|
Y sĩ Bình khám bệnh cho bà con nghèo tại đơn vị đóng quân. |
Thời gian gần đây, tỉnh Quảng Bình liên tục xảy ra nhiều biến cố lớn, đặc biệt là sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; mùa mưa bão đang hoành hành miền đất này… nên các chiến sĩ Biên phòng được tăng cường tại Bến Tre đến từ tỉnh Quảng Bình mang nhiều “tâm trạng”!
“Hơn 7 giờ chiều 4-10-2013, giữa lúc khám bệnh cho một cụ già, tôi vừa tranh thủ nghe tiếp chuyển thời sự Đài Truyền hình Việt Nam để ngóng tin cơn bão số 10 đang đổ vào Quảng Bình và các tỉnh miền Trung. Bỗng nhiên chương trình phát tin đặc biệt về sự ra đi của bác Giáp. Tâm trạng tôi lúc đó thú thật chẳng có giấy mực nào tả nổi: vừa lo lắng về sự tàn phá của cơn bão vừa sững sờ đón nhận tin đau…!” - Đại úy, y sĩ Trần Ngọc Bình, cán bộ y tế Đồn Biên phòng Cửa Đại (Bình Đại), quê ở huyện Lệ Thủy - Quảng Bình, nhớ lại cảm nhận của mình trong buổi chiều ngày Đại tướng qua đời. “Tôi vội vàng điện thoại về quê, nhưng đúng lúc quê nhà đã mất điện do bão nên không liên lạc được, tôi càng bối rối, căng thẳng cao độ, cả đêm ấy không tài nào chợp mắt được, cứ bùi ngùi như mình đang mất đi người thân… Và rồi sáng hôm sau, tôi nhận được điện thoại từ quê nhà rằng: chỉ tốc mái vài tấm tôn, thiệt hại không đáng kể so với phần lớn các cây công nghiệp tan hoang. Mừng vì cơn bão đã qua nhưng nỗi buồn về chuyện bác Giáp vẫn càng thêm lắng đọng, đặc biệt là khi nhìn vào tấm ảnh bác Giáp với nắm tay thể hiện sự tự tin quyết thắng ở trang bìa báo Nhân Dân”- anh Bình chia sẻ.
Chúng tôi hỏi về đại từ “bác Giáp” mà anh Bình đã dùng để chỉ Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhận được câu trả lời: “Rất đơn giản vì trong lòng quân nhân chúng tôi, Đại tướng là vị Tổng Tư lệnh tối cao muôn đời, là Anh Cả của tất cả bộ đội. Hơn nữa, Đại tướng là người cùng quê với tôi, hơn tuổi cha tôi… nên gọi như thế mới toát lên được sự gần gũi và kính trọng của tôi đối với Đại tướng!”.
Được biết trường hợp Đại úy Trần Ngọc Bình là hiếm hoi trong số cán bộ, chiến sĩ tiếp tục công tác tại đơn vị vì lý do yêu cầu nhiệm vụ và anh đã có gia đình riêng tại Bến Tre. Anh đã được đơn vị tạo điều kiện được thắp hương tưởng niệm trong buổi Lễ viếng Đại tướng tại huyện Bình Đại. “Tôi rất vui vì được đơn vị tạo điều kiện và rất cảm động trong giờ phút thiêng liêng đó” - anh Bình nói. Một chi tiết rất cảm động là anh Trần Ngọc Bình còn sưu tầm những di ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên các báo về lọng trong một cuốn album riêng cùng với ảnh Bác Hồ.
“Trong khi đó, ở hầu hết các đơn vị Biên phòng tỉnh Bến Tre, những đồng chí được tăng cường đến từ Quảng Bình đều được đơn vị giải quyết phép đột xuất về quê hỗ trợ gia đình phòng, chống bão và được vinh dự trực tiếp thắp hương, đưa tiễn Đại tướng về nơi an nghỉ cuối cùng” - Phó trưởng đồn Mai Văn Thoại cho biết. Trên đường vào Nam, trở lại đơn vị trên xe tốc hành, trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, Đại úy Phạm Anh Đức phấn khởi: “Thay vì ở đơn vị mà tâm tư hướng về Quảng Bình chờ bác Giáp về; lo lắng và theo dõi dự báo thời tiết, cũng như liên tục gọi điện thoại để động viên, nhắc nhở người thân không được chủ quan trong phòng chống bão, tôi đã được đơn vị cho về phép và làm hết thảy những việc cần mình làm”.
Một tâm sự cảm động của Đại úy Trần Ngọc Bình khi nhận xét về quê hương Đồng Khởi: “Khi mới nhận công tác (tháng 2-2000), tôi rất bỡ ngỡ về điều kiện nơi vùng đất mới: Bến Tre 2 mùa mưa nắng, thời tiết không thay đổi đột ngột; còn ở Quảng Bình nắng cháy da người, rét đậm rét hại, cắt da cắt thịt. Buổi đầu, chi hội gặp nhiều khó khăn về phong tục, nhưng dần, nhờ chịu khó học hỏi tôi đã hòa nhập rất tốt và yêu mến quê hương xứ Dừa. Cụ thể, tôi đã trở thành người con chính thức của Bến Tre sau khi lấy vợ tại đây, vào năm 2003.” Trong lúc câu chuyện đang đến hồi kết, anh Bình như đùa để phá tan không gian lặng lẽ của cuộc chia tay với chúng tôi: “Đi mô cũng nhớ về Quảng Bình chứ mi, là xứ sở, không về rứa coi sao được, hỉ…”.