Trưng bày các tác phẩm văn học - nghệ thuật tại Ngày thơ. Ảnh: A. Nguyệt
Nhiều tác phẩm đã được đông đảo công chúng biết đến, đón nhận. Bên cạnh đó, cũng có không ít tác phẩm “chẳng ai biết” hay chỉ nghe tên thoáng qua rồi thôi. Vì thế, việc quảng bá tác phẩm VH-NT nói chung, thơ văn nói riêng luôn là vấn đề mà giới VH-NT tỉnh nhà trăn trở.
Tác phẩm phải có chất lượng
Có người ví von, sáng tác thơ văn cũng giống như một “quán ăn”. Việc đầu tiên vô cùng quan trọng là người thợ nấu phải nấu ăn ngon, mang hương vị đặc sắc riêng của quán. Sau đó, mới kết hợp công tác quảng bá thương hiệu để nhiều người biết đến.
Tương tự, một tác phẩm thơ văn hay, có chất lượng, giá trị, ý nghĩa định hướng thẩm mỹ, chân lý sống tốt đẹp, xây dựng con người hoàn thiện thì chắc chắn sẽ có chỗ đứng trong lòng đọc giả khi họ được tiếp cận tác phẩm ấy.
Theo anh Nguyễn Bạch Sơn - Phân hội trưởng Văn học Hội VHNT Nguyễn Đình Chiểu, tác phẩm thơ văn bây giờ không phải dễ tìm người đọc. Đối với nhà xuất bản, khi họ dùng kinh phí để in một tác phẩm nào đó thì đã có sự chọn lựa chất lượng, có thể thu hút đọc giả mới xuất bản, trong đó có các tác phẩm đã đoạt giải ở các cuộc thi cấp khu vực. Số lượng tác phẩm như thế này thì không nhiều. Còn phần lớn, tác phẩm của các tác giả thì xuất bản theo dạng “tự thân vận động”, nghĩa là tự dùng kinh phí cá nhân để in xuất bản và quảng bá, giới thiệu tác phẩm. Đối với một số tác giả có thâm niên, có uy tín trong giới VH-NT và ở địa phương, Hội VH-NT Nguyễn Đình Chiểu cũng đã có những hỗ trợ nhất định trong xuất bản tác phẩm.
Nhà thơ Kim Ba - Chủ tịch Hội VH-NT Nguyễn Đình Chiểu cho biết, trong năm 2018, Hội đã in và phát hành Tạp chí Văn nghệ Hàm Luông 11 số, với 5,8 ngàn quyển, giới thiệu nhiều tác phẩm VH-NT của các tác giả trong tỉnh. Ngoài ra, Hội còn phối hợp với các tác giả và các đơn vị liên quan in và phát hành 9 đầu sách. Cụ thể: tập sưu khảo “Làng Thừa Đức xưa” của tác giả Huy Khanh (Nguyễn Văn Châu), tập thơ “Mưa tháng Chạp” của Kim Chi, tập truyện “Đồi Nhất Phương” của tác giả Phạm Thị Ngọc Điệp, tập truyện “Màu tóc” của Tâm Văn, tập truyện và ký “Ngày không nắng” của Ngô Nguyên Ngã, tập truyện và ký “Kỳ hận Cầu Hòa” của Mai Lâm Sanh, tuyển tập ca khúc 2018 của nhiều tác giả, tuyển tập kịch ngắn “Nỗi đau thế kỷ” của Tấn Phát - Kiều Tôn và tập kịch bản sân khấu cải lương “Đoạn cuối tình yêu” của Lư Phóng.
Đa dạng các hình thức quảng bá, giới thiệu tác phẩm
Hiện nay, ngoài một số tác phẩm thơ văn được chọn lọc giới thiệu trên Tạp chí Văn nghệ Hàm Luông, Báo Đồng Khởi thì hoạt động trưng bày các tác phẩm tại các sự kiện văn hóa trong tỉnh, đặc biệt là Ngày thơ Việt Nam là những hình thức được lựa chọn để tăng cường quảng bá, giới thiệu các tác phẩm VH-NT.
Trong hoạt động Ngày thơ Việt Nam tại Bến Tre năm nay, ngoài việc trưng bày các tác phẩm VH-NT thì trong các phần quà trao giải cho hoạt động thi thơ có tặng kèm các tác phẩm VH-NT mang ý nghĩa tinh thần cho các tác giả đoạt giải, đồng thời cũng là giới thiệu các tác phẩm VH-NT.
Hiện có một số tác giả sử dụng mạng xã hội để giới thiệu tác phẩm sáng tác. Tuy nhiên, theo một số ý kiến của các hội viên Hội VH-NT, việc này chỉ mang tính “sáng tác cho vui” vì tác phẩm chưa có sự thẩm định về nội dung, chất lượng của cơ quan chuyên môn. Cũng có một số tác phẩm có nội dung và chất lượng tốt nhưng chưa được xem là tác phẩm VH-NT “chính thống” vì chưa có sự kiểm định. Do đó, nếu để “đọc cho vui” thì không nói gì, nhưng nếu để xem là nguồn tư liệu như một tác phẩm VH-NT thì người đọc cần có sự cân nhắc kỹ.
Có những bài thơ “bất hủ” mà người viết đã đi xa nhưng lời thơ vẫn được các thế hệ tiếp tục, đón nhận, truyền tay nhau. Như bài thơ Nguyên tiêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, bài Dáng đứng Việt Nam của nhà thơ liệt sĩ Lê Anh Xuân… Đó chính là “hồn thơ, ý thơ” không chỉ mang ý nghĩa sâu sắc mà còn chạm được đến trái tim người đọc. Chính cái hay của tác phẩm làm cho người đọc tự nguyện làm “kênh thông tin” kết nối chuyền tay, quảng bá tác phẩm ấy đến những người đọc khác.
Hơn ai cả, những người yêu thích, sáng tác thơ văn hiểu rằng, các tác phẩm, các hình tượng VH-NT khi đã thấm sâu vào tâm hồn, tình cảm của con người sẽ tạo nên sức mạnh tinh thần rất lớn. Các tác phẩm có sức sống đều được tạo ra từ hơi thở của cuộc sống và vì ý nghĩa cao đẹp xây dựng con người, xây dựng quê hương.
Ánh Nguyệt