Tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển

14/02/2020 - 08:29

BDK - Tỉnh đã và đang triển khai các chương trình, dự án, kế hoạch, nhiệm vụ để tạo cơ sở pháp lý phục vụ công tác quản lý nhà nước về biển. Đồng thời, tập trung thực hiện cơ chế phối hợp giữa các ngành, các cấp trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển trên địa bàn tỉnh.

Bến Tre tập trung bảo vệ hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên của vùng bờ, giảm thiểu sạt lở bờ biển.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Nguyễn Văn Chinh cho biết, với chiều dài bờ biển 65km, tỉnh có 3 huyện biển gồm Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú. Đây là 3 huyện được xác định là một trong các vùng động lực phát triển kinh tế biển của tỉnh, đóng góp vào tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế chung của toàn tỉnh.

Tỉnh đã định hướng xây dựng các chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển kinh tế biển trên địa bàn 3 huyện biển nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển của tỉnh, đầu tư kết cấu hạ tầng, hệ thống y tế, giáo dục góp phần nâng cao đời sống người dân vùng ven biển.

 Theo ông Nguyễn Văn Chinh, để khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên ven biển và các nguồn lợi khác một cách hợp lý, khoa học, tỉnh đã tập trung xây dựng hoàn thành dự án “Phân vùng chức năng đới bờ tỉnh Bến Tre đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”; đồng thời, triển khai các nội dung nhiệm vụ dự án đến các cơ quan, ban ngành tỉnh và các huyện ven biển để tổ chức thực hiện.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang thực hiện dự án “Thiết lập hành lang, bảo vệ bờ biển tỉnh Bến Tre”, mục đích nhằm bảo vệ hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên của vùng bờ, giảm thiểu sạt lở bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo quyền tiếp cận của người dân với biển. Đến nay, dự án đang thực hiện đến giai đoạn xác định chiều rộng và ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển.

Hiện tại, tỉnh đang tập trung đầu tư một số dự án phát triển du lịch trên địa bàn 3 huyện ven biển như: Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển (giai đoạn 1); dự án Xây dựng tôn tạo quần thể Lăng Ông - Miếu Bà tại xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú; điểm du lịch Sài Gòn - Bình Đại tại xã Thới Thuận, huyện Bình Đại…

Riêng về công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, vùng ven biển, ông Nguyễn Văn Chinh cho rằng, tại tỉnh chủ yếu là các hoạt động nuôi trồng thủy sản. Qua đó, có một số nguồn thải phát sinh từ các cảng cá và các cơ sở nuôi trồng thủy sản bên trong đất liền, nhưng lượng nước thải của các cơ sở này đều được thu gom và xử lý đúng quy định trước khi thải ra môi trường biển. Hàng năm, tỉnh còn tổ chức nhiều hoạt động đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo Việt Nam. Qua mỗi đợt phát động, có hàng ngàn lực lượng tham gia tổ chức ra quân làm sạch đường phố, khu dân cư, bờ biển. Từ đó, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong việc bảo vệ tài nguyên, môi trường biển.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Chinh cho biết, Sở TN&MT sẽ phối hợp với các ngành và UBND các huyện ven biển tăng cường công tác quan trắc kiểm soát môi trường ven biển nhằm theo dõi và có biện pháp xử lý kịp thời đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường biển khi có xảy ra.

Song song đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra trong quản lý đánh bắt thủy sản trên vùng biển của tỉnh; các hoạt động khai thác cát vùng cửa sông ven biển, các địa điểm sạt lở bờ biển; việc sử dụng đất tại các huyện ven biển nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng tự chuyển đổi mục đích đất nông nghiệp sang nuôi trồng thủy sản của các hộ dân.

Đồng thời, thường xuyên thông tin tuyên truyền phổ biến về vai trò, mục đích, ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường biển, tầm quan trọng trong phát triển kinh tế biển đối với đời sống của người dân vùng ven biển trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển tỉnh.

Bài, ảnh: Thanh Bạch

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN