Tân Thành Bình hôm nay

10/11/2021 - 12:30

BDK - Sắp đến kỷ niệm 45 năm Ngày Báo Chiến Thắng đổi tên thành Báo Ðồng Khởi, nhân chuyến công tác huyện Mỏ Cày Bắc, chiều muộn tôi cũng phải ghé thăm xã Tân Thành Bình. Bởi nơi đây là quê hương của nhà báo Huỳnh Năm Thông - nguyên Tổng biên tập ngày xưa. Từ khi ông mất, gia đình không còn ai sinh sống nơi này, tôi ghé qua cũng chỉ để ghi nhận sự đổi thay của quê hương một thời ông gắn bó.

Rạch Cái Sấu (xã Tân Thành Bình, Mỏ Cày Bắc). Ảnh: T. Đồng

Giữ gìn truyền thống

Tân Thành Bình là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, có nhiều anh hùng, bậc kỳ tài trong lịch sử cách mạng Bến Tre như: Giáo sư Ca Văn Thỉnh; nhà thơ liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Anh Xuân (Ca Lê Hiến); Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Tư và các thế hệ những người con anh dũng đã in vào trang sử hào hùng của quê hương, đất nước.

Tôi đến thăm gia đình bà Ca Lê Du, người con gái thứ ba của Giáo sư Ca Văn Thỉnh, ở ấp Thành Hóa I, xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày Bắc. Tôi thắp nén hương trên bàn thờ ông bà giáo sư, bàn thờ của nhà thơ liệt sĩ Lê Anh Xuân và thăm mộ của ông bà giáo sư. Nơi đây cũng đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, thường xuyên là nơi sinh hoạt truyền thống văn hóa của tuổi trẻ địa phương.

Dù đã gần 90 tuổi, nhưng đối với bà Ba, những kỷ niệm với cha mẹ, tình yêu, lòng tự hào về truyền thống dòng họ Ca thì bà không thể nào quên được. Là người con duy nhất của ông bà Ca Văn Thỉnh không tập kết ra Bắc, bà Ca Lê Du ở lại quê nhà, cùng chồng tham gia đấu tranh cách mạng. Bà là cán bộ hội phụ nữ, tham gia Đội quân tóc dài huyện Mỏ Cày. Nhiều lần bị giặc bắt nhưng bà luôn giữ vững khí tiết của gia đình truyền thống cách mạng. “Là đứa con sống ở miền Nam mình phải giữ cho được truyền thống gia đình để cha mẹ tự hào là có người con gái lúc nào cũng công tác tốt”, bà Ca Lê Du tự hào kể.

Thế hệ con cháu dòng họ Ca tự hào về truyền thống quê hương, nền nếp gia đình luôn phấn đấu học tập, lao động, cống hiến xây dựng quê hương. Anh Ca Vĩnh Trúc - cháu đời thứ tư của dòng họ Ca đã công tác lâu năm ở xã. Hiện anh là Trưởng ban quản lý Chợ Xếp bày tỏ: “Là thế hệ hậu sanh, bản thân tôi tiếp tục, cố gắng phục vụ quê hương, là tấm gương cho con cháu noi theo, tiếp nối truyền thống gia đình”.

Hàng năm, Ban giám hiệu và học sinh trường THPT Lê Anh Xuân, THPT Ca Văn Thỉnh vẫn đến thăm viếng di tích để bày tỏ sự tri ân. Qua đó, góp phần giáo dục, bồi dưỡng học sinh. Sợi chỉ đỏ truyền thống đầy tự hào của quê hương cứ thế được giữ gìn và nối dài vào hiện tại bằng phấn đấu cống hiến những việc làm thiết thực nhất.

Đổi thay diện mạo

Qua từng con đường, tôi cảm nhận rõ sự đổi thay của một vùng nông thôn mới (NTM) đang phấn đấu lên đô thị loại V. Với vị trí địa chính trị giáp ranh đô thị TP. Bến Tre và xu hướng phát triển của xã hội trong thời đại mới, đời sống của người dân địa phương đang ngày càng khá hơn.

Người Tân Thành Bình với bản tính can đảm, chịu khó vươn lên đã phát huy truyền thống cách mạng trong thời kỳ mới, từ nền tảng xã NTM đầu tiên của huyện Mỏ Cày Bắc vào tháng 12-2015, hệ thống chính trị và nhân dân Tân Thành Bình đã tiếp tục phấn đấu tiến lên xã NTM nâng cao trong năm 2021.

Xã Tân Thành Bình có 9 ấp, với trên 4,1 ngàn hộ dân, hơn 15 ngàn nhân khẩu, thu nhập chính từ sản xuất nông nghiệp. Dừa, bưởi da xanh và con heo là sản phẩm chủ lực. Trong đó, bưởi da xanh Tân Thành Bình đã thành danh trên thị trường với chất lượng ổn định, được đánh giá cao.

Nỗ lực xây dựng NTM nâng cao, xã vận động người dân thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh, xác định cây dừa, cây bưởi, con heo là sản phẩm chủ lực của xã. Người dân đã mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập trên cùng một diện tích đất canh tác. Đồng thời, xã vận động nhân dân thực hiện chuyển đổi diện tích vườn kém hiệu quả sang trồng bưởi da xanh, nhằm nâng cao thu nhập, tỉa thưa vườn dừa, thay thế giống dừa có năng suất, chất lượng cao.

Công tác xây dựng, nâng chất xã NTM được tập trung quyết liệt. Các hoạt động Ngày Chủ nhật NTM ngày càng thu hút người dân tham gia và mang lại ý nghĩa thiết thực. Ban chỉ đạo, tổ giúp việc các chương trình quốc gia và đời sống văn hóa xã đã kiện toàn và phân công từng thành viên phụ trách ấp và 19 tiêu chí. MTTQ và các đoàn thể cấp xã cũng đã phát huy vai trò trong phối hợp với ban phát triển các ấp tuyên truyền người dân thực hiện 15 phần việc hộ gia đình.

Công tác giảm nghèo được quan tâm thực hiện, với nhiều giải pháp thiết thực. Tỷ lệ hộ nghèo 6 tháng đầu năm 2021 là 1,99% (82 hộ), hộ cận nghèo 4,5% (185 hộ). Việc thực hiện đề án sinh kế thoát nghèo bền vững, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Các chính sách hỗ trợ, giới thiệu việc làm, hỗ trợ vay vốn cho người lao động làm việc có thời hạn ở nước ngoài được thực hiện đồng bộ. Tư vấn, giới thiệu việc làm cho 251 hồ sơ xin việc làm tại các công ty và khu công nghiệp. Có 6 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Toàn xã có 8.900 người trong độ tuổi lao động, trong đó 91,96% người có việc làm thường xuyên. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 66,11%.

Xã tiếp tục đẩy mạnh việc quy hoạch, kêu gọi đầu tư Cụm công nghiệp Tân Thành Bình. Toàn xã có 187 cơ sở tiểu thủ công nghiệp và 44 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, góp phần giải quyết việc làm cho trên 850 lao động địa phương. 1.160 cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ, tận dụng thế mạnh của quốc lộ 60 đi qua địa bàn, ngành thương mại, dịch vụ khá năng động, phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.

Người đồng hành cùng tôi trong chuyến thăm Tân Thành Bình hôm ấy là Bí thư Xã đoàn Lê Thị Thúy An. Sinh ra và lớn lên tại chính mảnh đất này, Thúy An là một trong rất nhiều người trẻ chọn trở lại làm việc và cống hiến cho quê hương. “Em từ lúc tốt nghiệp THPT rồi đi học xa, đi làm cho đến khi trở về quê làm việc thì hiểu hơn và nhận thấy quê hương mình đổi khác từng ngày. Nếu ngày xưa mọi người chỉ quan tâm ăn no, mặc ấm thì bây giờ sẽ chọn ăn ngon, mặc đẹp hơn”, Thúy An nhận xét.

Nhận thấy sự đổi thay tích cực của xã nhà, nhiều thanh niên như Thúy An cũng đã chọn trở về địa phương lao động. Nhiều bạn trẻ đã mạnh dạn bứt phá vươn lên lập nghiệp ngay chính quê nhà. Tận dụng lợi thế sẵn có, xã đẩy mạnh phát triển thêm nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đoàn thanh niên xã cũng tạo điều kiện cho thanh niên phát triển kinh tế với nhiều hình thức, hỗ trợ vốn, phối hợp tạo việc làm, đào tạo nghề cho người lao động. Bên cạnh đó, hướng đầu tư Cụm công nghiệp Tân Thành Bình đang hứa hẹn nhiều cơ hội mới cho thanh niên làm việc ngay tại địa phương.

Tân Thành Bình ngày mới, với những con người hiền lành, chất phác, yêu quê hương, cần cù trong lao động luôn tự hào về truyền thống cách mạng, tiếp tục ra sức phấn đấu xây dựng quê hương.

Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN