Tăng cường kết nối tạo đầu ra cho các sản phẩm công nghiệp, xuất khẩu

12/12/2022 - 05:40

BDK - Năm 2022, mặc dù tình hình hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) còn gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá nhiên liệu tăng cao nhưng đang dần phục hồi và có bước tăng trưởng tích cực. Giá trị sản xuất CN-TTCN thực hiện ước đạt 36.500 tỷ đồng, tăng 12,65% so với năm 2021 và đạt 95,3% kế hoạch.

Sản xuất các sản phẩm từ dừa xuất khẩu tại Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới.

Đạt mức tăng trưởng khá

So với cùng kỳ năm 2021, các sản phẩm CN chủ yếu ước đạt mức tăng trưởng khá: túi xách da tăng 28,74%; bia tăng 4,6%; nước dừa đóng hộp tăng 23,6%; may mặc tăng 17,38%; thủy sản đông lạnh tăng 10,61%; than hoạt tính tăng 15,45%; thuốc lá bao tăng 10%; cơm dừa nạo sấy tăng 8,94%; nước cốt dừa tăng 19,61%.

So với kế hoạch năm 2022, các sản phẩm chủ yếu thực hiện kế hoạch đạt khá như: thuốc lá bao 175%, nước cốt dừa 118,75%, cơm dừa nạo sấy 102,27%, thức ăn thủy sản 107,69%, giấy Kraft CN 100%, than hoạt tính 101,6%, túi xách da 108,33%. Có 68 DN, 42 cơ sở đăng ký phát triển mới với ngành nghề chủ yếu thuộc lĩnh vực CN chế biến thực phẩm, nông sản, may mặc, điện, với tổng vốn đăng ký khoảng 680 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 1.050 lao động.

Hoạt động xuất khẩu đã phục hồi và có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu đều có sự tăng trưởng khá. Kim ngạch xuất khẩu năm 2022 ước đạt 1.510 triệu USD, tăng 19,69% so với cùng kỳ và đạt 100,64% kế hoạch. Trong đó, các DN có vốn đầu tư nước ngoài đạt 1.118 triệu USD, tăng 17,49%; các DN trong nước đạt 390 triệu USD, tăng 26,49%.

Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu có tăng trưởng khá so với cùng kỳ như thủy sản các loại tăng 14,02%; cơm dừa nạo sấy tăng 4,11%; nước cốt dừa tăng 30,88%; dệt may tăng 52,76%; túi xách tăng 77,17%. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là các nước châu Á chiếm tỷ trọng cao nhất với 49,72%, tương đương 750,61 triệu USD và tăng 18,27% so với cùng kỳ năm trước.

Tình hình thị trường trên địa bàn tỉnh khá sôi động. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh mua bán đã chủ động dự trữ, bổ sung hàng hóa để đảm bảo đầy đủ số lượng, đa dạng chủng loại, đảm bảo phục vụ tốt cho nhu cầu mua sắm của người dân trong tỉnh. Giá cả hàng hóa khá ổn định, không có hiện tượng tăng giá đột biến đối với các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng lương thực, thực phẩm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 56.122 tỷ đồng, tăng 13,25% so với cùng kỳ và đạt 100,22% kế hoạch.

Mở rộng thị trường xuất khẩu

Theo Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Bé Sáu, các nhà đầu tư đang tiếp tục đến tìm hiểu cơ hội và đăng ký đầu tư. Số DN thành lập mới tăng cao, hầu hết các DN đã cơ bản ổn định sản xuất. Tình hình sản xuất CN đã có những bước hồi phục mạnh mẽ, khắc phục và nối lại được các chuỗi cung ứng trong các nhóm ngành CN, sản lượng sản phẩm và số lượng đơn hàng mới ngày càng gia tăng.

Các DN quan tâm cải thiện, phát triển điều kiện sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường. Các đơn vị trong ngành đã triển khai thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra, thực hiện tốt chỉ đạo của lãnh đạo các cấp về công tác phòng chống dịch Covid-19, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của DN.

Hoạt động thương mại hồi phục nhanh, hàng hóa dồi dào, nguồn cung hàng hóa, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nguyên nhiên liệu thiết yếu phục vụ sản xuất luôn được bảo đảm, đáp ứng nhu cầu của người dân và DN. Giá trị sản xuất CN, tổng mức bán lẻ hàng hóa và kim ngạch xuất khẩu có sự tăng trưởng khá so với cùng kỳ.

Tập trung hoàn chỉnh hạ tầng các khu, cụm CN; đẩy mạnh phát triển sản xuất CN theo hướng nâng cao hiệu quả, khả năng cạnh tranh của DN. Chú trọng phát triển ngành CN chế biến trên cơ sở liên kết với ngành nông nghiệp nhằm khai thác, sử dụng triệt để và có hiệu quả nguồn nguyên liệu từ nông nghiệp.

Nâng cao chất lượng xuất khẩu theo hướng gia tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa có hàm lượng chế biến sâu, công nghệ cao gắn với mở rộng quy mô xuất khẩu nhằm khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mai tự do đã ký kết; mở rộng thị trường xuất khẩu đối với các mặt hàng chủ lực của tỉnh.

Tiếp tục kêu gọi, thu hút đầu tư hệ thống hạ tầng thương mại, xây dựng các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm. Nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, tăng cường các hoạt động kết nối tạo điều kiện cho các DN duy trì thị trường truyền thống, mở rộng và thâm nhập thị trường mới.

Bài, ảnh: Mai Trần

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN