Tân Hào với nghề làm cây thuốc nam

21/06/2010 - 08:03
Phơi thuốc nam. Ảnh: K.T

Xã Tân Hào (Giồng Trôm) là một trong những địa phương có cơ cấu ngành nghề khá đa dạng. Toàn xã có gần 2.000 hộ, với khoảng 8.000 nhân khẩu, trong đó có trên 3.000 người trong độ tuổi lao động. Mặc dù địa phương có truyền thống chuyên về làm vườn, nhưng những năm gần đây xã mở rộng thêm nhiều ngành nghề như: may gia công xuất khẩu, tách vỏ hạt điều, mua bán nhỏ, xuất khẩu lao động, làm cây thuốc nam…

Nghề làm cây thuốc nam có koảng 50 hộ, với trên 100 lao động chuyên đi tìm nguyên liệu cây thuốc nam để sơ chế rồi cung cấp cho các cơ sở khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền trong xã. Riêng Phòng chẩn trị y học cổ truyền của lương y Lê Trường Thịnh (ấp 14 - Tân Hào), mỗi ngày thu nhận của những hộ làm nghề thuốc nam trong xã khoảng từ 2- 3 tấn cây thuốc nam các loại. Tùy theo từng loại thuốc quý hiếm như râu mèo, răng cưa, hà thủ ô… hoặc loại cây thuốc nam dễ tìm và công đoạn chế biến ít phức tạp mà thu mua giá khác nhau.

Hiện nay, phần lớn hộ chuyên nghề làm cây thuốc nam có cuộc sống khá ổn định, bình quân mỗi lao động làm cây thuốc nam, mỗi ngày thu nhập khoảng 100 nghìn đồng. Có người không đất sản xuất, buổi sáng đi bán vé số, buổi chiều đi chặt cây thuốc nam đem về phơi khô cũng kiếm được khoảng 50.000 đồng.

Lương y Lê Trường Thịnh nổi tiếng điều trị được nhiều bệnh bằng y học dân tộc cổ truyền. Việc làm của ông xuất phát từ cái tâm của người làm việc thiện, cứu giúp người nghèo. Tùy theo  điều kiện và hoàn cảnh mỗi lao động mà ông mời gọi tham gia để mỗi người đều có thu nhập nuôi sống gia đình. Ngoài công việc của người thầy thuốc, ông còn đảm đương thêm chức vụ Trưởng ấp 14 (xã Tân Hào). Trong suốt thời gian dài làm trưởng ấp, ông được người dân tín nhiệm, gọi là ông “Năm Trường Thịnh”, người trưởng ấp giàu lòng nhân ái. Ông nói: “Tôi mở phòng chẩn trị điều trị bệnh cho người dân địa phương, khỏi phải đi xa tốn kém…  Một tuần, tôi khám bệnh vào ngày thứ bảy và chủ nhật, các ngày khác trong tuần khám ngoài giờ, những ngày có lịch khám bệnh có trên 100 bệnh nhân trong ngoài huyện đến khám và điều trị bệnh. Mừng hơn hết là phần lớn những hộ chuyên làm cây thuốc nam ở địa phương cuộc sống gia đình họ đều được ổn định”.

Ngọc Châu

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN