Tai nạn lao động, hệ lụy đau lòng

03/03/2010 - 08:42

Vào một con hẻm nhỏ và phải rẽ qua nhiều đoạn quanh co mới tìm được số nhà 175/3 khu phố 3, phường 4 (thành phố Bến Tre). Căn nhà có diện tích chừng 18 m2 đang trong giai đoạn xuống cấp, một góc nhà được bố trí kệ đựng nước mắm, bột ngọt, dầu ăn… để bán cho những người trong xóm. Và, một phụ nữ ngoài 50 tuổi, mất một phần cánh tay phải ngồi cạnh, như mong mỏi có người đến mua hàng. 

Chủ ngôi nhà ấy là bà Nguyễn Thị Thành, một người phụ nữ kém phần may mắn. Thiếu thời, bà quen và sau đó kết hôn với một chàng trai quê tận Cà Mau đến huyện Thạnh Phú lập nghiệp. Gia đình nghèo, cả vợ lẫn chồng phải gồng gánh nhau trong công việc để có đủ miếng cơm manh áo. Hạnh phúc đến với bà Thành cũng ngắn ngủi. Đứa con gái chào đời đúng 9 ngày thì chồng bà mất bởi một căn bệnh. Bằng nghị lực của một người mẹ, bà tự nhủ phải vượt qua nỗi buồn, sự mất mát, đau thương, sống và để nuôi con.
Một năm rưỡi sau, bà Thành cùng con gái lên Thị xã sống với người mẹ ruột (tại căn nhà này). Năm 1984, bà Thành xin vào làm cấp dưỡng ở Xí nghiệp 25 tháng 8 để có khoản thu nhập chia sẻ gánh nặng cùng mẹ già. Đứa con gái được đến trường và cháu học rất giỏi. Đến năm 1990, mẹ bà Thành qua đời, căn nhà đã có phần trống vắng nhưng bà vẫn kiên quyết không bước thêm bước nữa. Công việc cấp dưỡng ở xí nghiệp không còn, bà Thành chuyển sang làm công nhân trực tiếp sản xuất. Bà luôn cố gắng lao động thật giỏi để công việc được ổn định và có thu nhập nuôi con. Hàng năm, xí nghiệp bình xét danh hiệu thi đua, bà đều đạt Lao động tiên tiến rồi Chiến sĩ thi đua cơ sở. Ngày qua ngày, bà ngồi trước cái máy dập, tay phải bóc từng vỏ dừa đưa vào máy và tay trái điều chỉnh máy. Nhưng một ngày của năm 1996, chỉ xơ dừa trong vỏ dừa dính vào ngón tay phải đã kéo thẳng tay bà vào máy dập. Bà được đưa vào bệnh viện nhưng một phần của cánh tay phải bị cắt bỏ (gần đến khuỷu tay), tỷ lệ thương tật 58%.
Sau một tháng nằm viện điều trị, trở về, cũng là lúc căn nhà của bà xiêu vẹo sắp sập. Tiền bảo hiểm các khoản và công đoàn của đơn vị hỗ trợ được 9,5 triệu đồng bà đã phải đầu tư dựng lại căn nhà. Bà Thành nói: “Số tiền ấy vẫn không đủ mua vật tư, xí nghiệp hỗ trợ thêm gỗ bạch đàn làm kèo để lợp tol và làm cái gác. Tôi còn phải chạy vay bên ngoài một khoản, mỗi tháng trả từ 50.000 đến 100.000 đồng. Thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn, có người không lấy lãi. Nhà có mẹ và con nhưng không người lao động chính, chi tiêu phụ thuộc vào tiền bảo hiểm, với mức 96.000 đồng/tháng. Việc học của đứa con đến lớp 9 phải dừng lại, cháu phụ bán quán ăn, kiếm chút tiền trang trải cho cuộc sống gia đình”.
Hiện tại, mỗi tháng bà Thành nhận tiền bảo hiểm được 520 ngàn đồng cộng với tiền lời bà buôn bán…vài chục ngàn đồng mỗi tháng, không đủ trang trải các khoản chi tiêu thiết yếu. Cái Tết mới đây, bà phải về quê ở Thạnh Phú xin người thân vài ký gạo để ăn Tết. Bà nói: “Tôi nhiều lần đến phường xin xác nhận hộ nghèo để được hưởng chế độ theo quy định, nhưng mấy chú bảo tôi không thuộc diện nghèo”. Nhìn quanh căn nhà, bà trăn trở: cây lâu ngày đã bị mối ăn hết, tol thì lủng lỗ, mưa sẽ dột khắp nơi. Cái gác đã hư không dám lên nằm…
Rủi ro trong lao động đã làm cho bà Thành gần như bế tắc. Tai nạn lao động là ngoài ý muốn, nỗi buồn sẽ không nguôi… Xin nêu hoàn cảnh của bà Thành để thấy ít nhiều hệ lụy của tai nạn lao động.

Trần Quốc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN