Tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm

22/11/2012 - 17:12
Kiểm tra công tác thú y tại vùng có nguy cơ cao.

Năm 2012, được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Ủy ban Nhân dân tỉnh, công tác phòng, chống dịch trên vật nuôi của tỉnh tiếp tục đạt kết quả khả quan. Các loại dịch bệnh nguy hiểm được khống chế. Những loại bệnh khác có xảy ra nhỏ lẻ, rải rác và cũng được khống chế kịp thời, không để lây lan thành dịch.

Tính đến nay, cả nước có trên 120 huyện thuộc 32 tỉnh thành có xảy ra dịch bệnh trên đàn vật nuôi, trong đó phía Nam có 7 tỉnh có dịch bệnh là Bạc Liêu, Cà Mau, Đồng Tháp, Kiên Giang, Sóc Trăng, Tiền Giang, Vĩnh Long. Hiện, tình hình dịch bệnh đã lắng dịu, chỉ còn 2 tỉnh đang có dịch. Riêng Bến Tre, trong 2 năm qua là không xảy ra dịch bệnh. Để có được những kết quả trên, thời gian qua, Chi cục Thú y tỉnh đã có sự chủ động hơn trong công tác xây dựng kế hoạch, kinh phí và tích cực tham mưu đề xuất triển khai thực hiện tốt các chương trình phòng dịch có hiệu quả. Bên cạnh đó là sự nỗ lực của hệ thống toàn ngành thú y từ tỉnh đến xã, sự phối hợp tốt của các ngành, các cấp, đặc biệt là Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các huyện, xã. Trong năm, ngành thú y đã triển khai các chương trình trọng điểm phòng, chống dịch, như: tiêm phòng cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh, vệ sinh tiêu độc... Đối với cúm gia cầm, tỉnh đã triển khai tiêm phòng 1 đợt chính cho khoảng 60% so tổng đàn và các đợt bổ sung, sử dụng 3,5 triệu liều vacxin. Kết quả giám sát sau tiêm phòng cúm gia cầm đạt tỷ lệ bảo hộ trên 84%. Tiêm phòng 2 đợt lở mồm long móng trên gia súc với hơn 100.000 liều vacxin. Triển khai được 2 đợt tiêm phòng vacxin heo tai xanh, với 70.000 liều, trong đó, đợt 2 ưu tiên tiêm phòng cho vùng có nguy cơ cao 20.000 liều. Đặc biệt, công tác quản lý vacxin có hiệu quả hơn do được đánh dấu và có thu hồi vỏ chai, đảm bảo sử dụng đúng mục đích, hạn chế thất thoát và lãng phí vacxin. Ngoài ra, công tác tiêm phòng định kỳ, tiêm phòng dại (chó), vệ sinh tiêu độc, tuyên truyền cũng được thực hiện khá tốt.

Để tiếp tục khống chế hiệu quả các loại dịch bệnh trong thời gian tới, Chi cục Thú y đã đề ra các giải pháp phòng, chống dịch cuối năm 2012 và năm 2013. Nhằm đảm bảo hoạt động chăn nuôi ổn định, phục vụ tốt nhu cầu thịt cho người tiêu dùng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, ngành thú y sẽ tăng cường giám sát dịch bệnh, hoàn tất các chương trình tiêm phòng vacxin, tiêu độc theo kế hoạch, tập trung kiểm tra kiểm soát giết mổ, kinh doanh động vật, triển khai thực hiện Chỉ thị 02 của Chủ tịch UBND tỉnh về tiêm phòng bắt buộc đối với gia súc, gia cầm. Bà Phan Thị Thu Sương - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Công tác phòng, chống dịch là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị; do đó, cần có sự quan tâm đồng bộ của cả hệ thống mới đạt kết quả. Mặc dù được đánh giá cao nhưng các địa phương không nên chủ quan mà cần tăng cường công tác phòng, chống dịch. Năm nay, công tác thú y trên địa bàn tỉnh được Ủy ban Nhân dân tỉnh quan tâm trang bị rất nhiều phương tiện hỗ trợ và ban hành nhiều văn bản. Các huyện, thành phố cần nghiên cứu phối hợp, triển khai thực hiện tốt. Mặt khác, quản lý chăn nuôi tốt thì công tác thú y mới đảm bảo; do đó, Chi cục Thú y cần quản lý tốt cả hai lĩnh vực trên. Xây dựng kế hoạch quản lý hoạt động kinh doanh, giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm, trong đó có giết mổ chó. Kiểm tra, đánh giá đối với các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy hải sản trên địa bàn tỉnh. Các địa phương có sự thay đổi nhân sự cần có kế hoạch củng cố lại Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; nâng cao vai trò cũng như chất lượng hoạt động đối với đội ngũ thú y xã; triển khai đầy đủ các đợt tiêm phòng, tổng vệ sinh tiêu độc gia súc gia cầm đợt 3. Bên cạnh là triển khai các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, trong đó có Quyết định 1442 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số điều của Quyết định 719 về chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh vừa triển khai Chỉ thị 02 của UBND tỉnh về tiêm phòng bắt buộc đối với gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh. Mục đích nhằm ngăn chặn một số dịch bệnh nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người như bệnh cúm gia cầm, bệnh dại và các loại dịch bệnh động vật lây lan, gây thiệt hại lớn về kinh tế.

Theo Chỉ thị 02, UBND tỉnh yêu cầu các ngành, các cấp và các cơ sở, hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm trong toàn tỉnh thực hiện tốt các công việc được giao. Trong đó, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Thú y định kỳ hàng năm xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình tiêm phòng đối với các bệnh thuộc danh mục các bệnh phải tiêm phòng bắt buộc theo quy định. Chi cục Thú y chuẩn bị, cung ứng đầy đủ, kịp thời, đảm bảo chất lượng các loại vacxin phù hợp, đúng chủng loại để công tác tiêm phòng đạt hiệu quả, đúng tiến độ. Ngoài nguồn vacxin miễn phí cấp cho đối tượng tiêm phòng bắt buộc, Chi cục Thú y tổ chức cung ứng và khuyến cáo cho người chăn nuôi để thực hiện tiêm phòng trên các đối tượng còn lại. Chịu trách nhiệm hướng dẫn, giám sát, đôn đốc, kiểm tra các địa phương xây dựng và thực hiện kế hoạch tiêm phòng vacxin hàng năm đối với các bệnh phải tiêm phòng. Các cơ sở, hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm cần tự giác thực hiện tiêm vacxin phòng bệnh bắt buộc cho đàn vật nuôi theo kế hoạch của chính quyền địa phương. Những trường hợp không chấp hành đúng quy định về tiêm phòng bệnh bắt buộc sẽ không được hưởng các chính sách hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước khi có dịch xảy ra…

Bài, ảnh: C. TRÚC

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN