Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025

11/09/2020 - 07:20

BDK - Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo Quyết định số 899/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Đề án số 6227 về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Bến Tre giai đoạn 2013 - 2015 và hướng đến năm 2020.

Diện tích cây ăn trái tăng và phát triển theo hướng chuyên canh. Ảnh: N.Dừa

Cơ cấu sản xuất nông nghiệp

Để tập trung toàn hệ thống chính trị tham gia thực hiện đề án, giai đoạn 2013 - 2015, tỉnh đã ban hành 2 văn bản quan trọng liên quan đến việc thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp là: Nghị quyết số 03, ngày 5-8-2016 của Tỉnh ủy về xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025; Kết luận số 359 ngày 8-11-2018 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp, nông dân, xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng đến năm 2025.

Đến nay, toàn tỉnh có 109 tổ hợp tác, 48 hợp tác xã tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Các ngành chức năng đang tập trung nâng cao giá trị sản phẩm qua hỗ trợ sản xuất, cấp chứng nhận áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm chủ lực. Hiện có trên 9 ngàn ha cây ăn trái, dừa và tôm biển được công nhận GAP và hữu cơ; đã cấp 11 mã vùng trồng cây nhãn, chôm chôm và 31 mã cơ sở đóng gói…

Diện tích lúa, mía giảm dần để chuyển sang trồng dừa và các loại cây trồng khác có hiệu quả hơn như cây ăn trái, rau màu... Trên cây lúa, tổng diện tích gieo trồng năm 2020 ước đạt 31 ngàn ha, sản lượng 135 ngàn tấn. So với năm 2017 diện tích lúa giảm 24 ngàn ha, sản lượng giảm 91 ngàn tấn. Diện tích, sản lượng lúa giảm do chuyển đất lúa sang cây trồng khác và nuôi thủy sản. Đồng thời, thực hiện chủ trương xuống giống 2 vụ/năm (một số nơi không xuống giống vụ Đông Xuân để tránh bị thiệt hại do hạn mặn). Trong thời gian qua, diện tích lúa giảm phù hợp với chủ trương và định hướng của tỉnh.

Diện tích cây ăn trái tăng và phát triển theo hướng chuyên canh, trồng các loại cây đặc sản có giá trị cao (nhãn, chôm chôm, sầu riêng, bưởi da xanh...). Sản xuất theo hướng an toàn sinh học, tiêu chuẩn GAP, phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, kết hợp phát triển du lịch. Tổng diện tích cây ăn trái toàn tỉnh năm 2020 ước đạt 28 ngàn ha, sản lượng 310 ngàn tấn. So với năm 2017, diện tích cây ăn trái giảm 283ha, sản lượng giảm 655 tấn. Sản lượng trái cây giảm chủ yếu do quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng diện tích cho thu hoạch còn thấp và ảnh hưởng của hạn mặn mùa khô năm 2019-2020.

Nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh trên cả 3 vùng sinh thái. Nuôi tôm chân trắng thâm canh, bán thâm canh có hiệu quả nên được nông dân đầu tư nuôi 2 vụ/ năm. Trong những năm gần đây, hình thức nuôi tôm chân trắng hai giai đoạn phát triển tốt. Hình thức nuôi này bước đầu kiểm soát tốt môi trường nuôi, hạn chế dịch bệnh xảy ra, mang lại hiệu quả cao cho người dân. Năm 2020, diện tích nuôi trồng thủy sản ước đạt 47 ngàn ha, sản lượng 300 ngàn tấn, tăng 1,7 ngàn ha, sản lượng tăng 40 ngàn tấn so với năm 2017.

Sản xuất tập trung, nâng chuỗi giá trị

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức cho rằng, tỉnh xác định việc tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp là một trong các nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2025, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Thực hiện cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, chuyên canh, quy mô lớn theo chuỗi giá trị và đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để tạo ra nền nông nghiệp hàng hóa có chất lượng tốt và sức cạnh tranh cao.

Chợ Lách chuyển đổi cây giống, hoa kiểng có giá trị kinh tế cao. Ảnh: Mỹ An

Các giải pháp trọng tâm là tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, xác định phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn chính là xây dựng NTM, nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nói chung và nông dân nói riêng. “Vận động, phát huy vai trò chủ thể thật sự của người dân trong xây dựng NTM; cũng như vị trí đầu tàu của doanh nghiệp về cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra trong xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị nông sản. Tăng cường giáo dục, nâng cao ý thức về xây dựng NTM; từng bước nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của liên kết hợp tác trong hội nhập kinh tế sản xuất quy mô lớn. Đặc biệt, quan tâm lấy mô hình liên kết, hợp tác có hiệu quả để tuyên truyền, vận động”, ông Huỳnh Quang Đức nhấn mạnh.

Bên cạnh đó là đồng bộ giải pháp tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Cải tạo, phát triển các giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu và hạn mặn, phục vụ tái cơ cấu và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo từng vùng sinh thái. Từng bước thay đổi phương thức sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ và áp dụng có hiệu quả các biện pháp bảo quản sau thu hoạch.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu nông sản. Phấn đấu đến năm 2025, tất cả 8 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh và các sản phẩm đặc thù của địa phương khi đưa ra thị trường phải được truy xuất nguồn gốc hoặc chứng nhận chỉ dẫn địa lý...

Mục tiêu đến năm 2025, GRDP khu vực nông, lâm, thủy sản tăng bình quân 4,4%/năm. Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản bình quân 4,75%/năm. Khu vực I, cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 47,33%, lâm nghiệp đạt 0,19%, thủy sản đạt 52,49%.

Giá trị sản phẩm trên 1ha diện tích trồng trọt đạt 180 triệu đồng, thủy sản đạt 450 triệu đồng/ha. Thu nhập bình quân của dân cư nông thôn tăng bình quân ≥ 5%/năm (đến năm 2025 đạt khoảng 85 triệu đồng/năm).

Giai đoạn 2021 - 2025, có khoảng 50 xã mới được công nhận đạt tiêu chí NTM. Các xã còn lại cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí xã NTM. Ngoài Chợ Lách và TP. Bến Tre, sẽ có 4 huyện/thành phố đạt huyện NTM.

Mỹ An

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN