Tác hại của khói thuốc lá đối với người xung quanh
29/10/2024 - 20:10
BDK - Trên thế giới, mỗi năm hơn 8 triệu người chết vì sử dụng thuốc lá, trong đó có 1,2 triệu ca tử vong do hút thuốc thụ động. 64% số tử vong do hút thuốc thụ động là nữ. Tại Việt Nam có chưa đến 2% phụ nữ hút thuốc nhưng thuốc lá là nguyên nhân gây ra gần 10% ca tử vong ở phụ nữ trưởng thành.
Hút thuốc thụ động là hít phải khói thuốc từ đầu điếu thuốc đang cháy hoặc khói thuốc do người hút thuốc phả ra. Khói thuốc thụ động chứa hàng ngàn hóa chất, trong đó ít nhất có 250 chất gây ung thư hay chất độc hại. Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới, khói tỏa ra từ đầu điếu thuốc đang cháy chứa chất độc nhiều gấp 21 lần so với khói thuốc thở ra.
Theo đó, lượng khói thuốc người hút thuốc thải ra không khí xung quanh cao gấp 5 lần lượng khói hít vào. Người không hút thuốc nhưng làm việc thường xuyên trong môi trường có khói thuốc có thể hít vào lượng khói thuốc tương đương với hút 5 điếu thuốc một ngày. Trẻ em chỉ cần một giờ trong phòng có người hút thuốc có thể hấp thụ số hóa chất độc hại tương đương với người hút 10 điếu thuốc một ngày. Khói thuốc gây ảnh hưởng trong phạm vi 7 - 10m.
Thuốc lá gây ra nhiều bệnh như ung thư, tim mạch, bệnh hô hấp và ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản của phụ nữ. Khói thuốc lá cũng là nguyên nhân chính gây bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam và nhiều nước.
Khói thuốc lá tác động tiêu cực vào các cơ quan sinh sản, làm tăng nguy cơ ung thư vú và đẻ non ở phụ nữ. Với phụ nữ mang thai, hít phải khói thuốc có thể gây biến đổi sự phát triển của bào thai, dễ sảy thai, đẻ non hoặc sinh con nhẹ cân.
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường xuyên hít phải khói thuốc sẽ làm tăng tỷ lệ mắc viêm phế quản, viêm phổi và viêm tai giữa; tăng các triệu chứng hô hấp mạn tính như hen; giảm sự phát triển chức năng phổi; tăng nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh.
Thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Các chất độc hại có trong khói thuốc lá khiến đường thở dễ bị tổn thương nên người hút thuốc dễ nhiễm virus, vi khuẩn, dễ mắc lao phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi. Ngoài ra, thuốc lá tăng nguy cơ loét dạ dày, hành tá tràng. Với người trung niên, thuốc lá cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng thoái hóa các khớp nghiêm trọng và loãng xương sớm. Thuốc lá gây nên nhiều loại ung thư ở phổi, thận, bàng quang, hậu môn trực tràng, cơ quan sinh dục...