BDK - Để thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, từ đầu nhiệm kỳ (2020 - 2025) đến nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp chủ động, quyết liệt vào cuộc phấn đấu thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra; qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Đặc biệt, hướng đến sự phát triển bền vững, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế - xã hội theo hướng chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh (TTX).
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười cùng đoàn công tác khảo sát các điểm du lịch trên địa bàn huyện Bình Đại. Ảnh: Minh Châu
Mang lại lợi ích kinh tế
Hiện nay, TTX là xu hướng tiếp cận mới trong phát triển kinh tế của các quốc gia trên thế giới. TTX không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà còn hướng tới phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái thiên nhiên. Thời gian qua, tỉnh tập trung tuyên truyền các hoạt động triển khai thực hiện Kế hoạch hành động TTX giai đoạn 2021 - 2030 về vai trò, ý nghĩa của TTX; thay đổi hành vi tăng cường tái chế, tái sử dụng; phổ biến những quy định, chính sách thúc đẩy TTX và trách nhiệm của xã hội. Khuyến khích những hành động thiết thực về lối sống, tiêu dùng xanh hài hòa với thiên nhiên.
Một số mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu chính đã đạt được kết quả khả quan. Hoàn thành rà soát danh sách các cơ sở phát thải phải kiểm kê khí nhà kính tỉnh; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đạt 95%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý 79%; tỷ lệ phân loại rác thải tại nguồn đạt 50%; tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý an toàn đạt 100%...
Năm 2024, tỉnh đã tăng cường hỗ trợ đổi mới, chuyển giao, ứng dụng công nghệ trên địa bàn tỉnh nhằm đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trở thành động lực mạnh mẽ để phát triển kinh tế, kinh tế tuần hoàn, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sâu vào các chuỗi giá trị trong khu vực. Hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục duy trì ở mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ, thị trường tiêu thụ dần phục hồi và mở rộng; giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt 42.300 tỷ đồng, tăng 7,93% so với cùng kỳ.
Tỉnh từng bước chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún sang chủ động hơn trong việc tham gia các liên kết ngang - dọc trong chuỗi; mạnh dạn áp dụng các biện pháp khoa học công nghệ, sản xuất sạch theo tiêu chuẩn hữu cơ, GAP, xây dựng vùng nguyên liệu. Đến nay, có 89 tổ hợp tác, 82 hợp tác xã, 4 tổ liên kết tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Toàn tỉnh có 26.905,7ha sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, GAP và tương đương; 196 vùng trồng được cấp 298 mã số vùng trồng xuất khẩu; 16 doanh nghiệp được cấp mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu sang các thị trường như: Hoa Kỳ, New Zealand, châu Âu, Trung Quốc, Thái Lan...
Nhằm tạo sự đồng bộ giữa hệ thống công trình thủy lợi với hệ thống kết cấu hạ tầng các ngành, lĩnh vực khác, đảm bảo an ninh nguồn nước, năng lực phòng chống giảm nhẹ thiên tai và ứng phó với đổi khí hậu, tỉnh đã lồng ghép chương trình về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050…
Xu hướng phát triển bền vững
Theo Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn, để thực hiện hiệu quả TTX, hướng đến phát triển bền vững, năm 2025 và những năm tiếp theo, tỉnh sẽ tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
Tỉnh tập trung phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.
Trên lĩnh vực kinh tế, tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29-1-2021 của Tỉnh ủy về xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Phát triển vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành các mô hình nông nghiệp thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu. Áp dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến vào sản xuất, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất an toàn được chứng nhận GAP, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch và có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc.
Chủ động triển khai các biện pháp phòng chống giảm nhẹ thiên tai nhằm bảo vệ thành quả sản xuất. Triển khai có hiệu quả Đề án phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Thực hiện tốt công tác quản lý, khai thác và phát triển rừng, nhất là rừng phòng hộ trên bãi bồi để phòng chống giảm nhẹ thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu; kết hợp phát triển rừng với nuôi thủy sản, phát triển, du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái gắn với nhiệm vụ quốc phòng - an ninh khu vực ven biển. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án 10 triệu cây xanh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Đầu tư phát triển, đẩy nhanh tiến độ các dự án/công trình thủy lợi, đê - cống đầu mối, cấp bách. Tập trung thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU ngày 29-1-2021 của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp chủ lực, lực lượng doanh nghiệp của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn 2030.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp (DN), kế hoạch phát triển 5.000 DN và xây dựng 100 DN dẫn đầu; triển khai các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển DN. Phấn đấu năm 2025 vận động thành lập mới khoảng 550 DN; xét chọn mới 11 DN dẫn đầu, 10 DN nguồn dẫn đầu…
“Thời gian qua, công tác triển khai thực hiện các mục tiêu TTX của quốc gia được tỉnh thực hiện tốt. Nội dung TTX được nghiên cứu tích hợp vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong từng lĩnh vực cụ thể, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược TTX quốc gia nói chung, tỉnh nói riêng. Nhận thức của nhân dân, cộng đồng về vai trò, ý nghĩa của TTX đã được nâng lên rõ rệt, từng bước thay đổi hành vi sản xuất, sinh hoạt và có nhiều hành động thiết thực đóng góp vào thực hiện TTX; xuất hiện nhiều mô hình sản xuất và tiêu dùng tiết kiệm, an toàn, văn minh, mang đậm bản sắc dân tộc, hài hòa và thân thiện với thiên nhiên...”.
(Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn)