Điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại Tehran, Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN
Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 12-6 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 175.994.713 ca, trong đó có 3.799.293 người tử vong. Số ca mắc bệnh và tử vong trong ngày tiếp tục đà giảm trên phạm vi toàn cầu, trong khi châu Á và Mỹ Latinh hiện là những vùng dịch “nóng nhất”.
Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 159.881.938 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 12.313.482 ca và 84.459 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.
Ngày 11-6, thế giới có 107 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 93 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng nhẹ.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Yogyakarta, Indonesia,ngày 8-6-2021. Ảnh: THX/TTXVN
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia như Mỹ, Ấn Độ và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước. Các làn sóng dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới và phát hiện các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2.
Hàng loạt nước đã đẩy nhanh chương trình vaccine. Trong vòng 1 ngày qua, Ấn Độ và Brazil là hai quốc gia có số mắc mới và số ca tử vong nhiều nhất thế giới. Đặc biệt, số ca tử vong lại tăng vọt trở lại ở Ấn Độ.
Mỹ hiện vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19, với 34. 287.813 ca mắc và 614.402 ca tử vong. Đáng chú ý, công ty du lịch Royal Caribbean của Mỹ vừa thông báo hai hành khách trên tàu du lịch Celebrity Millennium có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Người dân đăng ký tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Toronto, Canada, ngày 26-5-2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Đây là một trong những tàu du lịch đầu tiên khởi hành từ Bắc Mỹ kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Thông báo của Royal Caribbean nêu rõ tất cả hành khách và thủy thủ đoàn trên tàu Celebrity Millennium đã tiêm vaccine ngừa COVID-19. Các hành khách nói trên ở chung một phòng trên tàu Celebrity Millennium và có kết quả dương tính trong xét nghiệm bắt buộc trước khi kết thúc tour du lịch.
Hai trường hợp này không xuất hiện triệu chứng bệnh và hiện đang được cách ly. Công ty Royal Caribbean đang tiến hành truy vết tiếp xúc và theo dõi chặt chẽ tình hình. Tàu Celebrity Millennium chở khoảng 600 hành khách và 650 thành viên thủy thủ đoàn, xuất phát từ đảo St. Maarten cuối tuần trước trong hành trình kéo dài 7 ngày, trong đó có các chặng dừng chân ở Barbados, Aruba và Curacao.
Ngày 11-6, tờ The New York Times đưa tin giới chức y tế Mỹ buộc phải vứt bỏ khoảng 60 triệu liều vaccine loại một mũi tiêm duy nhất của Johnson & Johnson (J&J) do sự cố nhiễm bẩn tại nhà mày sản xuất ra chúng ở Baltimore.
Vaccine phòng COVID-19 của Pfizer-BioNTech. Ảnh: AFP/ TTXVN
Theo báo trên, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ cho biết ngoài ra, còn có 10 triệu liều vaccine khác của nhà máy này sẽ được phân phối, nhưng cơ quan trên không thể đảm bảo rằng chúng được sản xuất theo đúng quy trình an toàn. FDA hiện vẫn chưa quyết định có mở cửa trở lại nhà máy hiện do công ty Emergent BioSolutions vận hành này hay không.
Việc phải vứt bỏ 60 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 vào thời điểm này là bước lùi mới nhất đối với Emergent BioSolutions, vốn đã được giám sát chặt chẽ trong nhiều tháng sau khi xảy ra sự cố nhiễm bẩn chéo trong một thành phần của vaccine AstraZeneca với một thành phần của vaccine J&J. Những sự chậm trễ sau đó khiến hàng triệu liều vaccine J&J tại đây đã không thể được chuyển tới các cơ sở tiêm chủng.
Quốc gia có số ca nhiễm nhiều thứ hai thế giới là Ấn Độ cũng ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày ở mức dưới 100.000 trong ngày thứ 4 liên tiếp. Đây là tín hiệu đáng mừng sau khi số ca nhiễm mới theo ngày ở nước này liên tục ở mức trên 400.000 ca hồi tháng 4 và 5 vừa qua. Với 84.695 ca mắc mới và 4.000 ca tử vong, hiện quốc gia Nam Á này ghi nhận tổng cộng 29.358.033 ca mắc COVID-19, trong đó có 367.097 trường hợp không qua khỏi.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Nagaon, bang Assam, Ấn Độ, ngày 7-6-2021. Ảnh: THX/TTXVN
Tình hình dịch bệnh hiện đang diễn biến phức tạp tại một số nước. Cụ thể, Nga thông báo ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất kể từ tháng 2 vừa qua, với 12.505 ca nhiễm mới, đưa tổng số ca nhiễm tại nước này lên 5.180.454. Giới chức nước này nhận định thủ đô Moskva có thể ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất trong tháng 6 hoặc tháng 7.
Tuy nhiên, theo Thị trưởng Sergei Sobyanin, hiện khoảng 50% dân số Moskva đã có kháng thể trong người và hoàn toàn miễn dịch. Nhà chức trách cho rằng dịch bệnh có thể đạt đỉnh vào tháng 4 và tháng 5 tới như trong năm 2020, song thực tế, nó diễn ra vào tháng 6 và 7. Thị trưởng Moskva nêu rõ chính quyền thành phố này sẽ không tăng cường các hạn chế hiện nay.
Cùng ngày, Chính phủ Romania đã quyế́t định gia hạn tình trạng khẩ̉n cấp thêm một tháng nữa, bắt đầu từ ngày 12-6 tới, nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, một số hạn chế sẽ được nới lỏng trong giai đoạn này, theo đó số người được phép tham dự các sự kiện riêng tăng lên 200 người với điều kiện tất cả đều đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19, xét nghiệm âm tính hoặc đã khỏi bệnh sau khi mắc COVID-19 trước đó.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại thành phố Kiryat Shemona, Israel ngày 6-6-2021. Ảnh: THX/TTXVN
Trong bối cảnh hơn 25% người trưởng thành đã tiêm chủng đầy đủ và hơn 1 triệu người đã nhận được "Chứng nhận kỹ thuật số về COVID-19" - công cụ được đề xuất với mục tiêu tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân, Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí giảm bớt các hạn chế đi lại trong mùa Hè này, cho phép du khách tiêm chủng đầy đủ không phải xét nghiệm hoặc cách ly và mở rộng danh sách các khu vực trong EU được đánh giá là an toàn.
Đại sứ của 27 nước thành viên EU thông qua đề nghị sửa đổi từ Ủy ban châu Âu rằng những người tiêm chủng đầy đủ qua 14 ngày có thể tự do đi lại từ một nước này đến một nước khác trong EU. Hạn chế đối với những người đi lại khác cần phải dựa trên mức độ kiểm soát dịch bệnh tại quốc gia mà người đó xuất phát.
Đức cũng thông báo sẽ đưa một số nước và vùng lãnh thổ, trong đó có Mỹ, Canada, Thụy Sĩ, Áo và một số khu vực ở Hy Lạp khỏi danh sách các khu vực có nguy cơ về đi lại, từ ngày 13-6 tới.
Nhân viên phun khử trùng một tàu điện ngầm ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 ngày 7-6-2021. Ảnh: THX/TTXVN
Mặc dù số ca nhiễm và tử vong mới trong dịch COVID-19 đang giảm trên toàn châu lục nhưng người đứng đầu Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực châu Âu, ông Hans Kluge, vẫn cảnh báo châu lục này chưa qua cơn nguy hiểm, do vậy người dân di chuyển thận trọng và nêu cao ý thức trách nhiệm công dân trong kỳ nghỉ Hè.
