BDK - Thực hiện Đề án nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) của hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đặt ra mục tiêu nâng cao năng lực chủ động áp dụng các biện pháp thích ứng, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực, tận dụng cơ hội do BĐKH mang lại nhằm phát triển bền vững các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Qua thời gian triển khai thực hiện bước đầu đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Người dân xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách đào ao trữ ngọt phục vụ nước tưới, bảo vệ vườn cây giống, hoa kiểng trong mùa hạn mặn.
Đồng bộ nhiều giải pháp
Năm 2024, tỉnh có 1 Liên hiệp HTX với 7 thành viên, vốn điều lệ 200 triệu đồng; thành lập mới 17 HTX, đồng thời giải thể 3 HTX. Lũy kế, toàn tỉnh có 205 HTX trên 5 lĩnh vực, trong đó có 163 HTX nông nghiệp. Về THT thành lập mới 106 THT, giải thể 41 THT; lũy kế toàn tỉnh có 1.215 THT trên 3 lĩnh vực, trong đó có 1.180 THT nông nghiệp. Để hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX nông nghiệp, tổng kinh phí tỉnh phân bổ trong các năm 2023, 2024 là trên 10 tỷ đồng.
Để ứng phó trước ảnh hưởng của BĐKH, nhất là ảnh hưởng của xâm nhập mặn, tỉnh đã chủ động chỉ đạo triển khai thực hiện các giải pháp, phương án ứng phó, xử lý kịp thời, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tăng cường công tác kiểm tra độ mặn tại các cửa sông để thông báo, khuyến cáo người dân chủ động trong sản xuất và sinh hoạt, đồng thời vận hành hệ thống thủy lợi phù hợp... Tình hình cấp nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt được thực hiện tốt, thông qua việc tiếp tục đầu tư, nâng cấp mở rộng các nhà máy nước hiện có; vận hành các hệ thống lọc RO cấp nước tập trung.
Các HTX đã tăng cường công tác ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chọn các giống phù hợp với điều kiện thời tiết, ứng dụng hệ thống tưới tiêu tiết kiệm nước, tưới tiêu tự động, tận dụng các nguồn phụ phẩm nông nghiệp như rơm, phụ phẩm từ dừa, ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất… Nhiều HTX đã ứng dụng mô hình sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao để thích ứng với BĐKH như: trong thủy sản thì các mô hình nuôi bằng bể nhựa để giảm tác động môi trường; trong trồng trọt xuất hiện nhiều mô hình trồng cây phủ bạt xung quanh gốc…
Để giúp người dân và HTX có những giải pháp với thích ứng với BĐKH, gắn với liên kết chuỗi giá trị, tỉnh đã tập trung hỗ trợ HTX nâng cao giá trị sản phẩm nông sản thông qua phát triển sản phẩm OCOP, đến nay tỉnh có 31 HTX đạt sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Năm 2023-2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hỗ trợ 80 ngàn tem nhãn truy xuất nguồn gốc cho 9 HTX nông nghiệp của tỉnh với tổng kinh phí khoảng 290 triệu đồng và hỗ trợ đánh giá chứng nhận HACCP cho 1 HTX nông nghiệp với tổng kinh phí 95 triệu đồng. Năm 2024, UBND tỉnh phê duyệt dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sầu riêng cho HTX Nông nghiệp Tân Phú, xã Tân Phú, huyện Châu Thành với tổng kinh phí thực hiện trên 2 tỷ đồng.
Ngoài ra, để hỗ trợ ứng dụng chuyển đổi số trong HTX nông nghiệp, ngành nông nghiệp và Liên minh HTX tỉnh thường xuyên phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức các lớp tập huấn triển khai phần mềm kế toán, phần mềm quản lý nhật ký sản xuất, ứng dụng thương mại điện tử... cho các HTX nông nghiệp.
Chuyển đổi mô hình sản xuất
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh, thực hiện đề án, đến năm 2025 tỉnh phấn đấu có 100% HTX nông nghiệp được tuyên truyền, bồi dưỡng nâng cao nhận thức về BĐKH và biện pháp thích ứng với BĐKH trong sản xuất, kinh doanh, chế biến, bảo quản sản phẩm nông, thủy sản. Xây dựng 4 mô hình HTX nông nghiệp áp dụng các biện pháp thích ứng hiệu quả với BĐKH để nghiên cứu, học tập và nhân rộng. Hình thành các diễn đàn về kinh tế tập thể, HTX nông nghiệp, chia sẻ thông tin về BĐKH; ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, các sáng kiến, kinh nghiệm tổ chức sản xuất, kinh doanh nông nghiệp thích ứng với BĐKH.
Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh sẽ tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức về BĐKH và các biện pháp thích ứng; đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực. Thúc đẩy, hỗ trợ chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng thích ứng thông minh với BĐKH, liên kết chuỗi giá trị; trong đó hỗ trợ HTX nông nghiệp và người dân chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, phát huy hiệu quả các công trình đã được đầu tư ở tỉnh…
Xây dựng và duy trì hệ thống quan trắc, theo dõi cảnh báo, dự báo lũ, lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng ở những vùng, khu vực đang chịu sự tác động mạnh của BĐKH và nước biển dâng. Tăng cường hợp tác liên kết và thu hút đầu tư, hỗ trợ HTX nông nghiệp liên kết, hợp tác, phát triển các chuỗi liên kết theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5-7-2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp…