Tăng cường năng lực chế biến cho các hợp tác xã

14/10/2024 - 05:25

BDK - Thời gian qua, các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh đã dần đầu tư máy móc để chế biến nông sản bán trực tiếp ra thị trường, bước đầu mang lại hiệu quả. Các sản phẩm chế biến từ gạo, dừa, bánh tráng… đạt chứng nhận OCOP dần được thị trường chấp nhận.

Đóng gói, hút chân không để đưa sản phẩm gạo ra thị trường tại Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Ngãi (Ba Tri).

Chế biến, cung ứng trực tiếp ra thị trường

HTX Nông nghiệp Phú Ngãi (xã Phước Ngãi, huyện Ba Tri) được đánh giá là 1 trong 5 HTX điểm của tỉnh. Trong đó, HTX chuyển từ bán sản phẩm lúa thô cho doanh nghiệp sang tự trang bị máy móc để xay xát, đóng gói và bán sản phẩm gạo trực tiếp đến tay người tiêu dùng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Năm 2016, HTX Nông nghiệp Phú Ngãi được thành lập với 22 thành viên ban đầu và số tiền góp vốn ít ỏi chỉ 6,3 triệu đồng, chủ yếu trồng lúa, hoa màu với đầu ra không ổn định, hoạt động không hiệu quả. Năm 2019, HTX củng cố lại, số thành viên tăng lên 101, diện tích sản xuất lúa khoảng 100ha, 22ha rau màu. Trong đó, có 40ha sản xuất lúa hữu cơ có ký hợp đồng với doanh nghiệp. Tuy vậy, thành viên HTX vẫn bán sản phẩm thô là lúa tươi cho doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu với giá thành cao hơn thị trường khoảng 1.000 đồng/kg. Từ năm 2023, HTX chuyển sang sản xuất lúa đặc sản với giống ST25 rồi đem xay thành gạo, đóng gói, hút chân không… để cung ứng đến tận tay người tiêu dùng, giá cả cạnh tranh, mang lại hiệu quả cao rõ rệt.

Nông dân Hồ Văn Trường là thành viên góp vốn vào HTX 10 triệu đồng, đang canh tác 8ha lúa rất phấn khởi khi lợi nhuận tăng lên hơn 2 lần so với cách làm truyền thống trước đây. Ông Trường cho biết: “Trước đây, mỗi nông dân tự làm, mua phân bón, thuê dịch vụ làm đất, thu hoạch… nên giá thành khá cao. Đồng thời, sản phẩm làm ra bán lúa tươi cho thương lái với giá khá bấp bênh. Lúc trước 1ha lúa lợi nhận chỉ khoảng 10 triệu đồng/vụ thì nay đã tăng lên gấp 2 lần nên nông dân rất mừng”. Theo ông Trường, khi tham gia HTX sản xuất lúa theo chuẩn hữu cơ được HTX hỗ trợ 100% lúa giống, 50% chi phí phân bón, thuốc xuyên suốt mùa vụ. Các dịch vụ khác như: thuê nhân công cấy cũng được giảm 50% và bao tiêu sản phẩm làm ra nên lợi nhuận của thành viên HTX đều cao hơn so với trước đây.

Tăng thu nhập cho các thành viên

Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp Phú Ngãi Mai Văn Kháng cho biết: Hiện tại, HTX thu mua lúa của thành viên với giá 10.500 đồng/kg và hỗ trợ các dịch vụ nông nghiệp giá rẻ nên lợi nhuận của bà con cao hơn nhiều so với trước đây. Đặc biệt từ khi đầu tư máy móc đóng gói, hút chân không để bán gạo trực tiếp đến tay người tiêu dùng thì HTX thêm lợi nhuận khoảng 4.000 đồng/kg. Vụ vừa rồi, sản lượng 45 tấn gạo, HTX không đủ bán vì giá rất cạnh tranh so với thị trường do HTX làm theo quy trình gần như tuần hoàn để đến tay người tiêu dùng”.

Tại HTX Người giữ dừa (xã An Khánh, huyện Châu Thành) chế biến các sản phẩm từ cây dừa như: mật hoa dừa cô đặc, đường mật hoa dừa, nước giải khát mật hoa dừa… đạt OCOP 3 sao mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp tăng thu nhập cho các thành viên HTX.

Ông Nguyễn Minh Kha, thành viên HTX chuyên thu hoạch mật hoa dừa với số lượng 40 gốc từ vườn dừa xiêm xanh của gia đình cho biết: “Trước đây, gia đình chỉ bán quả dừa tươi thu nhập không cao. Những tháng mưa, giá dừa tươi giảm nên lợi nhuận chẳng bao nhiêu. Mấy tháng nay, nhờ liên kết với HTX thu hoạch thêm mật hoa dừa giúp tăng lợi nhuận từ 2 - 3 lần so với thu hoạch quả”. Theo ông Kha, mỗi cây dừa trung bình 1 ngày cho thu hoạch khoảng 1 lít mật, bán cho HTX 10 ngàn đồng. Đồng thời, vẫn thu hoạch quả nên người trồng dừa được lợi nhuận khá cao.

Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Người giữ dừa Tô Chí Hải cho biết: “HTX thành lập đầu năm 2024 với 105 thành viên, đang tạo việc làm cho 7 nhân công thu hoạch mật hoa dừa, một số chị em phụ nữ làm bánh, bán hàng online... Bước đầu, HTX liên kết với nông dân là thành viên HTX với diện tích 3ha dừa xiêm chuyên lấy mật từ hoa dừa và khoảng 2km bờ sông để lấy mật từ hoa dừa nước tại 3 xã: An Khánh, Tân Thạch, Quới Sơn. Mật hoa dừa được HTX chế biến thành các sản phẩm như: mật hoa dừa cô đặc, đường mật hoa dừa, nước giải khát mật hoa dừa, bánh bò, bánh chuối… bán trực tiếp cho người tiêu dùng nên giá trị được tăng lên khá cao”. Hiện tại, máy chế biến mật hoa dừa cô đặc có công suất 500kg/mẻ (khoảng 8 giờ). Sắp tới, HTX sẽ liên kết với nhà đầu tư để xây mới nhà xưởng, nâng công suất lên gấp 10 lần so với hiện tại. Trong đó, chú trọng thị trường trong nước, nhất là ở các điểm du lịch và xuất khẩu ra nước ngoài.

Đầu tư, nâng cao năng lực chế biến

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức cho biết: Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 174 HTX, trong đó có 147 HTX sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong thời gian qua, số HTX sản xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn, chế biến sâu trên địa bàn tỉnh còn khá khiêm tốn. Các HTX đang chế biến các sản phẩm đạt chuẩn OCOP như: gạo, xoài, mật hoa dừa, nước ép bưởi, nước màu dừa, bánh tráng, bánh phồng… Hầu hết các HTX tập trung phát triển, hoàn thiện chuỗi giá trị nhằm giúp nông dân tăng lợi nhuận, hướng đến phát triển bền vững.

Hiện tại, HTX Nông nghiệp Phú Ngãi đã gửi hồ sơ và đang được cơ quan chức năng thẩm định để công nhận sản phẩm gạo đạt chứng nhận OCOP 4 sao. Đồng thời, UBND tỉnh quyết định hỗ trợ cho HTX đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy xay xát, lò sấy, kho chứa lúa và đường vào nhà máy với tổng kinh phí hơn 7 tỷ đồng. Khi đó HTX sẽ hoàn thiện quy trình sản xuất tuần hoàn từ khâu gieo cấy đến thu hoạch, chế biến sản phẩm gạo hữu cơ đến tay người tiêu dùng.

Theo Phó chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lê Hoàng Thanh cho biết: Địa phương đang triển khai đề tài “Phát triển sản phẩm OCOP cho các HTX trên địa bàn tỉnh Bến Tre” nhằm tăng cường năng lực phát triển kinh tế tập thể và thực hiện Chương trình OCOP cho các HTX của tỉnh. Trong đó, mục tiêu sẽ xây dựng mô hình mẫu phát triển kinh tế tập thể, HTX; xây dựng mới 20 sản phẩm OCOP cho 20 HTX; nâng cấp 7 sản phẩm OCOP đã có của HTX gồm: 6 sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao, 1 sản phẩm đạt 5 sao…

“Tỉnh tiếp tục hỗ trợ HTX xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, bao bì sản phẩm cho HTX nông nghiệp; chú trọng đến các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Hỗ trợ HTX chuyển giao ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, chính sách khuyến nông, khuyến công, đặc biệt là khâu thu hoạch, chế biến, đóng gói, bảo quản hàng nông sản trong sản xuất sản phẩm... Ngoài ra, sẽ hỗ trợ HTX thiết kế mẫu mã, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa để tăng sức cạnh tranh trên thị trường”.

(Phó chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Lê Hoàng Thanh)

Bài, ảnh: Thành Châu

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN