Tân Phú phát triển du lịch sinh thái miệt vườn

03/08/2018 - 07:30

BDK - Trước năm 2015, xã Tân Phú, huyện Châu Thành chỉ có 2 điểm kinh doanh du lịch vườn trái cây, nhưng hơn 2 năm trở lại đây, Tân Phú trở thành điểm đến ưa thích của nhiều đoàn du khách trong và ngoài tỉnh. Hiện tại, trên địa bàn xã đã có 8 điểm kinh doanh du lịch, được nhiều người biết đến như Quê Ta, Bảo Thạch…, sản phẩm chủ đạo là du lịch sinh thái miệt vườn.

Du khách đến tham quan tại một khu du lịch sinh thái ở xã Tân Phú. Ảnh: Hữu Hiệp

Tận dụng thế mạnh

Nằm ở phía Tây huyện Châu Thành, Tân Phú có diện tích tự nhiên  2.437,4ha, trong đó 70% là đất sản xuất nông nghiệp, với các loại cây chủ lực là chôm chôm, sầu riêng và bưởi da xanh. Có thể nói, vườn cây trái là thế mạnh của Tân Phú, cũng là điểm nhấn thu hút du khách về với nơi đây. Tân Phú lại ở vị trí “góc tam giác” đắc địa, nơi 2 nhánh sông Tiền và Hàm Luông tách nhau nên du lịch của xã hội đủ điều kiện phát triển theo hướng xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái miệt vườn. Du khách đến tham quan vườn cây ăn trái, hái trái cây, ăn trái cây, thưởng thức các món ăn đặc sản địa phương, nghỉ ngơi, vui chơi trong vườn cây.

Ông Phạm Hoàng Khôi - Phó chủ tịch UBND xã Tân Phú cho biết: “Lúc mới nhen nhóm, hoạt động du lịch ở xã rất đơn giản và mang tính tự phát. Một số chủ vườn, chủ yếu là các vườn chôm chôm cho khách vào tham quan, hái trái đã tạo được sự thích thú, được du khách chú ý và thu hút khách du lịch tìm đến ngày càng đông, nhất là vào ngày Tết Đoan ngọ là mùa chôm chôm chín”. Ban đầu, các chủ vườn này chỉ xây những chòi nhỏ trong vườn cho khách nghỉ chân, phục vụ một số món ăn, uống, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư nhiều.

Trước nhu cầu ngày càng cao và lượng du khách tìm đến địa phương, thực hiện đề án phát triển du lịch của tỉnh, huyện, chính quyền xã bắt đầu vào cuộc, cùng người dân làm du lịch bài bản hơn. Xã tuyên truyền về chủ trương, chính sách, giới thiệu đến những hộ có khả năng và ý muốn làm du lịch để tận dụng thế mạnh vườn cây trái của địa phương. Đồng thời, hướng dẫn các điểm kinh doanh du lịch đã hình thành đầu tư hơn về cơ sở hạ tầng như xây nhà vệ sinh sạch sẽ, cán sân đan để phục vụ du khách, hướng dẫn, tập huấn kiến thức để các điểm du lịch hoạt động chuyên nghiệp hơn.

Ông Khôi thông tin thêm: “Ngay chính các chủ cơ sở kinh doanh du lịch cũng đã quan tâm hơn về thông tin tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về điểm của mình bằng nhiều cách như: tạo website riêng, treo pano giới thiệu, bảng chỉ dẫn ở các tuyến đường chính, liên kết với các công ty lữ hành, du lịch để dẫn khách đến”.

Xe ngựa của một điểm du lịch đón khách vào vườn trái cây ở ấp Tân Bắc, xã Tân Phú. Ảnh: T. Đồng

Định hướng Phát triển

Theo ghi nhận của chính quyền xã về hoạt động du lịch cho thấy, du lịch Tân Phú đã và đang có sự phát triển khá nhanh. Nếu như vào năm 2016, trung bình mỗi tháng xã có khoảng 1.000 lượt khách thì từ đầu năm 2018 đến nay, nhất là dịp hè, mỗi ngày các điểm du lịch đón trung bình 100 - 200 lượt khách, cuối tuần khoảng 500 lượt khách/ngày, các ngày lễ có điểm đón đến 1.000 lượt khách/ngày. Một chủ cơ sở kinh doanh du lịch ở ấp Tân Bắc, xã Tân Phú cho hay: “Khi mới hoạt động doanh thu từ chỉ vài chục triệu đồng/tháng, nay đã đạt hàng trăm triệu đồng/tháng. Rất phấn khởi”.

Đứng trước nhu cầu ngày càng cao của du khách cũng như sự gia tăng nhanh về số lượng các điểm kinh doanh du lịch đòi hỏi địa phương có giải pháp để nâng chất lượng phục vụ và xa hơn là có định hướng để phát triển bền vững ngành kinh tế không khói. Xã đã tổ chức cũng như tham gia 4 lớp tập huấn về kiến thức, kỹ năng trong kinh doanh du lịch dành cho nhiều thành phần từ chủ cơ sở du lịch, nhân viên phục vụ, vận chuyển khách, cán bộ xã, ấp… Ông Phạm Hoàng Khôi nhận định: “Qua tập huấn, đa số người dân thay đổi nhận thức về hoạt động du lịch theo hướng tích cực hơn, họ quan tâm đầu tư, chỉnh trang lại cơ sở du lịch, chất lượng dịch vụ theo hướng chuyên nghiệp để phục vụ tốt hơn”.

Ông Phạm Ngọc Thảo - chủ cơ sở du lịch Bảo Thạch cho biết: “Mỗi khi xã có lớp tập huấn về du lịch, tôi và các nhân viên tham gia học tập để hiểu biết thêm, nâng cao chất lượng phục vụ du khách”. Cơ sở kinh doanh du lịch Bảo Thạch mới mở và hoạt động gần một năm nay. Đây là một trong các điểm kinh doanh du lịch sinh thái miệt vườn khá bài bản của xã, cơ sở đã giải quyết việc làm cho khoảng 30 lao động tại địa phương, trong đó khoảng 15 lao động làm việc chính thức.

“Theo tôi, cơ sở kinh doanh du lịch cần đề cao uy tín và lưu ý thái độ phục vụ cho đảm bảo. Cung cấp các dịch vụ đúng với thông tin quảng bá, đảm bảo chất lượng trái cây để tạo dựng uy tín cho mình, cũng là xây dựng hình ảnh tốt đẹp của du lịch xã Tân Phú”, ông Phạm Ngọc Thảo nói.

Tân Phú hội đủ các điều kiện về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên cũng như các yếu tố thuận lợi để phát triển du lịch. Địa phương có thế mạnh là vườn cây trái hấp dẫn, là điểm nằm trong tuyến kết nối du lịch 8 xã ven sông Tiền theo đề án du lịch của huyện Châu Thành. Những năm gần đây, nhất là sau sự kiện Tuần lễ Du lịch - Văn hóa huyện Châu Thành tổ chức đầu năm 2018, du lịch Tân Phú có sự phát triển nhanh về số lượng, thu hút đầu tư, liên kết phát triển với các công ty lữ hành, du lịch trong và ngoài tỉnh. Do thích hợp với thời gian du lịch ngắn ngày, lượng du khách tìm về Tân Phú đông hơn trước, các cơ sở kinh doanh du lịch ở xã cũng mở ra nhiều hơn.

Trước những thế mạnh đó, điều Tân Phú cần làm hiện nay là nâng chất lượng phục vụ du lịch tại các cơ sở kinh doanh du lịch theo hướng chuyên nghiệp hơn; đảm bảo môi trường trong kinh doanh du lịch cũng như mở rộng, đầu tư về cơ sở hạ tầng, đường sá, bến bãi, vận chuyển hành khách… để đáp ứng nhu cầu của du khách về Tân Phú ngày càng nhiều.

(Ông Trần Văn Hoàng – Phó chủ tịch UBND huyện Châu Thành)

Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

  • Nguyễn Thanh Tuấn Cách đây 17 năm

    Bài viết về du lịch Tân Phú khá tốt, nhưng viết sai họ Ông Trần VĂN Hoàng phó chủ tịch UBND huyện Châu Thành.