Tân Lợi Thạnh thực hiện tốt công tác giảm nghèo

15/04/2020 - 07:01

BDK - Tân Lợi Thạnh là một xã thuần nông của huyện Giồng Trôm, đời sống người dân chủ yếu là làm vườn kết hợp với chăn nuôi. Trong thời gian qua, với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự vào cuộc của các đoàn thể, Tân Lợi Thạnh thực hiện rất tốt Đề án phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020.

Anh Trần Văn Tước Em đang chăm sóc đàn dê từ nguồn vốn hỗ trợ của đề án. 

Chí thú làm ăn

“Là một thanh niên chăm chỉ và chí thú làm ăn, rất chịu khó” là những lời nhận xét chân thành của mọi người xung quanh đối với anh Trần Văn Tước Em, sinh năm 1982, Tổ nhân dân tự quản số 6A, Ấp 3 (Giồng Đồng), xã Tân Lợi Thạnh. Năm 2013, anh Tước Em lập gia đình. Hai vợ chồng sống hạnh phúc trong gia đình cùng với người mẹ nay đã 84 tuổi. Anh chị có với nhau được 2 con trai kháo khỉnh 5 tuổi và 4 tuổi. Anh Tước Em tất tả, bươn chải đủ nghề để mưu sinh, lo cho cuộc sống của gia đình nhỏ đủ ăn, đủ mặc. Anh Tước Em là một thợ điện khá giỏi, sửa chữa, kéo dây cho bà con khắp địa bàn trong và ngoài xã. Ngoài ra, anh còn làm công cho Điện lực huyện khi có nhu cầu. Trong gia đình, anh là người rất giỏi tính toán, ngoài làm thợ điện, anh còn trồng dừa kết hợp với chăn nuôi, trồng xen những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao…

Năm 2018, vợ của anh ra đi vĩnh viễn vì cơn bạo bệnh. Thân “gà trống nuôi con” cùng với người mẹ già, hoàn cảnh gia đình anh rơi vào hộ nghèo. Sau khi vợ  anh mất, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Anh dành hết tiền vốn vào chăn nuôi dê với mong ước thoát khỏi cảnh nghèo túng. Hiện nay, đàn dê sinh sản của anh có 12 con. Ngoài ra, anh còn nhận nuôi và phối giống dê cho bà con khắp nơi với giống dê “Bo” khá tốt. “Mình nhận về phối giống, nuôi và đảm bảo có thai rồi mới giao lại cho khách. Nếu khách ở ngoài địa phương thì mỗi con dê nái tôi lấy giá 200 ngàn đồng, ở gần là 150 ngàn đồng/con” - anh Tước Em cho biết.

Dù giá dê thịt hiện nay khá rẻ nhưng theo anh Tước Em, nuôi dê sinh sản dễ quay vòng đồng vốn. Dê là con vật dễ chăm sóc, ăn tạp và sinh sản nhanh. Hy vọng sau khi dịch bệnh Covid-19 đi qua, giá dê thịt sẽ tăng trở lại.

43 hộ thoát nghèo

Phó chủ tịch UBND xã Tân Lợi Thạnh Lê Chí Linh cho biết, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về thoát nghèo bền vững, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, Mặt trận và các đoàn thể chính trị  - xã hội, sự cộng đồng trách nhiệm và sẻ chia của các mạnh thường quân, các tổ chức, cá nhân, trong giai đoạn 2016 - 2020 thực hiện Đề án phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững, địa phương đã giao cho từng đoàn thể theo dõi, hỗ trợ với phương châm “Cùng nghĩ, cùng làm” với người nghèo, phân công các đồng chí theo dõi, hỗ trợ địa bàn các ấp, tổ nhân dân tự quản… nên đã tạo sự chuyển biến rất tích cực và đạt hiệu quả rất cao. 33 hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia đề án với sự lựa chọn, bình xét rất dân chủ từ tổ nhân dân tự quản sau khi được hỗ trợ bằng các nguồn vốn vay ưu đãi, xây dựng các mô hình kinh tế… đã thật sự thoát nghèo bền vững vào cuối năm 2018. Với kết quả đó, huyện đã giao cho địa phương thêm 10 hộ vào đầu năm 2019 và cũng đã thoát nghèo.

Trong những năm gần đây, với phong trào chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, bà con nhân dân trong xã Tân Lợi Thạnh đã mạnh dạn chuyển đổi và tận dụng những vùng đất kém hiệu quả sang trồng cỏ kết hợp nuôi bò, dê sinh sản, nuôi gà lấy trứng, gà thả vườn mang lại hiệu quả cao.

Theo kết quả giảm nghèo cuối năm 2019, xã còn 207 hộ nghèo, tỷ lệ 8,99% (đầu năm 2019 là 277 hộ, tỷ lệ 12,89%); 42 hộ cận nghèo, tỷ lệ 1,82% (đầu năm 2019 là 45 hộ, tỷ lệ 2,09%). Là một địa phương nghèo của huyện Giồng Trôm, số liệu này cho thấy, Tân Lợi Thạnh đã rất nỗ lực và thực hiện tốt Đề án phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020.

Bài, ảnh: Thành Lập

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN