Tăng cường phòng chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng

02/03/2024 - 10:28

BDK.VN - Thông tin từ ngành hữu quan, dự báo thời gian tới, tội phạm trên không gian mạng nói chung, tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng nói riêng tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động đến tình hình an ninh, trật tự ở địa phương.

Phương thức, thủ đoạn của tội phạm luôn thay đổi, ngày càng tinh vi. Các đối tượng sử dụng các tài khoản “ảo”, SIM điện thoại, tài khoản ngân hàng không chính chủ, liên lạc qua các ứng dụng OTT có tính năng mã hóa đầu cuối (Telegram, Viber, Wechat,  Facebook,  Messenger,...) để đối  phó với cơ quan chức năng; tạo lập các ứng dụng, website giả mạo, chứa mã độc, sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để giả mạo hình ảnh, giọng nói,... nhằm tương tác với nạn nhân để thu thập thông tin, chiếm đoạt tài sản.

Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả đối với các loại tội phạm, hành vi phạm tội, trong đó có tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, ngành hữu quan khuyến cáo: Các cơ quan, đơn vị lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc, có kết quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng chống tội phạm  nói chung, tội  phạm  lừa đảo chiếm đoạt  tài  sản  trên  không  gian  mạng  nói  riêng. Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, gắn với xây dựng thế trận an ninh nhân dân trên không gian mạng. Huy động sự vào cuộc của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nhất là vai trò tiên phong, đi đầu của đội ngũ cộng tác viên Ban Chỉ đạo 35, cán bộ, đảng viên, các cơ quan báo đài,... tích cực tham gia viết bài, chia sẻ thông tin cảnh báo, tuyên truyền phòng, chống tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng.

Tuyên truyền thường xuyên, liên tục, với các hình thức linh hoạt, sáng tạo, phù hợp thực tiễn (sinh hoạt chi bộ, tổ nhân dân tự quản, tờ bướm, các trang fanpage, tài khoản Zalo official, tin nhắn SMS,...). Nội dung tuyên truyền thường xuyên được đổi mới, đa dạng, dễ nhớ, dễ hiểu, tạo sự lan tỏa sâu rộng, nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, nhất là trong công nhân, người lao động  tại các  khu công nghiệp, các doanh nghiệp; sinh viên, học sinh ở các trường, cơ sở giáo dục,... về phòng ngừa,  phát  hiện, ngăn chặn cũng như tố giác với cơ quan chức năng khi phát hiện đối tượng, dấu hiệu tội phạm.

Nâng cao vai trò giám sát, phản biện của các đoàn thể và của cán bộ công chức, viên  chức, người lao động trong thực hiện chính sách, pháp luật trên lĩnh vực an ninh mạng, an toàn thông tin và công tác phòng chống tội phạm công nghệ cao, trọng tâm là tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng của các cơ quan, đơn vị có liên quan.

Trần Quốc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN