Dịch Covid-19 ảnh hưởng hoạt động sản xuất của một số doanh nghiệp.
Đồng lương thu hẹp
Đầu tháng 4-2020, khi được nhận lương tháng 3-2020, anh P.T.N, ngụ TP. Bến Tre về nhà và công bố quy định tiết kiệm cho cả gia đình 4 người, gồm: vợ chồng anh và hai con. Gia đình anh N. bắt đầu bước vào những ngày “thắt lưng, buộc bụng” để ứng phó với tình hình thu nhập tháng sau chỉ còn hơn 50% lương do công ty anh N. ngưng hoạt động trong 15 ngày để cách ly xã hội. Gia đình anh N. lập danh sách chỉ mua những thứ thiết yếu, sử dụng tiết kiệm tối đa điện, nước.
Nhiều người dân cũng bàn tính việc trả lại mặt bằng, thu vén vốn, đợi qua dịch tiếp tục buôn bán lại.
Thông tin từ Sở LĐTB&XH, tính đến ngày 7-4-2020, toàn tỉnh có 61 DN và 2 cơ sở sản xuất, kinh doanh (chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực chế biến thủy sản, chế biến các sản phẩm từ dừa, du lịch, may mặc, giày da, giáo dục, xây dựng) có biến động về lao động, việc làm do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong đó, số lao động bị ảnh hưởng 2.593 người (lao động bị ngừng việc 2.457 người, chấm dứt hợp đồng lao động và tự nghỉ việc 82 người, khác 54 người). Để hỗ trợ cho người lao động (NLĐ), các DN chủ động thương lượng với NLĐ trả lương ngừng việc theo quy định, đảm bảo không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Bên cạnh đó, Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 của Chính phủ ban hành quy định về việc hỗ trợ cho đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, gặp khó khăn, không đảm bảo mức sống tối thiểu, chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19; hỗ trợ thêm cho một số nhóm đối tượng đang hưởng chính sách ưu đãi, bảo trợ xã hội trong thời gian có dịch. Theo đó, gói hỗ trợ hơn 62 ngàn tỷ đồng, có khoảng 20 triệu đối tượng trong cả nước thuộc 7 nhóm đối tượng thụ hưởng, trong đó có NLĐ theo chế độ hợp đồng phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không hưởng lương; NLĐ bị chấm dứt hợp đồng không đủ điều kiện hưởng BHTN, NLĐ tự do, không có giao kết hợp đồng; người sử dụng lao động khó khăn về tài chính được vay 50% tiền lương tối thiểu vùng để trả lương cho NLĐ; hộ kinh doanh cá thể thu nhập dưới 100 triệu đồng bị ngừng kinh doanh theo Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Khảo sát lao động
Hiện Sở LĐTB&XH đã có văn bản gửi các phòng LĐTB&XH các huyện, thành phố về việc đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến đời sống của các đối tượng xã hội. Sở cũng sẽ tổ chức khảo sát tình hình lao động, việc làm sau khi kết thúc thời gian cách ly.
Người lao động tuân thủ khoảng cách khi đến nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp.
Thống kê sơ bộ của Trung tâm Dịch vụ việc làm Bến Tre, đến ngày 10-4-2020, toàn tỉnh có 1.526 lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, không có trường hợp nào bị nghỉ việc do DN đóng cửa vì dịch bệnh. Do tình hình dịch bệnh, số người đến trung tâm nộp hồ sơ trực tiếp khá thưa thớt, giảm khoảng 50% số lao động đến nộp hồ sơ so với ngày thường. Hiện trung tâm đã áp dụng nhận hồ sơ qua đường bưu điện và email.
“Chúng tôi đang lo đến ngày 16-4-2020, qua đợt cách ly xã hội thì số lượng lao động ồ ạt đến nộp hồ sơ nhận BHTN, do NLĐ lo ngại nộp hồ sơ qua đường bưu điện có thể bị lạc mất sổ bảo hiểm. Bên cạnh đó, nhiều lao động đã hoàn tất hồ sơ nhưng chưa hết hạn nộp, chờ qua đợt cách ly. Hiện tại, NLĐ tại tỉnh có thể chọn hình thức nhận tiền BHTN qua bưu điện hoặc qua thẻ ATM của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt”, bà Nguyễn Thị Thủy - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Bến Tre chia sẻ.
Được biết, thời gian đăng ký BHTN là 3 tháng kể từ ngày nghỉ việc. Đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm Bến Tre khuyến cáo NLĐ chưa tới ngày hết hạn nộp hồ sơ thì giãn thời gian ra để tránh quá tải vào ngày làm việc sau khi hết cách ly.
Theo Sở LĐTB&XH, dự kiến trong tháng 4-2020, số NLĐ đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ tăng so với cùng kỳ tháng 4-2019. Số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp ước đến tháng 4-2020 là 1.679 người, tăng 2,25% so với cùng kỳ tháng 4-2019. |
Bài, ảnh: Thạch Thảo