Theo Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh (gọi tắt là TT), từ đầu năm 2012 đến nay, số người đăng ký thất nghiệp tăng đột biến. TT đã tiếp nhận 972 hồ sơ; trong đó, trong tỉnh là 530 hồ sơ, ngoài tỉnh là 442 hồ sơ; có quyết định hưởng chế độ 491 hồ sơ.
Được biết, năm 2011, số người được hưởng trợ cấp thất nghiệp là 2.729 người (tăng 69,25% so với năm 2010), với số tiền hơn 4,3 tỷ đồng. Lý do thất nghiệp chủ yếu là do chủ sử dụng lao động hoặc người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
Lý giải vấn đề gia tăng lượng người đăng ký thất nghiệp, ông Mai Hoàng Nhân - Phó Giám đốc TT cho biết, sau hơn hai năm triển khai thực hiện Luật Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), số người tham gia ngày càng tăng (46.867 người năm 2011). Trong đó, có những lao động trên 36 tháng, nên họ xin nghỉ việc để hưởng khoản tiền trợ cấp 6 tháng, với mức trợ cấp bình quân 1,2 triệu đồng/tháng. Một lý do khác là người lao động phổ thông thường muốn thay đổi công việc để tìm việc làm mới, dẫn đến biến động thị trường lao động. Từ thực trạng trên, ông Nhân dự báo là số lượng người lao động đến đăng ký thất nghiệp sẽ tăng trong thời gian tới.
Để giải quyết tốt vấn đề này, TT đã tổ chức phục vụ thỏa đáng nhu cầu của người lao động. Hàng tháng, vào ngày 15 hoặc 30, người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bắt buộc phải đến TT để thông báo về việc tìm kiếm việc làm. Đây là hình thức quản lý Nhà nước về lao động; đồng thời TT tham gia hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động. Nhằm chia sẻ những khó khăn về việc đi lại của đối tượng, TT đã bố trí thêm bốn điểm tiếp nhận BHTN tại Trung tâm dạy nghề các huyện: Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú và Chợ Lách. Các đối tượng có thể đến những nơi này để thông báo tìm việc làm. Tuy nhiên, thực tế có một bộ phận người lao động sau khi nghỉ việc, không có nhu cầu tìm việc làm mới. Do vậy, quy định bắt buộc họ phải đến khai báo tình trạng tìm việc là không hợp lý. TT đã có văn bản kiến nghị đến Cục Việc làm xem xét cho phép người lao động thất nghiệp được ủy quyền cho người khác đến thông báo tìm việc làm trong các trường hợp thai sản, ốm đau, tai nạn (có giấy xác nhận của cơ quan chức năng); trong trường hợp người lao động không có nhu cầu tìm việc, Cục cần xem xét và có chính sách riêng. Một vấn đề khác là người lao động thất nghiệp chưa “mặn mà” với chính sách hỗ trợ học nghề của BHTN. Năm 2011, chỉ có 7 trường hợp tham gia học nghề, với số tiền hỗ trợ là 8,7 triệu đồng. Bởi, tâm lý của người lao động là nhanh chóng tìm được việc làm mới, không cần mất thời gian học thêm một nghề khác.
Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng phục vụ người lao động hưởng BHTN, TT sẽ triển khai thêm hai chi nhánh tiếp nhận hồ sơ BHTN tại các huyện: Châu Thành và Giồng Trôm; tăng cường tuyên truyền chính sách BHTN cho chủ sử dụng lao động và người lao động; tập huấn nghiệp vụ BHTN cho cán bộ ngành lao động - thương binh và xã hội.