BDK.VN - Thực hiện theo Chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 22-11-2024, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo thẩm tra.
Thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) là thuế gián thu, thu vào một số loại hàng hóa, dịch vụ nhằm điều tiết việc sản xuất, nhập khẩu và điều tiết tiêu dùng của xã hội, góp phần bảo vệ môi trường cũng như sức khỏe cộng đồng, đồng thời điều tiết thu nhập của người tiêu dùng đối với các hàng hóa, dịch vụ cao cấp, xa xỉ và đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, khơi thông và phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với thông lệ quốc tế và xu hướng cải cách thuế của các nước.
Luật Thuế TTĐB số 27/2008/QH12 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-4-2009, đã được sửa đổi, bổ sung 4 lần vào năm 2014 (2 lần), 2016 và năm 2022 để góp phần khắc phục các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, bảo đảm phù hợp với các cam kết quốc tế trong quá trình hội nhập.
Sau 16 năm thực hiện, Luật Thuế TTĐB đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần định hướng sản xuất, tiêu dùng, ổn định nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, qua quá trình tổng kết đánh giá tình hình thực hiện Luật thuế TTĐB trong giai đoạn qua, cùng với bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội hiện nay và thời gian tới, chính sách thuế TTĐB cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, cụ thể là:
Một là, đối tượng chịu thuế TTĐB còn hẹp so với thông lệ quốc tế. Theo Luật thuế TTĐB hiện hành có 10 nhóm hàng hóa và 6 nhóm dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB.
Tham khảo chính sách các nước cho thấy, hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB của các nước rất đa dạng, ví dụ Trung Quốc thu thuế TTĐB đối với 15 nhóm hàng hóa gồm: thuốc lá, đồ uống có cồn, mỹ phẩm; đồ trang sức và đá quý, pháo hoa, sản phẩm xăng dầu, xe máy, ô tô, bóng chơi gôn (golf) và dụng cụ chơi gôn, đũa dùng một lần, du thuyền, đồng hồ đeo tay cao cấp; thuyền sử dụng trong du thuyền, sàn gỗ.
Thái Lan thu thuế TTĐB đối với 17 nhóm hàng hóa và dịch vụ gồm: Dầu mỏ và các sản phẩm từ dầu mỏ, nước giải khát, thiết bị điện tử, sản phẩm bằng pha lê, ô tô, du thuyền, nước hoa và mỹ phẩm, thảm sàn và vật liệu trải sàn làm bằng lông động vật, xe máy, pin, vũ trường và hộp đêm, xông hơi, các khóa học về đua ngựa, các khóa học gôn, rượu, bia, thuốc lá, bài chơi poker…
Hai là, một số quy định về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, mô tả mặt hàng tại Biểu thuế chưa thực sự rõ ràng, chưa đồng bộ với pháp luật chuyên ngành dẫn đến vướng mắc trong thực tế thực hiện.
Ba là, thuế suất thuế TTĐB đối với các mặt hàng thuốc lá, rượu, bia, ô tô còn thấp chưa đủ tác dụng để hạn chế tiêu dùng hoặc điều tiết thu nhập của người sử dụng có thu nhập cao trong xã hội.
Bốn là, chưa thực hiện được một số mục tiêu đề ra của chính sách thuế TTĐB nêu tại Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 - 2020 là nghiên cứu áp dụng phương pháp thuế hỗn hợp đối với mặt hàng có hại cho sức khỏe và môi trường.
Năm là, chưa có quy định hoàn trả thuế TTĐB đối với số thuế TTĐB chưa được khấu trừ hết đối với một số mặt hàng cần khuyến khích sản xuất, tiêu dùng sản phẩm thân thiện môi trường.
Chính vì vậy cần thiết phải sửa đổi Luậtthuế TTĐB nhằm mục đích: Hoàn thiện quy định về chính sách thuế TTĐB để mở rộng cơ sở thu (như bổ sung vào đối tượng chịu thuế đối với nước giải khát có đường, áp dụng thuế hỗn hợp đối với thuốc lá, tăng thuế suất thuế TTĐB đối với rượu, bia...), bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện luật nhằm góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế trong phòng, chống trốn thuế, thất thu và nợ thuế, đảm bảo thu đúng thu đủ vào ngân sách nhà nước (NSNN), đảm bảo ổn định nguồn thu NSNN.
Đổi mới các nội dung và các điều luật theo hướng luật hóa các quy định đã thực hiện ổn định tại văn bản dưới luật; góp phần cải cách thủ tục quản lý thuế theo hướng đơn giản, rõ ràng, công khai, thực hiện quản lý thuế điện tử, tạo môi trường thuận lợi cho người nộp thuế tuân thủ pháp luật về thuế, tự giác nộp đúng, đủ, kịp thời tiền thuế vào NSNN.
Khắc phục các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật thuế TTĐB thời gian qua; tháo gỡ bất cập, chồng chéo trong hệ thống pháp luật thuế TTĐB và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với pháp luật có liên quan; bảo đảm tính khả thi và thuận lợi cho tổ chức thực hiện, khơi thông, phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội; góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, môi trường và điều tiết tiêu dùng của xã hội phù hợp xu hướng cải cách thuế của các nước cũng như thực hiện cam kết quốc tế.
Dự thảo Luật thuế TTĐB (sửa đổi) gồm 4 Chương, 12 Điều, cụ thể: Chương I. Những quy định chung, gồm 4 điều (từ Điều 1 đến Điều 4). Chương II. Căn cứ tính thuế, gồm 4 điều (từ Điều 5 đến Điều 8). Chương III. Hoàn thuế, khấu trừ thuế, giảm thuế gồm 2 điều (Điều 9 và Điều 10). Chương IV. Điều khoản thi hành, gồm 2 Điều (Điều 11 và Điều 12).
Dự thảo Luật sửa đổi 10 Điều của Luật thuế TTĐB hiện hành: gồm các điều quy định về đối tượng chịu thuế (Điều 2); đối tượng không chịu thuế (Điều 3); người nộp thuế (Điều 4); căn cứ tính thuế (Điều 5); giá tính thuế (Điều 6); thuế suất (Điều 8); hoàn thuế, khấu trừ thuế (Điều 9); giảm thuế (Điều 10); hiệu lực thi hành (Điều 11); Tổ chức thực hiện (Điều 12) và bổ sung 01 Điều quy định về thời điểm xác định thuế TTĐB (Điều 7).
Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội thì Luật Thuế TTĐB sẽ được cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 8 và sẽ xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội khóa XV.