Tăng cường đấu tranh với tội phạm tiền giả

27/04/2022 - 05:53

BDK - Tội phạm làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả gây ra nhiều hệ lụy phức tạp như làm giảm giá trị đồng tiền Việt Nam, ảnh hưởng xấu đến an ninh tiền tệ, tác động tiêu cực đến tình hình an ninh trật tự. Vì vậy, chủ động ngăn chặn, kiên quyết xử lý đối với tội phạm tiền giả là phương châm đấu tranh của lực lượng chức năng trong cả nước. Tại tỉnh, thời gian qua, lực lượng công an đã tích cực phát huy vai trò nòng cốt, tăng cường đấu tranh, ngăn chặn loại tội phạm này.

Công an xã Quới Thành, huyện Châu Thành hướng dẫn tiểu thương nhận dạng tiền giả. Ảnh: Minh Tân

Nhiều vụ lưu hành tiền giả

Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh vừa khởi tố, bắt tạm giam Huỳnh Văn Đực, sinh năm 1948, ngụ huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai và 3 bị can khác để điều tra về tội làm, tàng trữ, lưu hành tiền giả. Vào ngày 5-2-2022, cơ quan An ninh điều tra tiếp nhận thông tin đối tượng Huỳnh Văn Đực có hành vi lưu hành tiền giả trên địa bàn xã Giao Long, huyện Châu Thành. Tiến hành khám xét khẩn cấp trên người, phương tiện và các địa điểm có liên quan, lực lượng chức năng đã phát hiện, thu giữ trên 1 tỷ đồng tiền giả. Tiếp tục mở rộng điều tra, ngày 25-3-2022, Công an tỉnh đã phối hợp với Công an tỉnh Bình Dương bắt giữ thêm 3 đối tượng khác, thu giữ thêm 280 triệu đồng tiền giả và nhiều phương tiện, dụng cụ dùng để làm tiền giả. Vụ việc đang được cơ quan công an tiếp tục điều tra, củng cố hồ sơ để xử lý các đối tượng theo quy định của pháp luật.

Năm 2021, trên địa bàn tỉnh cũng đã phát hiện 1 vụ lưu hành tiền giả. Vụ án được đưa ra xét xử vào đầu tháng 2-2022. Hai bị cáo là Nguyễn Thị Mến (sinh năm 1987, ngụ Quận 12, TP. Hồ Chí Minh) và Huỳnh Thị Đèo Chị (sinh năm 1968, ngụ xã Vang Quới Đông, huyện Bình Đại) bị Tòa án nhân dân tỉnh tuyên phạt mức án lần lượt là 10 và 11 năm tù giam.

Vai trò của quần chúng trong đấu tranh, tố giác

Trong đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung và tội phạm tiền giả nói riêng, cùng với việc triển khai đồng bộ các biện pháp công tác của lực lượng công an, vai trò của quần chúng rất quan trọng. Điển hình như việc triệt phá đường dây làm, tàng trữ, lưu hành tiền giả liên tỉnh vừa qua.

Biết người hàng xóm bị người đàn ông lạ mặt dùng 800 ngàn đồng tiền giả để mua hàng hóa, anh Huỳnh Thanh Phong (ngụ xã Giao Long, huyện Châu Thành) đã truy đuổi theo đối tượng nhưng không kịp. Ngày hôm sau, khi đang đi trên đường, anh Phong nhìn thấy người có những đặc điểm giống hàng xóm mô tả nên giữ lại để bị hại nhận dạng. Khi xác định đúng đối tượng sử dụng tiền giả, anh Phong đã điện thoại báo công an đến xử lý. Từ sự việc này, Công an tỉnh đã mở rộng điều tra, khởi tố, bắt tạm giam 4 đối tượng. Anh Huỳnh Thanh Phong chia sẻ: “Tôi nghĩ tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm là trách nhiệm của mỗi người dân, qua đó góp phần giữ gìn cuộc sống bình yên của cộng đồng cũng như chính bản thân và gia đình mình. Vì vậy, khi phát hiện đối tượng, tôi kiên quyết giữ lại và điện thoại cho lực lượng công an đến giải quyết”.

Trao đổi về công tác tuyên truyền phòng chống tội phạm tiền giả trên địa bàn xã Quới Thành, huyện Châu Thành, Đại úy Phan Tấn Hạnh - Trưởng Công an xã cho biết: Công an xã đã tham mưu cho UBND xã Quới Thành tổ chức thông tin trên hệ thống truyền thanh và thông qua các tổ nhân dân tự quản tài liệu tuyên truyền phòng chống tội phạm tiền giả của cơ quan chuyên môn. Bên cạnh đó, Công an xã tổ chức tuyên truyền trực tiếp, phát tờ bướm cho người dân tại các chợ dân sinh, tiệm tạp hóa, hộ gia đình và các tiểu thương buôn bán trên địa bàn để hướng dẫn người dân cách nhận biết tiền giả và nắm được phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm về tiền giả. Khi phát hiện tội phạm về tiền giả phải báo ngay cho lực lượng công an để kịp thời ngăn chặn, bắt giữ và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Để giúp người dân nắm được những dấu hiệu cơ bản phân biệt tiền thật, tiền giả và cách xử lý khi phát hiện tội phạm tiền giả, Thượng tá Trần Minh Điền - Trưởng phòng An ninh điều tra, Công an tỉnh khuyến cáo: “Tiền giả thường có mệnh giá lớn, 200 ngàn và 500 ngàn đồng. Chúng ta có thể phân biệt tiền thật, tiền giả bằng một số cách đơn giản như: vò tờ tiền nếu là tiền thật sẽ trở lại hình dạng gần như ban đầu, nếu là tiền giả sẽ bị nhăn nhúm rõ rệt; màu sắc của tiền giả thường đậm hơn hoặc nhạt hơn tiền thật, các chi tiết in ấn không sắc nét; các tờ tiền trùng số seri là tiền giả. Khi phát hiện tiền giả phải báo ngay cho cơ quan công an. Tuyệt đối không được sử dụng những tờ tiền này, nếu sử dụng sẽ bị cấu thành tội lưu hành tiền giả”.

Tội “Làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả” được quy định tại Điều 207, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với khung hình phạt từ 3 - 20 năm tù giam hoặc chung thân. Do vậy, mỗi công dân cần nêu cao ý thức chấp hành pháp luật, tuyệt đối không tham gia các hoạt động liên quan đến tội phạm tiền giả. Mặt khác, người dân cần quan tâm thông tin tuyên truyền phòng chống tội phạm tiền giả của cơ quan chức năng để chủ động phòng ngừa và tích cực tố giác tội phạm.

Đăng Khoa

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN