh giá và công bố Chỉ số PCI, tỉnh luôn nằm trong nhóm các địa phương quản lý điều hành khá - tốt. Điều này đồng nghĩa với việc môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh không ngừng được cải thiện.

Bên cạnh việc triển khai nhất quán các chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh đã xây dựng và ban hành nhiều chính sách khuyến khích đầu tư như: Chính sách khuyến khích DN khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh; chính sách khuyến khích đầu tư vào hạ tầng các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN); chính sách khuyến khích xây dựng chợ; chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực xã hội hóa… Qua đó, góp phần thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư vào tỉnh trong những năm qua.

Khó khăn, hạn chế lớn nhất hiện nay trong thu hút đầu tư mới là thiếu quỹ đất sạch. Tỉnh cũng rất khó thu hút đầu tư các dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng các KCN, CCN, vì chi phí giải phóng mặt bằng khá cao, giá cho thuê đất các dự án thứ cấp thấp. Cơ sở hạ tầng của tỉnh vẫn còn hạn chế, công tác xúc tiến đầu tư chưa gắn được với liên kết vùng, chưa có nhiều hoạt động hỗ trợ xúc tiến đầu tư của các bộ, ngành Trung ương.

Đối với việc thu hút các nguồn lực đầu tư trong bối cảnh hiện nay, vấn đề đặt ra là định hướng công tác xúc tiến đầu tư, ưu tiên mời gọi đầu tư theo quy hoạch ngành, lĩnh vực đã được phê duyệt; khuyến khích đầu tư các trung tâm thương mại; đầu tư hạ tầng kết hợp chỉnh trang đô thị theo hướng xã hội hóa, hợp tác công tư; các dự án đầu tư và kinh doanh hạ tầng các KCN, CCN; nông nghiệp công nghệ cao; du lịch nghỉ dưỡng.

Tạo quỹ đất sạch

Tỉnh tập trung kêu gọi các dự án thâm dụng công nghệ, thâm dụng vốn và các dự án có công nghệ thân thiện, sử dụng ít đất và các dự án tạo giá trị gia tăng cao. Đặc biệt, tỉnh chú trọng các ngành công nghệ mới như: ICT, kỹ thuật số, công nghiệp sinh học, vật liệu mới. Trong tổ chức các sự kiện xúc tiến đầu tư, cần ưu tiên các thị trường tiềm năng: Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu... Đẩy mạnh các hoạt động liên kết, hợp tác để thu hút đầu tư.

Phát triển hạ tầng giao thông trong vùng dự án điện gió tại Thạnh Phú.

Song song đó là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về đầu tư kinh doanh, nhất là giải quyết thủ tục đăng ký DN trực tuyến, qua bưu điện. Giải quyết nhanh các thủ tục hành chính trọn gói có liên quan cho NĐT, DN từ khâu tìm hiểu, nghiên cứu dự án, thành lập DN đến sau giấy phép thông qua Tổ dịch vụ công do Trung tâm Xúc tiến đầu tư và khởi nghiệp tỉnh.

 Tỉnh cần tiếp tục xây dựng và ban hành các chính sách hỗ trợ DN, NĐT, với quyết tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ DN, NĐT. “Thành lập tổ theo dõi hỗ trợ cho các NĐT, DN nhằm nắm bắt kịp thời khó khăn để tháo gỡ. Tập trung nguồn lực kể cả tiền và nhân lực để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng KCN Phú Thuận, CCN Long Phước để tạo mặt bằng sạch thu hút đầu tư, đón làn sóng dịch chuyển đầu tư từ nước ngoài của các NĐT vào Việt Nam theo định hướng của Thủ tướng Chính phủ…”, ông Nguyễn Minh Cảnh - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết. 

Để thu hút được các NĐT này, giải pháp cốt lõi, trước tiên là tạo quỹ đất sạch. Theo Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Minh Cảnh, cần ưu tiên đẩy nhanh tiến độ đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng KCN Phú Thuận, CCN Long Phước, Phong Nẫm, An Đức - Thị trấn Ba Tri. Đôn đốc NĐT sớm triển khai CCN Phú Hưng, An Hòa Tây. Đồng thời, tỉnh cân đối ngân sách để đầu tư thêm từ 1 - 2 CCN ở các khu vực có hiệu quả sử dụng đất kém như Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú... nhằm tạo quỹ đất sạch cho thu hút đầu tư. Nghiên cứu phát triển các CCN gắn với phát triển khu dân cư, đô thị, thương mại, dịch vụ… phục vụ cho các CCN để hấp dẫn các NĐT hạ tầng.

Sở KH&ĐT kiến nghị nghiên cứu, đề xuất cơ chế đầu tư dự án lấn biển bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc xã hội hóa để tạo quỹ đất phục vụ thu hút đầu tư phát triển kinh tế biển như: du lịch, khu đô thị biển, nhà máy điện khí… Theo đó, tỉnh sẽ chọn Thạnh Phú làm điểm. Định hướng và giải pháp thu hút đầu tư về hướng biển là phù hợp với quy hoạch phát triển tỉnh ra hướng Đông. “Hướng mở” này đã được Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng thống nhất cao trong chuyến về làm việc tại tỉnh vào đầu tháng 8-2020.

“Để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, hỗ trợ DN trong sản xuất, kinh doanh, tập trung vào các hoạt động như: bồi dưỡng, hỗ trợ hoàn thiện các ý tưởng khởi nghiệp đến lúc hình thành DN và thương mại hóa sản phẩm; kết nối vốn cho sản xuất, kinh doanh; tăng cường các hoạt động giao thương, kết nối và mở rộng thị trường tiêu thụ; đào tạo nâng cao năng lực cho DN”.

(Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Minh Cảnh)

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN