Từ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đến công tác tuyên truyền biển, đảo hiện nay, bài 2:
Sứ mệnh tuyên truyền trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo
14/12/2024 - 21:09
BDK.VN - Từ những ngày đầu Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ra đời với sứ mệnh khơi dậy tinh thần yêu nước, công tác tuyên truyền đã chứng minh vai trò to lớn trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Qua từng thời kỳ lịch sử, tuyên truyền không chỉ là công cụ kết nối ý chí quần chúng mà còn là ngọn lửa lan tỏa tinh thần đoàn kết, đấu tranh vì độc lập dân tộc.
Các đơn vị Hải quân tổ chức nhiều hoạt động tặng cờ Tổ quốc, tờ rơi, tuyên truyền cho bà con ngư dân.
Lan tỏa tinh thần đoàn kết
Ngày nay, trước những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn trên Biển Đông, công tác tuyên truyền biển, đảo lại tiếp tục giữ vai trò quan trọng, nâng cao nhận thức, khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tạo sự đồng thuận trong mọi tầng lớp nhân dân, góp phần nhân lên sức mạnh bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong tình hình mới. Bởi với Việt Nam, biển, đảo là một bộ phận lãnh thổ, một phần máu thịt không thể tách rời và có vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, mang giá trị chiến lược to lớn về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng và an ninh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Muốn thành công, phải biết cách tuyên truyền”[1], “Công tác tuyên truyền phải cụ thể, thiết thực”[2] để quần chúng hiểu đúng đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, từ đó tự giác tham gia công việc cách mạng. Điều đó đã được thực tiễn quá trình xây dựng, chiến đấu và thắng lợi của Quân đội ta minh chứng và dù ở bất kỳ giai đoạn nào, thì công tác tuyên truyền đều là nguồn sức mạnh tinh thần vô giá. Từ ngọn lửa cách mạng được thắp lên bởi Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân cho đến hôm nay, khi những con sóng Biển Đông vẫn không ngừng vỗ, tuyên truyền vẫn tiếp tục là sợi dây kết nối, quy tụ sức mạnh từ lòng dân để bảo vệ Tổ quốc.
Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng thời, kế thừa và phát huy truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, đặc biệt là trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng trong suốt 80 năm qua, là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo và xây dựng thế trận quốc phòng toàn toàn dân trên biển, Hải quân nhân dân Việt Nam luôn xác định công tác tuyên truyền biển, đảo là nhiệm vụ lâu dài, thường xuyên, liên tục, chỉ có mở đầu không có kết thúc; coi đây là nội dung quan trọng của hoạt động công tác đảng, công tác chính trị, gắn chặt với nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; phòng, chống “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ...
Những năm qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân đã quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; hướng dẫn của của Ban Tuyên giáo Trung ương và Tổng cục Chính trị Quân đội nhân nhân Việt Nam về công tác tuyên truyền biển, đảo; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện các nội dung công tác tuyên truyền biển, đảo đúng chủ trương, quan điểm, đường lối của Đảng.
Đến nay, Quân chủng Hải quân đã ký kết chương trình phối hợp tuyên truyền biển, đảo với 63 tỉnh, thành phố và 16 cơ quan Trung ương, cơ quan thông tấn, báo chí với nhiều hình thức, biện pháp tuyên truyền thiết thực, phù hợp, sát với điều kiện thực tiễn đơn vị và từng địa phương, như: Tuyên truyền miệng thông qua các hội nghị, các tổ, đội truyên truyền lưu động; cấp phát tài liệu, tờ rơi, các ấn phẩm; tổ chức tham quan, triển lãm, giao lưu, tọa đàm, thăm hỏi, tặng quà... Phạm vi tuyên truyền được triển khai rộng khắp trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên đất liền và tất cả các tuyến biển, kể cả ngoài khơi xa và trên các vùng biển giáp ranh.
Hàng năm, tổ chức khoảng 150 - 200 buổi tuyên truyền biển đảo, tuyên truyền thu hút nguồn nhân lực cho hơn 250.000 lượt người. Từ năm 2007 đến nay, Quân chủng đã giới thiệu và tổ chức cho trên 15.000 lượt phóng viên các cơ quan Trung ương, địa phương đến các đơn vị trong Quân chủng và các vùng biển, đảo nước ta thâm nhập lấy tư liệu tuyên truyền; trung bình hằng năm có khoảng 15.000 - 20.000 tin bài, phóng sự về biển đảo, người chiến sĩ Hải quân được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Đa dạng hình thức tuyên truyền
Để công tác tuyên truyền trở nên đa dạng, phong phú và hiệu quả Quân chủng Hải quân đã tổ chức hơn 25 cuộc triễn lãm mỹ thuật, 40 chương trình giao lưu nghệ thuật truyền thống cấp Quân chủng; mở 18 trại sáng tác và tổ chức cho gần 1.000 văn nghệ sĩ thâm nhập thực tiễn ở các đơn vị và quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1 và cơ quan, đơn vị trong Quân chủng để sáng tác các tác phẩm về chủ đề “Biển, đảo Việt Nam - Người chiến sĩ Hải quân”; in, phát hành hàng vạn băng đĩa hình, tranh cổ động, tuyên truyền với các chủ đề về luật biển, chủ quyền biển đảo Việt Nam và hoạt động của Hải quân nhân dân Việt Nam.
Ngoài ra, cơ quan, đơn vị trong Quân chủng đã huy động hơn 3 triệu ngày công, hơn 5.000 phương tiện các loại, hỗ trợ các địa phương tham gia làm hơn 400m đường bê tông nông thôn mới, sửa chữa xây dựng 40 nhà văn hóa, 50 trường học, 30 trạm y tế, tặng đồ dùng và sách vở cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng giá trị trên 150 tỷ đồng.
Thông qua hoạt động phối hợp tuyên truyền biển, đảo đã giúp cho cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị có điều kiện nghiên cứu, nắm bắt tình hình thực tiễn, những diễn biến trên biển, những động thái mới của các nước có yêu sách chủ quyền trên Biển Đông phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhà nước về biển, đảo nói chung và hoạt động tuyên truyền biển, đảo nói riêng. Vì vậy, có rất nhiều phong trào, hoạt động do các ban ngành, đoàn thể của các tỉnh, thành phố, cơ quan thông tấn, báo chí tổ chức, phát động tạo sức lan tỏa lớn trong nhân dân cả nước như Cuộc vận động “Trường Sa vì cả nước”, “Vì biển đảo quê hương”, “Góp đá xây Trường Sa”, “Trường Sa xanh”, “Hát cùng DKI thân yêu”...
Bên cạnh đó, từ tháng 4-2019, Quân chủng Hải quân đã chủ động phối hợp với 28 tỉnh, thành phố ven biển triển khai Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển”. Để nâng cao nhận thức cho ngư dân Quân chủng Hải quân đã chủ động xây dựng đề cương, cử hơn 500 lượt báo cáo viên trực tiếp đến các cảng cá, âu tàu, khu neo đậu để thông tin, tuyên truyền cho trên 95.000 lượt chủ tàu và ngư dân. Các tổ, đội lưu động tại các đơn vị làm nhiệm vụ trên biển sử dụng gần 1.000 lần phát loa tuyên truyền cho hơn 3.500 lượt tàu thuyền ngư dân hoạt động trên các vùng biển xa bờ; biên soạn, in ấn và cấp phát hơn 100.000 bộ tài liệu, tờ rơi, tờ gấp cho chủ tàu và ngư dân.
Cùng với đó, Quân chủng đã huy động trên 300 phương tiện tổ chức cứu nạn được 400 tàu thuyền cùng hơn 1.000 lượt ngư dân gặp nạn trên các vùng biển, đảo; tặng cờ Tổ quốc, áo phao cứu sinh, đèn pin đi biển, hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa, khám chữa bệnh và tặng quà ngư dân có hoàn cảnh khó khăn… với tổng giá trị trên 25 tỷ đồng. Đặc biệt, Quân chủng đã phối hợp với các địa phương, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và Cục Kiểm ngư Việt Nam triển khai hiệu quả các biện pháp ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng tàu cá ngư dân đánh bắt trái phép trên vùng biển của nước khác, không đăng ký, không khai báo theo Chỉ thị số 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ góp phần giảm thiểu số tàu cá Việt Nam bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ.
Ngoài ra, từ tháng 12-2022, Quân chủng triển khai thực hiện hoạt động “Hải quân nhận đỡ đầu con ngư dân”, một trong những hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần xây dựng tình đoàn kết, gắn bó máu thịt quân dân, củng cố, tăng cường niềm tin, giúp ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển, khai thác hải sản và tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Công tác phối hợp tuyên truyền biển, đảo đã góp phần bồi đắp tình cảm, phát huy truyền thống yêu nước và lòng tự hào dân tộc, tăng cường niềm tin của quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, vào sức mạnh bảo vệ chủ quyền biển đảo của ta. Đồng thời, kịp thời định hướng tư tưởng, dư luận cho cán bộ, chiến sĩ, quần chúng nhân dân ta, kiều bào Việt Nam và bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về biển đảo, chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, những chiến công tiêu biểu của Hải quân nhân dân Việt Nam, về hoạt động đối ngoại quốc phòng... tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội trong các tầng lớp nhân dân và kiều bào ta ở nước ngoài, tranh thủ sự ủng hộ của các nước, các tổ chức quốc tế trong sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Công tác tuyên truyền từ thời kháng chiến đến nay luôn là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn, gắn kết lòng dân với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Từ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân với những bản hùng ca giữa rừng núi đến công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo hôm nay, công tác tuyên truyền luôn là một phần không thể thiếu trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc; không chỉ khơi dậy tinh thần yêu nước, đoàn kết mà còn xây dựng ý thức trách nhiệm cho mỗi người dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong bối cảnh hiện nay, khi những thách thức về biển, đảo ngày càng phức tạp, công tác tuyên truyền càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Đó là cầu nối để mỗi người dân thấu hiểu giá trị thiêng liêng của từng tấc đất, tấc biển và chung tay gìn giữ. Phát huy truyền thống hào hùng của cha ông, thế hệ hôm nay và mai sau cần tiếp tục nỗ lực, sáng tạo trong công tác tuyên truyền, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, giữ gìn hòa bình và phát triển bền vững cho đất nước.