STEM góp phần nâng cao chất lượng giáo dục

17/10/2022 - 05:33

BDK - Giáo dục STEM là phương thức giáo dục tích hợp liên môn Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán. Các bài học được xây dựng mới chủ đề nhằm lồng ghép kiến thức liên môn vào nghiên cứu hướng đến sự vận dụng kỹ thuật trong việc giải quyết các vấn đề cụ thể. Áp dụng mô hình giáo dục này, góp phần tích cực để nâng cao chất lượng giáo dục, cần được triển khai mạnh mẽ trong cơ sở giáo dục.

Giáo viên các trường THPT nghiên cứu thảo luận mô hình dạy học STEM.

Tiên phong áp dụng STEM

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ban hành Công văn số 3089/BGDĐT-GDTrH ngày 14-8-2020 về việc triển khai giáo dục tích hợp STem (Science - Technology - Engineering - Mathematics: Khoa học - Công nghệ - Kỹ thuật - Toán) trong giáo dục trung học. Giáo dục STEM trở thành nhiệm vụ bắt buộc phải thực hiện ở trong trường học khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Quán triệt tinh thần giáo dục STEM, Trường THPT Nguyễn Huệ (Châu Thành) nghiên cứu và tiên phong áp dụng mô hình dạy học này. Việc dạy học mô hình STEM góp phần đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá chất lượng giáo dục trong nhà trường.

Năm học 2018-2019, Trường THPT Nguyễn Huệ có 1/14 lớp tổ chức dạy học mô hình STEM. Năm học 2021-2022, toàn trường áp dụng học theo mô hình giáo dục mới. Những năm qua, mỗi năm, Ban giám hiệu nhà trường đều xây dựng kế hoạch và phân công cụ thể từng tổ chuyên môn trong thực hiện giáo dục STEM; thành lập các câu lạc bộ STEM và các câu lạc bộ sáng tạo, khoa học, khởi nghiệp… Đặc biệt, Tổ môn Toán - Tin học - Công nghệ, Lý - Hóa - Sinh đã chủ động trong xây dựng kế hoạch và thực hiện giáo dục liên môn. Để thực hiện mô hình giáo dục STEM, 100% giáo viên khối tự nhiên của trường phải tập huấn, trong đó gần 50% giáo viên được đào tạo trực tiếp qua các khóa đào tạo do Bộ GD&ĐT tổ chức.

Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ Phan Thị Thúy Hằng cho biết: “Mới đầu nghe tới giáo dục STEM, các thầy cô giáo và kể cả cán bộ quản lý đều cảm thấy mông lung. Nhưng được sự hướng dẫn và tham gia các buổi tập huấn, giáo viên biết cách vận dụng, tái chế để làm ra sản phẩm cụ thể. 3 năm qua, nhiều chương trình giáo dục STEM đã được Trường THPT Nguyễn Huệ lựa chọn triển khai giảng dạy cho học sinh và đạt kết quả khích lệ. Trường có 16 sản phẩm tham dự các cuộc thi khoa học kỹ thuật của ngành. Đặc biệt, mô hình giáo dục STEM đã kích thích sự học hỏi, mày mò nghiên cứu, sáng tạo của các em học sinh.

Trong quá trình giáo dục theo định hướng STEM, giáo viên và học sinh hưởng ứng tích cực, thích thú vì ứng dụng được kiến thức vào thực tiễn, tạo những món đồ vật cần thiết cho cuộc sống. Nguyễn Thị Ngọc Ngân - học sinh lớp 11A1, Trường THPT Nguyễn Huệ được học chương trình STEM 2 năm. Ngân bày tỏ: “Chương trình khá phù hợp và vừa sức với bản thân em. Qua nghiên cứu, giúp em có kỹ năng làm việc nhóm, khám phá những cách học mới, hiệu quả trong học tập. Đặc biệt, mô hình STEM còn rèn luyện cho em cách để giải quyết sự việc mang lại hiệu quả tốt nhất trong học tập”.

Theo em Nguyễn Thị Ngọc Ngân, tiết học STEM cho khá nhiều kiến thức. Có những chi tiết nếu học tiết học thường em đã bỏ qua, nhưng những kiến thức đó được vận dụng STEM và trong cuộc sống rất hay. Trong giờ trải nghiệm, các em tích hợp được môn: Công nghệ, Toán, tiếng Anh, Sinh học, Địa lý, các môn tự nhiên và đa dạng kiến thức hơn học bình thường.

Nâng cao hiệu quả giáo dục

Theo kinh nghiệm của Trường THPT Nguyễn Huệ, lớp học nào được giáo viên thường xuyên tổ chức các hoạt động làm việc nhóm, thuyết trình, thảo luận, tranh luận sẽ thực hiện tốt hơn các lớp khác. Giáo viên Trường THPT Nguyễn Huệ Phan Trọng Hải - phụ trách mô hình giáo dục STEM cho biết: “Giáo viên có vai trò quyết định chất lượng giáo dục STEM. Do đó, trường sẽ tiếp tục bồi dưỡng giáo viên. Bản thân giáo viên tự bồi dưỡng, tự tập huấn bản thân để có nhiều kiến thức hơn về giáo dục STEM. Chính sự đam mê, nhiệt tình, nhiệt huyết của giáo viên đưa STEM nhà trường đi đến thành công hơn. Đối với học sinh cần rèn luyện kỹ năng hoạt động nhóm, kỹ năng thuyết trình, khả năng báo cáo trước tập thể”.

Cô Phan Thị Thúy Hằng đánh giá: Hơn 2 năm triển khai STEM cấp trường, giáo viên, phụ huynh học sinh rất hứng khởi. Mỗi người đều nghĩ rằng STEM rất gần gũi với đời thường. Ban đầu, những mô hình STEM là những lồng đèn, chiếc xe thế năng đơn giản. Các năm gần đây, mô hình STEM dần phức tạp hơn như những con robot thông minh. Với việc triển khai thực hiện STEM góp phần nuôi dưỡng đam mê khoa học, sự yêu thích sáng tạo của cả thầy và trò.

Mặc dù đạt những kết quả bước đầu đáng khích lệ, nhưng việc triển khai giáo dục STEM là một lĩnh vực mới, cách tiếp cận mới, nên một số giáo viên và học sinh còn lúng túng. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí cho hoạt động này còn nhiều hạn chế. Để khắc phục hạn chế này, sắp tới, Ban giám hiệu Trường THPT Nguyễn Huệ triển khai kế hoạch giáo dục STEM, tổ chức ngày hội và thành lập các câu lạc bộ STEM… góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục STEM.

“Nhà trường sẽ định hướng tổ chức dạy STEM cho tất cả học sinh trong trường. Với định hướng đó, trường sẽ bố trí phòng học STEM để các em thể hiện ý tưởng trong phòng học này. Trường đã vận động tài trợ cung cấp 10 máy tính bảng để học sinh sử dụng tìm kiếm tài liệu phục vụ các sản phẩm STEM của mình. Giáo viên chủ chốt sẽ hướng dẫn các giáo viên bộ môn khoa học tự nhiên để hướng dẫn học sinh mô hình STEM. Từ đó, tất cả giáo viên đều tham gia tích cực hơn trong thời gian tới”, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ Phan Thị Thúy Hằng cho hay.

Năm học 2022-2023, Sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông từ bậc tiểu học, THCS và THPT tổ chức dạy học các chủ đề STEM. Việc giáo dục gắn với thực tiễn là cơ hội đổi mới tư duy dạy học, khuyến khích sự sáng tạo, tăng cường hợp tác của giáo viên. Đồng thời, tăng cường khả năng vận dụng kiến thức, khả năng tự học, tự nghiên cứu của học sinh. Đây là cơ sở quan trọng để các trường thực hiện thành công STEM trong chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Giáo dục STEM được đánh giá là một trong những giải pháp chuẩn bị nguồn nhân lực cho cách mạng công nghiệp 4.0, nguồn nhân lực “công dân toàn cầu thế hệ mới”. Sở GD&ĐT tỉnh triển khai từ năm học 2018-2019 và được thực hiện các mức độ: dạy học theo chủ đề giáo dục STEM; dạy học thông qua hoạt động trải nghiệm STEM và dạy học thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học của học sinh.

Bài, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN