Lực lượng chức năng thu gom quả bom ở huyện Thạnh Phú.
Tăng cường công tác thu gom
Theo các chuyên gia về vật liệu nổ (VLN), hầu hết số bom, đạn còn sót lại sau chiến tranh đều đã được kích hoạt các cơ chế gây nổ. Mặc dù đã trải qua một thời gian dài vùi sâu dưới lòng đất nhưng chúng vẫn cực kỳ nguy hiểm và có thể phát nổ bất cứ lúc nào. Do đó, mọi người cần đặc biệt cảnh giác, không được tự tiện di dời hoặc tìm cách cưa, phá bom, mìn để bán phế liệu.
Với mong muốn không để xảy ra các vụ tai nạn do tác động của bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh gây ra, thời gian qua, cơ quan chức năng đã thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mối nguy hiểm của bom, mìn; cách xử lý khi phát hiện bom, mìn, VLN cũng như hậu quả khi xử lý bom, mìn không đúng cách… qua đó giúp mọi người hiểu rõ về mối hiểm họa từ bom, mìn để có cách xử lý thích hợp.
Vào giữa tháng 3-2020, người dân ấp Thạnh Khương B, xã Mỹ Hưng, huyện Thạnh Phú lo sợ khi phát hiện một quả bom, nặng khoảng 100kg nằm dưới ao nước. Sau khi nhận được tin báo, Công an tỉnh phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã tiến hành thu quả bom một cách an toàn.
Cách đây chưa lâu, người dân ở cồn Cát, thuộc xã Quới Sơn, huyện Châu Thành đã phát hiện và báo cho lực lượng chức năng đến thu hồi 1 quả bom nặng 150kg đang nằm ở bờ sông. Bà Huỳnh Thị Phượng, người dân ở địa phương chia sẻ: “Từ khi phát hiện quả bom, bà con rất lo lắng vì không biết nó phát nổ lúc nào, được lực lượng chức năng đến thu hồi, tôi cũng như mọi người ở đây đã yên tâm…”.
Bên cạnh công tác thu hồi số bom, mìn sau chiến tranh còn sót lại, lực lượng Công an cũng đẩy mạnh thu gom các loại VK, công cụ hỗ trợ (CCHT) đang còn cất giữ trong nhân dân, như: đao, kiếm, súng hơi, các loại súng tự chế, roi điện, súng điện… Đây là những loại bị nghiêm cấm mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng khi chưa được phép của cơ quan chức năng. Theo quy định của pháp luật, chỉ có các cơ quan, tổ chức, cá nhân được cấp phép mới được sử dụng các loại VK, CCHT. Thời gian qua, đã không ít người sử dụng súng hơi, súng tự chế để săn bắn, vô tình gây thương tích cho người khác. Nguy hiểm hơn, một số người sử dụng các loại VK, CCHT làm công cụ để giết người, cướp tài sản, giải quyết mâu thuẫn trong xã hội, chống người thi hành công vụ… ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự (ANTT) tại địa phương. Do vậy, đối với những người có hành vi sản xuất, sửa chữa, mua bán, tàng trữ, sử dụng VK, CCHT… mà không có giấy phép sẽ bị phạt tiền từ 500 ngàn - 40 triệu đồng, nếu vi phạm nghiêm trọng sẽ bị xử lý hình sự.
Xử lý nghiêm trường hợp vi phạm
Anh Trần Thanh Tuấn, ở xã An Đức, huyện Ba Tri, do trước đây chưa nhận thức đầy đủ về pháp luật nên đã đặt mua phụ kiện súng hơi trên mạng về lắp ráp để sử dụng. Khi nghe Công an huyện tuyên truyền, vận động, anh đã tự giác liên hệ Công an xã để giao nộp. Anh Tuấn chia sẻ: “Không chỉ riêng bản thân tôi, mà những ai còn cất giữ các loại VK, CCHT thì hãy giao nộp cho công an, vừa đảm bảo an toàn cho chính mình, vừa giữ gìn tốt ANTT địa phương”.
Theo số liệu thống kê của ngành chức năng, từ đầu năm 2020 đến nay, Công an tỉnh đã phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh thu hồi được 4 quả bom có cân nặng từ 100 - 1.000 cân Anh, 20 quả lựu đạn cay, 53 quả đạn cối các loại, 16 quả đạn M79, 31 đầu đạn pháo, 350 viên đạn đại liên; người dân tự nguyện giao nộp 1 súng săn, 4 VK thô sơ và nhiều loại CCHT khác. Đạt kết quả trên là nhờ triển khai đồng bộ các biện pháp vận động, thu hồi và sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp, ý thức chấp hành pháp luật và các quy định của Nhà nước về quản lý, sử dụng VK, CCHT, VLN của nhân dân đã góp phần hạn chế tai nạn đáng tiếc xảy ra, đảm bảo tốt công tác giữ gìn ANTT trên địa bàn.
Thượng tá Huỳnh Văn Thơm - Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, cho biết: Để công tác quản lý, thu gom VK, VLN, CCHT tiếp tục đạt hiệu quả, đơn vị sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý VK, VLN, CCHT để các cơ quan, tổ chức và nhân dân biết, chấp hành nghiêm túc. Tăng cường công tác vận động, thu hồi VK, VLN, CCHT trái phép ngoài xã hội, ngăn chặn tình trạng chế tạo, sử dụng súng săn, súng tự chế… xử lý nghiêm đối với các hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép VK, VLN, CCHT theo quy định pháp luật.
Công tác thu gom, xử lý bom, mìn sót lại sau chiến tranh và thu gom VK, VLN, CCHT là một quá trình lâu dài, bền bỉ. Vì vậy, bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng chức năng thì rất cần sự chung tay của toàn xã hội. Đặc biệt là mỗi người dân cần phải nâng cao nhận thức, tự giác hợp tác và kịp thời thông báo với lực lượng chức năng khi phát hiện bom, mìn, VK, góp phần ngăn chặn những tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Bài, ảnh: Hải Đăng