Tại Nhật Bản, trong bối cảnh chỉ còn hơn một tháng nữa sẽ diễn ra Olympic và Paralympic Tokyo, Hội đồng Thống đốc quốc gia Nhật Bản vừa thông qua tuyên bố về các hành động nhằm khống chế dịch COVID-19 ở nước này, trong đó cam kết hợp tác với chính quyền trung ương để đẩy nhanh chương trình tiêm vaccine phòng dịch bệnh.
Trong tuyên bố sau cuộc họp trực tuyến, những người đứng đầu các tỉnh, thành ở Nhật Bản khẳng định “sẽ thực hiện tất cả các biện pháp có thể để vượt qua cuộc khủng hoảng y tế này và bảo vệ sinh mạng cũng như sức khỏe của người dân” thông qua các biện pháp tăng cường nhằm chống lại các biến thể có khả năng lây truyền cao hơn, đồng thời đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng.
Nhân viên y tế tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Osaka, Nhật Bản, ngày 7-6-2021. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Hiện tình hình dịch bệnh tại Nhật Bản đang có dấu hiệu lắng dịu. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 2.046 ca nhiễm mới, giảm 784 ca so với một tuần trước đó và 71 ca tử vong vì COVID-19. Số bệnh nhân COVID-19 nguy kịch tiếp tục giảm xuống còn 1.015 người.
Đáng chú ý, thủ đô Tokyo ghi nhận 439 ca nhiễm mới, giảm 69 ca so với một tuần trước đó. Tuần trước, số ca nhiễm mới trung bình ở thành phố này cũng giảm 17,6% so với tuần trước đó xuống 391,7 ca/ngày.
Mặc dù vậy, các chuyên gia y tế vẫn cảnh báo số ca nhiễm mới ở Tokyo có thể sẽ tăng trở lại vào cuối tháng này nếu lưu lượng người đi lại tiếp tục tăng trong lúc các biến thể của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây nhiễm cao hơn đang lan rộng. Hiện chính phủ nước này đang cân nhắc sẽ áp đặt tình trạng bán khẩn cấp, với các hạn chế phòng, chống COVID-19 bớt nghiêm ngặt hơn tại một số khu vực trong đó có thủ đô Tokyo và Osaka từ ngày 21-6 tới - thời điểm tình trạng khẩn cấp hiện nay được dỡ bỏ.
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 29-4-2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Với số ca nhiễm mới vẫn dao động từ 400-700 ca/ngày, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định gia hạn quy định giãn cách xã hội hiện tại thêm 3 tuần, đến ngày 4-7 tới. Quyết định trên được đưa ra vào thời điểm các cơ quan y tế Hàn Quốc đang chuẩn bị cho một loạt các điều chỉnh liên quan đến giãn cách xã hội dự kiến sẽ được chính phủ thông qua vào tháng tới và việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 đang được người dân nước này hưởng ứng.
Trong 24 giờ qua, Hàn Quốc ghi nhận thêm 556 ca nhiễm mới, trong đó có 541 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca bệnh ở Hàn Quốc lên 146.859 ca. Số người tử vong do COVID-19 tại nước này tăng lên 1.981 người, sau khi có thêm 2 ca.
Trung Quốc đại lục cũng ghi nhận 22 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 9 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tất cả các ca lây nhiễm cộng đồng đều tập trung tại tỉnh Quảng Đông của nước này. Cho tới nay, Trung Quốc đại lục đã ghi nhận tổng cộng 91.359 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.636 ca tử vong.
Người dân nhận lương thực cứu trợ tại Jalalabad, Afghanistan, ngày 20-4-2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong khi đó, Nam Phi đã chính thức bước vào làn sóng thứ 3 dịch COVID-19, khi số ca nhiễm mới tăng trở lại, trong khi công tác tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 chậm trễ làm dấy lên lo ngại làn sóng dịch bệnh lần này có thể đe dọa hệ thống y tế nước này.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Y tế Nam Phi, trong 24 giờ qua, nước này đã phát hiện hơn 9.400 ca nhiễm mới, gần bằng mức đỉnh dịch trong làn sóng dịch bệnh thứ hai tại nước này hồi tháng 12-2020. Thời tiết lạnh giá vào mùa Đông tại Nam Phi khiến nhiều người lo ngại về nguy cơ số ca nhiễm mới gia tăng trở lại tại quốc gia vốn chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nặng nề nhất của "lục địa đen" này.
Liên quan đến vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca, Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) đã ban hành hướng dẫn không nên tiêm vaccine này cho những người có tiền sử chảy máu hiếm gặp. Theo đánh giá của Ủy ban An toàn EMA, hội chứng rò rỉ mao mạch phải được thêm vào phần tác dụng phụ trên nhãn của vaccine AstraZeneca. Đây là một rối loạn hiếm gặp, thể hiện qua sự rò rỉ của huyết tương từ các mạch máu vào các khoang và cơ bắp lân cận, dẫn đến huyết áp giảm mạnh.
Tháng trước, EMA cũng khuyến cáo không sử dụng vaccine AstraZeneca cho những người bị bệnh đông máu. Ngoài ra, cơ quan này cũng đang xem xét thêm các trường hợp viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim sau khi tim vaccine của AstraZeneca, cũng như của Pfizer/BioNTech, Moderna và Johnson & Johnson.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Singapore ngày 18-5-2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 11-6, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 25.441 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 83.700 người.
Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 7 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Campuchia và Myanmar.
Tại ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á là Indonesia, tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” tiếp tục đà hạ nhiệt so với 1 tháng trước đây, khi số ca mắc mới bắt đầu giảm và số ca tử vong không quá cao như cách đây 1 tháng. Song trong 1 ngày qua, Indonesia vẫn là nước có số ca tử vong và số ca mắc mới cao nhất Đông Nam Á.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 7-6-2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Trong khi đó, diễn biến dịch bùng phát nghiêm trọng ở Philippines, biến nước này thành một trong những ổ dịch nóng của khu vực. Dịch diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày cao nhiều ngày liên tiếp và cao thứ ba trong số các nước Đông Nam Á, trong khi số ca tử vong trong ngày 11-6 cũng đứng thứ hai toàn khối.
Malaysia tình hình vẫn vô cùng đáng quan ngại. Nước này hiện là điểm dịch nóng nhất khu vực, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh suốt mấy tuần vừa qua.
Ngày 11-6, Malaysia ghi nhận số ca bệnh mới cao thứ hai Đông Nam Á, đồng thời số ca tử vong cũng ở mức đáng ngại với 84 trường hợp không qua khỏi (đứng thứ 3 trong khối ASEAN). Trước làn sóng dịch nguy hiểm mới, Chính phủ Malaysia đã quyết định phong tỏa toàn quốc trong hơn 1 tuần qua với hy vọng đảo chiều đồ thị dịch bệnh.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 7-6-2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua báo cáo 188 ca bệnh mới và có 2 trường hợp tử vong.
Thái Lan cũng đối mặt với tình hình đáng quan ngại khi số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao trong mấy ngày gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 11-6 ghi nhận thêm trên 2.290 ca bệnh mới, trong khi số ca tử vong là 27 người. Dù vậy, so với 1 tuần trước, số ca mắc mới tại Thái Lan đã giảm khá nhiều.
Campuchia dịch bệnh đang ở tình trạng nghiêm trọng và đáng ngại khi nước này có 655 bệnh nhân mới và 11 ca tử vong trong một ngày qua. “Sự cố cộng đồng” mới đây bắt đầu có xu thế hạ nhiệt, số bệnh nhân mắc mới có xu thế chững lại. Hiện nay, Campuchia đang hứng chịu tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng nhất kể từ đầu dịch, buộc nước này phải áp đặt lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực, tỉnh thành.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 83.721 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 322 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 4.291.207 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 3.8431.301 trường hợp.
Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Ngoài Brunei, trong 24 giờ qua, có 10/11 các nước thành viên ASEAN ghi nhận các ca COVID-19 mới.
Nguồn: TTXVN