Thực hiện Nghị quyết số 14/2007 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa X và Hướng dẫn số 08/2007 của Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương hướng dẫn thực hiện Nghị quyết về “Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng”, Tỉnh ủy Bến Tre đã cụ thể hóa bằng Chương trình hành động số 15/2007 và tổ chức triển khai, quán triệt sâu rộng đến các cơ sở Đảng và đảng viên.
Qua 4 năm triển khai thực hiện, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đã có sự chuyển biến rõ nét cả về nhận thức và hành động của tổ chức Đảng và đảng viên. UBKT các cấp thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát do Điều lệ Đảng quy định và nhiệm vụ cấp ủy giao. Nội dung, đối tượng kiểm tra, giám sát có trọng tâm, trọng điểm, sát với yêu cầu nhiệm vụ chính trị, chất lượng, hiệu quả được nâng lên. Sau các cuộc kiểm tra, giám sát, việc xử lý vi phạm kịp thời, nghiêm túc và đồng bộ. Do UBKT các cấp thực hiện nhệm vụ một cách công tâm, khách quan, đồng thời làm tốt công tác tư tưởng nên sau khi bị kỷ luật, đa số đảng viên chấp hành nghiêm túc, việc khiếu nại kỷ luật của đảng viên hàng năm giảm (năm 2011 các cấp ủy và UBKT các cấp đã xem xét xử lý kỷ luật 154 đảng viên, trong đó có 5 trường hợp khiếu nại, giảm 54,5% so với cùng kỳ).
Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cấp ủy trực thuộc Tỉnh ủy đã bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, chủ động xây dựng và triển khai, đôn đốc thực hiện chương trình kiểm tra, giám sát hàng năm đạt kế hoạch đề ra. Qua đó, giúp cấp ủy các cấp đánh giá đúng tình hình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị, làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân cấp ủy viên, cán bộ chủ chốt, nhất là những nơi có vấn đề nổi cộm, gây dư luận xấu trong nhân dân, kịp thời ngăn chặn, hạn chế thấp nhất vi phạm kỷ luật Đảng; đồng thời, chú trọng việc phúc tra, theo dõi, chỉ đạo thực hiện các kết luận sau kiểm tra, giám sát; đặc biệt là việc khắc phục, sửa chữa những tồn tại, khuyết điểm, kịp thời xử lý tổ chức Đảng và đảng viên vi phạm.
Công tác kiểm tra, giám sát của các chi bộ, đảng bộ có sự chuyển biến tích cực. Các chi bộ, đảng bộ đã chủ động xây dựng, thực hiện khá tốt chương trình, kế hoạch công tác kiểm tra, giám sát hàng năm đi đôi với việc đổi mới nội dung, chất lượng sinh hoạt chi bộ theo Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Hướng dẫn số 05 của Ban Tổ chức Trung ương, tích cực góp phần xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tỷ lệ tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hàng năm đều tăng. Năm 2009, UBKT các cấp đã tiến hành đánh giá 601 tổ chức cơ sở Đảng, kết quả có 524 tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh, chiếm tỷ lệ 87,18%, tăng 8,14% so với năm 2008; phân tích chất lượng 34.773 đảng viên, trong đó có 4.800 đảng viên đủ tư cách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tăng 0,71% so với năm 2008. Năm 2010, tổ chức cơ sở Đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ chiếm tỷ lệ 11,6%, tăng 2,56%; đảng viên đủ tư cách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiếm tỷ lệ 14,18%, tăng 1,12% so với năm 2009.
Tuy nhiên, các cấp ủy, tổ chức Đảng, nhất là cơ sở còn lúng túng trong việc thực hiện công tác giám sát (chưa mở rộng phạm vi đối tượng theo Hướng dẫn của Trung ương). Một số cấp ủy chưa quan tâm công tác kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn ngừa sai phạm… Để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa X về “Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng”, các cấp ủy Đảng cần:
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng gắn chặt với công tác tư tưởng, công tác tổ chức và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; phải thực hiện toàn diện, đồng bộ, có hiệu lực, hiệu quả, góp phần xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng.
- Cấp ủy các cấp tiếp tục triển khai, quán triệt về mục tiêu, quan điểm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa X, các quy định, quy chế, quyết định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, hướng dẫn của UBKT Trung ương và của Tỉnh ủy về công tác kiểm tra, giám sát một cách thiết thực, cụ thể, phù hợp với tình hình và nhiệm vụ của địa phương, đơn vị, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng trong tình hình mới.
- Phát huy vai trò, trách nhiệm, tính gương mẫu của cấp ủy, Ban Thường vụ cấp ủy, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát; đồng thời, tăng cường quản lý, giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, gắn với công tác kiểm tra, giám sát của các tổ chức quần chúng để chủ động phòng ngừa, hạn chế sai phạm và kiên quyết xử lý nghiêm minh các tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm.
- Các tổ chức Đảng cần quan tâm thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc chấp hành Điều lệ Đảng, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị và các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm phát hiện nhân tố tích cực để nhân rộng, phát hiện những chủ trương, chính sách chưa phù hợp để điều chỉnh, ngăn ngừa, hạn chế các sai phạm của tổ chức Đảng và đảng viên. Kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, nhất là tập trung kiểm tra, giám sát các vấn đề có nhiều dư luận xấu, các lĩnh vực dễ xảy ra sai phạm.
- Đẩy mạnh tuyên truyền công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng cả về lý luận, thực tiễn và kinh nghiệm trên các phương tiện thông tin đại chúng, trước hết là trên báo của Đảng, đài phát thanh, truyền hình ở địa phương.
- Xây dựng quy trình, phương pháp kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng của cấp ủy, tổ chức Đảng, UBKT phải bảo đảm các nguyên tắc, phương pháp công tác Đảng; công khai, dân chủ, cụ thể, để thực hiện đạt hiệu quả thiết thực.