Trong những nguồn lực để địa phương tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, yếu tố con người mà cụ thể là số lượng, chất lượng nguồn nhân lực đóng vai trò quyết định.
Nâng chất lực lượng lao động là một đòi hỏi bức thiết hiện nay, có cơ sở khoa học và cơ sở thực tiễn xuất phát từ quá trình đổi mới theo hướng xây dựng nền sản xuất hàng hóa theo cơ chế thị trường định hướng XHCN. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã nhấn mạnh nhiệm vụ: “Xây dựng và thực hiện các chương trình, đề án đào tạo nhân lực cho các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, đồng thời chú trọng đào tạo nghề cho nông dân…; nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo”.
Những năm gần đây, mỗi năm Bến Tre có từ 10.000 - 12.000 lao động địa phương và vài trăm sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng tham gia vào thị trường lao động chủ yếu ở ngoài tỉnh, tập trung nhiều nhất tại TP- Hồ Chí Minh và khu công nghiệp các tỉnh miền Đông. Bộ phận lao động với nghề nông truyền thống ở nông thôn đang giảm dần. Đã xảy ra tình trạng, vào vụ thu hoạch nông sản nhưng thiếu lực lượng lao động tại chỗ tham gia! Qui hoạch phát triển nhân lực, nhất là đào tạo lao động chất lượng cao, lao động lành nghề đang là vấn đề mà từng địa phương và cả nước quan tâm.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1216/2011 phê duyệt Quy hoạch nguồn nhân lực quốc gia giai đoạn 2011- 2020. Đây là chương trình quy hoạch chiến lược phát triển nhân lực toàn diện nhất từ trước tới nay, xác định nhu cầu nhân lực quốc gia về mặt số lượng, chất lượng và cơ cấu ngành nghề cho từng ngành kinh tế. Mục tiêu là tăng nhanh tỷ lệ nhân lực qua đào tạo trong nền kinh tế dưới các hình thức, trình độ khác nhau từ mức 40% năm 2010 lên mức 70% năm 2020. Mục tiêu của tỉnh Bến Tre (theo Qui hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011 - 2020 của địa phương) là phấn đấu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 40% năm 2010 lên 50% năm 2015 và 60% vào năm 2020. Trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề từ 15% năm 2010 nâng lên 25% năm 2015 và 35% vào năm 2020.
Tính chất của nền sản xuất hàng hóa, sự đa dạng các thành phần kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hiện nay tạo nên thị trường lao động rộng lớn, phong phú và năng động. Người lao động có nhiều cơ hội tìm, lựa chọn việc làm hơn so với những nghề nông, tiểu thủ công nghiệp ở địa phương trước đây. Song, với nền sản xuất công nghiệp, sự đòi hỏi hàm lượng trí tuệ cao trong một đơn vị sản phẩm, đặt ra những yêu cầu, thách thức về trình độ, tay nghề, kỹ năng của người lao động.
Phải nhìn nhận vào thực tế nguồn nhân lực của địa phương thời gian qua có những lợi thế về số lượng và kế thừa trọn vẹn những phẩm chất quí báu của người lao động truyền thống như cần cù, siêng năng, tương thân tương ái… Song, so với yêu cầu công nghiệp hóa- hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế thì chưa đủ, thậm chí hẫng hụt nhiều về năng lực lao động thực tế. Thống kê năm 2010 cho thấy toàn tỉnh có gần 748 nghìn người trong độ tuổi lao động tham gia làm việc trong nền kinh tế địa phương thì có đến 60% chưa qua đào tạo. Phân tích thêm, trong số trên 299 nghìn lao động đã qua đào tạo thì hơn 77% lao động có nghề thông qua các lớp đào tạo ngắn hạn. Tính chưa chuyên nghiệp, chưa hiệu quả trong đào tạo nguồn nhân lực địa phương tất yếu dẫn đến chất lượng lao động thấp, khó có thể tham gia tích cực vào quá trình sản xuất có áp dụng công nghệ cao, hạn chế cạnh tranh trong thị trường lao động. Một bộ phận người lao động được đào tạo nhưng không tìm được việc làm phù hợp, bởi các khu công nghiệp tại địa phương chỉ giới hạn một số nghề phổ thông, chế độ tiền lương còn nhiều bất cập, chưa hấp dẫn người lao động…
Ngay cả nguồn nhân lực chất lượng cao là đội ngũ cán bộ giảng dạy có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ tập trung nhiều tại Trường Cao đẳng Bến Tre cũng chưa phát huy hiệu quả trong vai trò nhà nghiên cứu, tham gia cùng các ngành giải quyết các vấn đề khoa học, công nghệ trọng điểm của tỉnh. Nguyên nhân do cơ chế hay còn thiếu những nhà quản lý giỏi và nhà khoa học thực tài? Thực trạng nguồn nhân lực địa phương thời gian qua như trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Tỷ lệ người lao động đã qua đào tạo còn thấp, thừa lao động phổ thông, thiếu lao động có tay nghề cao. Các trường tham gia đào tạo nghề còn thiếu đồng bộ, đội ngũ cán bộ có trình độ cao không phát huy hiệu quả, chính sách trọng dụng nhân tài chưa rõ ràng. Phương châm thu hút nhân tài bằng chính sách, giữ chân người tài bằng tình cảm cần được thực thi bằng chương trình, văn bản cụ thể và được công bố như một lời cam kết.
Giải pháp quan trọng và tiên quyết để nâng chất nguồn nhân lực địa phương đã được xác định rõ trong bản Qui hoạch phát triển nhân lực địa phương giai đoạn 2011- 2020. Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác kiện toàn hệ thống trường đào tạo nghề cấp tỉnh, cấp huyện, yêu cầu trình độ đội ngũ cán bộ, giáo viên, cơ sở vật chất đào tạo cần được nâng lên nhanh chóng; tạo môi trường làm việc thuận lợi cho các chuyên gia đầu ngành thực sự giỏi, có chính sách thu hút nhân tài và trọng dụng người tài trước hết được thể hiện đối với người có đức, có tài hiện có ngay tại địa phương. Trong tương lai không xa, học sinh, sinh viên Bến Tre sẽ có cơ hội được đào tạo trình độ đại học, sau đại học ngay tại địa phương khi Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Hàng Hải đi vào hoạt động, Trường Cao đẳng Bến Tre hoàn thành việc nâng cấp thành trường Đại học. Địa phương có thêm nhiều phân hiệu các trường Đại học có uy tín tham gia vào hệ thống các cơ sở đào tạo nhân lực trình độ cao. Đồng thời, đẩy mạnh tiến độ thực hiện Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn, Đề án nâng cao chất lượng đội ngũ công chức xã, Đề án phát triển công tác dạy nghề giai đoạn 2011- 2015…
Một khía cạnh được quan tâm trong Qui hoạch phát triển nhân lực địa phương giai đoạn 2011- 2020 là quan điểm toàn diện gắn chặt việc phát triển nhân lực với nâng cao chất lượng dân số, sức khỏe, thể lực nguồn nhân lực. Gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm, đổi mới cách quản lý, sử dụng lao động, giải quyết bài toán mối quan hệ chia sẻ kinh nghiệm, quyền lợi và trách nhiệm giữa các tỉnh trong khu vực về đào tạo nguồn nhân lực và tạo môi trường thuận lợi cho thị trường lao động phát triển.
Bản Quy hoạch phát triển nhân lực của tỉnh trong 10 năm, 20 năm tới là nền tảng rất quan trọng để triển khai đồng bộ đến hoạch định, dự báo, xây dựng và triển khai các chương trình, dự án đào tạo nguồn nhân lực cho từng ngành, từng địa phương. Trong đó có kế hoạch đào tạo cán bộ cấp xã, phường và lực lượng lao động nông thôn khi bước vào thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Phát triển nguồn nhân lực thành công là khâu đột phá, làm cho nhân lực gắn với khoa học công nghệ tạo nên giải pháp then chốt thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế- xã hội giai đoạn mới, tiếp tục xây dựng quê hương giàu, mạnh; góp phần chuyển đổi từ mô hình nặng về phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu.