Sửa đổi, bổ sung mới một số quy định về nhãn hàng hóa

09/02/2022 - 06:10

BDK - Ngày 9-12-2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111/2021/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14-4-2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa. Nghị định có hiệu lực kể từ ngày 15-2-2022.

Nhãn của hàng nhập khẩu.

Tăng cường quản lý nhà nước về nhãn hàng hóa

Nghị định số 111/2021/NĐ-CP quy định nội dung, cách ghi và quản lý nhà nước về nhãn đối với hàng hóa lưu thông tại Việt Nam, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Như vậy, so với quy định hiện hành, Nghị định số 111/2021/NĐ-CP đã bổ sung hàng hóa xuất khẩu vào phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng bao gồm cả tổ chức, cá nhân xuất khẩu. Ngoài ra, nghị định cũng bổ sung hàng hóa nhập khẩu gửi kho ngoại quan để xuất khẩu sang nước thứ ba; vật liệu xây dựng không có bao bì và bán trực tiếp cho người tiêu dùng không thuộc phạm vi điều chỉnh của nghị định này.

Nghị định đã sửa đổi, bổ sung Điều 10 - Nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa đảm bảo chống gian lận xuất xứ và thống nhất, đồng bộ với hệ thống các văn bản quy định về xuất xứ hàng hóa của Chính phủ và các bộ, ngành. Theo đó, nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa đối với hàng hóa lưu thông trong nước; hàng hóa nhập khẩu; hàng hóa xuất khẩu được quy định rõ ràng, tách bạch. Cụ thể, hàng hóa lưu thông trong nước giữ nguyên quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP. Bổ sung quy định hàng hóa nhập khẩu bắt buộc trên nhãn gốc phải thể hiện các nội dung: tên hàng hóa, tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa ở nước ngoài; xuất xứ hàng hóa hoặc nơi hàng hóa được hoàn thiện cuối cùng. Trường hợp trên nhãn gốc hàng hóa không thể hiện xuất xứ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa thì bắt buộc phải thể hiện nội dung này trong hồ sơ nhập khẩu kèm theo hàng hóa. Đối với nhãn của hàng hóa xuất khẩu thực hiện ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật nước nhập khẩu. Cụ thể, trường hợp thể hiện xuất xứ hàng hóa trên nhãn hàng hóa xuất khẩu, nội dung ghi xuất xứ hàng hóa tuân thủ quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP (được sửa đổi tại khoản 7 Điều 1 Nghị định số 111/2021/NĐ-CP).

Tại khoản 5 Điều 1 Nghị định số 111/2021/NĐ-CP đã giao Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chi tiết một số nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa bằng phương thức điện tử. Việc bổ sung quy định này nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và đáp ứng yêu cầu về ghi nhãn hàng hóa trước sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0; tạo hành lang pháp lý cho việc áp dụng công nghệ tiên tiến, ghi nhãn theo phương thức điện tử và truy xuất nguồn gốc hàng hóa.

Tự xác định và ghi xuất xứ hàng hóa

Nghị định số 111/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 15 xuất xứ hàng hóa. Cụ thể, tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ hàng hóa của mình bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam hoặc các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. Xuất xứ hàng hóa ghi trên nhãn thể hiện bằng một trong các cụm từ sau “sản xuất tại”; “chế tạo tại”; “nước sản xuất”; “xuất xứ”; “sản xuất bởi”; “sản phẩm của” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa hoặc ghi theo quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa. Nghị định bổ sung thêm cách ghi đối với những trường hợp không xác định được xuất xứ hàng hóa, phải ghi rõ, minh bạch về nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa. Thể hiện bằng một trong các cụm hoặc kết hợp các cụm từ thể hiện công đoạn hoàn thiện hàng hóa như sau: “lắp ráp tại”; “đóng chai tại”; “phối trộn tại”; “hoàn tất tại”; “đóng gói tại”; “dán nhãn tại” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa.

Có thể nói, khi Nghị định số 111/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành sẽ đáp ứng yêu cầu quản lý nhãn hàng hóa, tạo cơ sở pháp lý để xử lý những hành vi vi phạm về nhãn, gian lận xuất xứ hàng hóa hay chuyển tải bất hợp pháp, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường.

Bài, ảnh: Thanh Tân

(Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Bến Tre)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN