Tạm giữ nhiều phương tiện khai thác cát sông trái phép

11/05/2020 - 06:34

BDK - Trong 5 tháng đầu năm 2020 (từ ngày 15-11-2019 đến 12-4-2020), Phòng Cảnh sát môi trường (CSMT) Công an tỉnh đã bắt quả tang 26 vụ khai thác cát trái phép (KTCTP) với 62 đối tượng. Phòng CSMT tỉnh đã chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra củng cố, xử lý hình sự 6 đối tượng; xử phạt cảnh cáo 1 đối tượng; phạt tiền 45 đối tượng 587,5 triệu đồng; đang củng cố hồ sơ xử lý 10 đối tượng.

Các phương tiện khai thác cát trái phép bị bắt giữ. Ảnh: H. Đức

Phòng CSMT hiện đang tạm giữ 29 phương tiện KTCTP, tại bãi tạm giữ ở bến phà Hàm Luông cũ (phía Mỏ Cày). Trong đó, có 16 phương tiện sắt và 13 phương tiện gỗ, với tải trọng nhỏ nhất khoảng 17m3, lớn nhất khoảng 500m3. Trong số này có 14 phương tiện được Cục Cảnh sát Giao thông, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) bàn giao cho Công an tỉnh xử lý.

Trung tá Nguyễn Văn Tài - Đội trưởng Đội 2 Phòng CSMT cho biết: “Trong số 29 phương tiện bị tạm giữ tại bãi, phương tiện bị tạm giữ lâu nhất có thời gian hơn 1 năm 6 tháng. Đa số đều thuộc trường hợp tái phạm. Quá trình giải quyết, CSMT tỉnh đã xử lý nghiêm theo quy định pháp luật”.

* “Tịch thu phương tiện vi phạm KTCTP, dù tại thời điểm phát hiện vi phạm khối lượng khai thác dưới 10m3” là một trong những nội dung chính được quy định tại Điều 48, Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24-3-2020 của Chính phủ, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10-5-2020, thay thế Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 3-4-2017 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.

Theo quy định tại Điều 48 Nghị định 36/2020/NĐ-CP, đối với vi phạm về khai thác cát, sỏi lòng sông, suối, hồ mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì bị xử phạt như sau:

1. Phạt tiền đối với hành vi khai thác cát, sỏi trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; hành lang bảo vệ luồng; phạm vi luồng hoặc trong phạm vi bảo vệ công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cụ thể như sau:

- Phạt từ 20 - 30 triệu đồng khi tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện vi phạm dưới 10m3.

- Mức phạt sẽ tăng lên tùy thuộc vào khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện: từ 30 - 50 triệu đồng nếu vi phạm từ 10m3 đến dưới 20m3...

- Phạt từ 150 - 200 triệu đồng khi tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện vi phạm từ 50m3 trở lên.

2. Phạt tiền đối với hành vi khai thác cát, sỏi ngoài phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; hành lang bảo vệ luồng; phạm vi luồng hoặc ngoài phạm vi bảo vệ công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cụ thể như sau:

- Phạt từ 10 - 20 triệu đồng khi tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện vi phạm dưới 10m3.

- Mức phạt sẽ tăng lên tùy thuộc vào khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện: từ 20 - 30 triệu đồng, nếu vi phạm từ 10m3 đến dưới 20m3.

- Phạt tiền từ 100 - 150 triệu đồng khi tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện vi phạm từ 50m3 trở lên.

Ngoài ra, còn quy định hình phạt bổ sung là người vi phạm bị tịch thu toàn bộ khoáng sản được quy đổi bằng tiền; tịch thu phương tiện sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính đối với các hành vi được nêu trên. Đồng thời, người vi phạm còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả như: cải tạo, phục hồi môi trường; thực hiện các giải pháp đưa các khu vực đã khai thác về trạng thái an toàn; đền bù, trả kinh phí khắc phục, sửa chữa những hư hỏng của công trình đê điều, công trình hạ tầng kỹ thuật khác, công trình dân dụng do hành vi vi phạm gây ra...

Đ.Chính

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN