Sức sống Trường Sa

06/06/2018 - 07:09

Phó bí thư Tỉnh ủy Trần Ngọc Tam trò chuyện với chiến sĩ Trường Sa. Ảnh: Trung Trí

Nhiều người vẫn hay bảo tôi rằng, nếu là người Việt Nam, chúng ta hãy một lần đến với Trường Sa. Đến để thấy Tổ quốc mình bao la, rộng lớn, để thấy thành quả từ công cuộc đi mở cõi của cha ông từ bao thế hệ trước, để trân trọng và tự hào những thành quả ấy. Chính vì lẽ đó, tôi nhận lời tham gia chuyến công tác Trường Sa ngay khi được thông báo.

“Quê em ở Trường Sa”

Trong các đảo Trường Sa có 22 đứa trẻ, 2 trường tiểu học: Song Tử Tây và Trường Sa. Mỗi trường chỉ có 1 lớp học và 2 thầy giáo, dạy từ lớp 1 cho đến lớp 5. Trong phòng học ghép chung, các em học sinh lớp 3, lớp 4, lớp 5 ngồi làm phép tính thì các em lớp 1, chưa đến tuổi vào lớp 1 cũng cầm bút chì nắn nót từng chữ cái. Mỗi em quay một hướng. Số học sinh ngồi trong lớp bao giờ cũng đông hơn danh sách chính thức. Bởi những đứa bé chưa đến tuổi đi học vẫn luôn theo các anh chị đến trường. Lớp học như một nhà trẻ với bảo mẫu là những thầy giáo chưa lập gia đình và chỉ ở lứa tuổi đôi mươi.

Thầy Lê Văn Mạnh ở Trường Tiểu học Song Tử Tây, có thâm niên 5 năm làm công tác sư phạm ở Trường Sa xúc động kể rằng, thầy rất vui và tự hào khi được mang những kiến thức và kỹ năng sống truyền dạy cho các em nhỏ ở Trường Sa. Quá trình dạy học cũng rất nhiều khó khăn, nhưng với sự kiên cường, lòng yêu trẻ, thầy và các em đã vượt qua những khó khăn, thiếu thốn, những bỡ ngỡ buổi đầu, hoàn thành tốt các chương trình từng khối lớp.

Bé Nguyễn Trương Quỳnh Thư, học sinh lớp 3 của Trường Tiểu học Song Tử Tây hồn nhiên kể với chúng tôi, đảo Song Tử Tây vui lắm, có rất nhiều điều thú vị. Ngoài giờ học, bọn trẻ thường đi nhặt vỏ ốc cho mẹ kết thành những bông hoa ốc đặc trưng của đảo rồi bán lại cho các đoàn đến thăm.

Các đứa trẻ ở Trường Sa dường như đang được sống trong một tuổi thơ trọn vẹn hơn những đứa trẻ ở đất liền, các em hồn nhiên và vui tươi như quên đi hết những sóng gió, giông bão ngoài biển khơi. Những đứa trẻ ở Trường Sa đi đâu cũng có nhau, gặp đứa trẻ này, hỏi “mấy bạn con đâu?”, bọn trẻ gọi í ới là thấy mặt đầy đủ. Không giống như những đứa trẻ ở đất liền, thường ngồi lặng yên một góc, cầm smart phone, mấy đứa trẻ ở Trường Sa vận động nhiều, có lẽ vì vậy mà rất thông minh và hoạt bát.

Rất dễ thấy bọn trẻ vui đùa với các chú bộ đội trên đảo, các chú bộ đội cũng rất thương yêu bọn trẻ. Tôi hỏi bé Tô Phương Linh ở đảo Trường Sa Lớn rằng: Nếu vào đất liền con có thích không?! Bé trẻ lời: “Không được chơi chung với các chú bộ đội buồn lắm, con sẽ nhớ lắm!”.

Phó bí thư Tỉnh ủy Trần Ngọc Tam (thứ 3, phải sang) thăm tặng quà cho người dân đảo Song Tử Tây.

Thật vậy, sinh sống trên đảo xa, mối quan hệ gắn kết giữa quân và dân cũng ngày càng bền chặt. Tình yêu mến những người lính biển không chỉ dồi dào trong huyết quản của những ông bố, bà mẹ mà còn ở những đứa trẻ. Những bé trai cũng hồ hởi nói với chúng tôi về quyết tâm sau này sẽ trở thành lính Hải quân để bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc.

Mấy đứa trẻ ở Trường Sa đứa nào cũng thuộc nằm lòng bài “Quê em ở Trường Sa”. Trong đêm văn nghệ trên đảo Trường Sa Lớn, mấy đứa trẻ có riêng một tiết mục văn nghệ và hát vang bài “Quê em ở Trường Sa” làm những con người trên đất liền chúng tôi đứng ngồi không yên, sân khấu ngay cột mốc chủ quyền Trường Sa trong phút chốc đông chật người, tôi thấy rõ vài người trong khán giả rưng rưng nước mắt. Những đứa trẻ ở Trường Sa đã mang tới một sức sống mới trên biển đảo quê hương…

Giá trị cao cả của cuộc sống hôm nay

Trong cuộc hải hành, chúng tôi có dịp tham gia lễ tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh vì nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo ở khu vực đảo Len Đao và lễ tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh ở thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.

Giữa biển xanh sâu thẳm, chúng tôi không khỏi chạnh lòng khi nhớ về các chiến sĩ Trường Sa, những con người đã nằm lại với biển cả thâm sâu bởi thiên tai và bởi lòng người còn thâm sâu, khó đoán hơn lòng biển cả.

Mùa này nắng gió Trường Sa hiền dịu và chuyến thăm đảo của chúng tôi cũng là những chuyến thăm cuối cùng của năm. Ngày ở Trường Sa thì nắng, nghe bảo, một năm Trường Sa nắng trên 300 ngày, nắng đốt cháy da thịt, nắng làm héo hắt cây xanh. Rồi gió, nghe bảo, Trường Sa gió 10 tháng trên năm và gió mang giông, mang bão, mang sóng lớn nhổ bật cả cây phong ba trăm tuổi, đẩy lật những con tàu trên biển, nhấn chìm nhà giàn, cuốn trôi sắt thép, thành quả, công sức và đôi khi cả sinh mệnh con người…

Khó khăn là vậy nhưng những người chiến sĩ nông dân, thư sinh vừa rời ghế nhà trường, “tuổi đôi mươi chưa một lần hẹn hò, đêm nằm mơ còn gọi mẹ ơi…”, chưa một lần biết sóng nước, vẫn kiên cường, tự chủ, tự tin trụ vững giữa đại dương mênh mông để hoàn thành nhiệm vụ, minh chứng cho một chủ trương đúng, tiền đề cho một xu thế phát triển kinh tế biển Việt Nam và khẳng định, gìn giữ, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng về biển, đảo, thềm lục địa Việt Nam mà tổ tiên ta đã khai phá, gìn giữ, trao truyền.

Chúng tôi hiểu rằng, không có thành công nào mà không có mất mát, để tồn sinh, phát triển các đảo, nhà giàn như ngày hôm nay, chúng ta cũng có biết bao mất mát. Nhớ về những mất mát ấy để chúng tôi thấu hiểu hơn giá trị của cuộc sống hôm nay, biết được giá trị của hòa bình, chủ quyền, độc lập…

Sau chuyến hải hành dài khoảng 1.100 hải lý - tức hơn 2.000km để đến với Trường Sa, chuyến đi của chúng tôi rồi cũng đến lúc kết thúc. Đến với Trường Sa để chúng tôi cảm nhận một cách trọn vẹn nhất tình yêu quê hương Tổ quốc, nhớ mãi công lao cha ông đi mở cõi về tận miền biển đảo xa xôi… Đến với Trường Sa để chúng tôi ý thức rằng mình cần phải hành động, nỗ lực nhiều hơn nữa trong lao động, học tập, nhắc nhở bản thân luôn rèn luyện để thành những con người có ích, trở thành hậu phương vững chắc. Xứng đáng với những hy sinh mát của những người nơi đầu sóng, ngọn gió, ngày đêm canh giữ biển đảo quê hương.

Bài, ảnh: Trung Trí

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN