Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Huỳnh Tấn Phát (15-2-1913 - 15-2-2023), bài 3:

Sống mãi trong tình yêu của gia đình và nhân dân

03/02/2023 - 06:22

BDK - Trong một cuộc phỏng vấn bà Huỳnh Xuân Thảo - người con gái của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát vào năm 2019, chúng tôi phần nào bước đến gần hơn với hình ảnh một nhân sĩ trí thức yêu nước đã dành trọn cuộc đời mình cho cách mạng.

Đồng chí Huỳnh Tấn Phát về thăm quê nội, ấp Tân Hưng, xã Châu Hưng, huyện Bình Đại (Ảnh tư liệu Bảo tàng Bến Tre).

Tấm lòng với thế hệ sau

Đầm ấm, nhẹ nhàng, bà Xuân Thảo kể lại: “Ba tôi tính người trung thực, luôn lo nghĩ đến cộng đồng. Bản thân ông tham gia cách mạng không có thời gian chăm sóc gia đình. Sau giải phóng, anh em chúng tôi cũng đã lớn, ba không bao giờ yêu cầu các con phải sống thế này thế kia nhưng anh em chúng tôi nhìn ba, con đường ba đã chọn rồi cảm phục mà học theo…”.

6 người con của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát hầu hết đều chọn theo con đường cách mạng của ông. Trong đó, bà Huỳnh Lan Khanh, người con gái lớn của ông Huỳnh Tấn Phát được biết đến là một nữ liệt sĩ gan dạ, bất khuất. Bà đã anh dũng chiến đấu cùng đồng đội, khi rơi vào ổ phục kích của giặc Mỹ vào năm 1968 tại Trảng Dầu, Tây Ninh, bị giặc bắt lên máy bay, vì không chịu khuất phục, bà đã nhảy xuống đất, hy sinh khi vừa tròn 20 tuổi. Ngày 25-4-2015, liệt sĩ Huỳnh Lan Khanh đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát đã chọn cho mình con đường cách mạng, là noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh dành trọn một đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Ở cương vị quan trọng của đất nước, ông luôn giữ gìn phẩm chất liêm khiết, công tâm. Cũng chính vì vậy, trong thẳm sâu tâm khảm ông lúc sinh thời luôn đau đáu một nỗi niềm chưa trọn đối với quê hương.

Sau khi đất nước giải phóng, đến năm 1983, ông Huỳnh Tấn Phát mới có dịp trở về Châu Hưng để thăm quê hương và thân tộc. Hình ảnh kỷ niệm chụp ông với bà con Châu Hưng ngày về thăm quê ấy hiện được trưng bày tại đền thờ. Những bức ảnh đen trắng nhuốm màu thời gian ấy sẽ mãi lưu giữ hình ảnh Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước Huỳnh Tấn Phát với trang phục giản dị và nụ cười rạng rỡ bên người thân.

“Ba luôn nghĩ về quê nhà Bến Tre, mong mỏi đóng góp xây dựng quê hương nhưng hoàn cảnh của ông khi đó chưa thể làm được. Tâm tư đó của ba gửi gắm lại cho mẹ. Sau khi ba mất, đến lúc gia đình có điều kiện hơn, mẹ mới gửi vật chất về Châu Hưng để đóng góp cho quê nhà”, bà Xuân Thảo kể lại.

Với sự hỗ trợ về kinh phí từ phía gia đình kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, nhiều cơ sở hạ tầng địa phương ở Châu Hưng đã được củng cố, xây dựng; trong đó, tập trung nhiều cho giáo dục. Có 3 phòng học tại điểm trường Tân Hưng, thuộc Trường Tiểu học Châu Hưng (nay là Trường Tiểu học Huỳnh Tấn Phát) được nâng cấp, trường cũng xây dựng được sân bóng đá mi ni và thư viện trường đạt chuẩn, đồng thời lập nên quỹ khuyến học của trường, nay là Quỹ khuyến học xã Châu Hưng, duy trì hoạt động cho đến ngày nay.

Từ đó đến nay, gia đình các con của ông Huỳnh Tấn Phát hàng năm vẫn đều đặn gửi kinh phí về để chăm lo cho công tác khuyến học ở địa phương. Mười mấy năm qua, Quỹ khuyến học xã Châu Hưng đã không ngừng phát triển, từ sự chung tay góp sức của nhiều mạnh thường quân, nhiều em học sinh của Châu Hưng đã được tiếp sức đến trường. Đầu tư cho giáo dục và đào tạo và vận dụng chất xám của trí thức để xây dựng quê hương, chăm lo đời sống của nhân dân là di nguyện của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát lúc sinh thời.

“Ba là một học sinh nghèo, vì học giỏi nên được học bổng để đi học đến nơi đến chốn. Chúng tôi từ điều đó và thể theo tâm nguyện của ba và mẹ lúc sinh thời mà duy trì quỹ học bổng để chăm lo cho giáo dục”, bà Xuân Thảo nói. Ngoài việc hàng năm đóng góp cho quỹ khuyến học xã Châu Hưng, bản thân bà Huỳnh Xuân Thảo hiện đang điều hành Quỹ học bổng Huỳnh Tấn Phát dành cho sinh viên nghèo ở TP. Hồ Chí Minh.

Tiếp nối truyền thống

Đền thờ kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát giản dị nằm kề bên đình Tân Hưng như tấm lòng ông luôn hướng về quê hương xứ sở. Nơi đây trang trọng đặt bàn thờ ông, lưu lại những hình ảnh tư liệu và một số di vật gắn với cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của người kiến trúc sư tài ba. Đây cũng là một “địa chỉ đỏ” được nhiều đơn vị, đoàn thể, tổ chức xa gần, nhất là các trường học đến viếng, góp phần tuyên truyền giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Cách mà người Châu Hưng dạy cho các thế hệ con cháu về truyền thống của quê hương, về các bậc tiền nhân rất cụ thể. Châu Hưng có 3 ngôi trường cùng vinh dự mang tên kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, từ tiểu học, THCS đến THPT. Ngay từ tiểu học, các em đã được nghe kể về tấm gương hiếu học của ông, thường xuyên được đưa đến tham quan đền thờ. Mỗi trường có một cách tổ chức cho học sinh tìm hiểu về tấm gương Huỳnh Tấn Phát. Đó là những buổi kể chuyện tại lớp, là những cuộc thi kiến thức, hoặc những buổi tham quan đền thờ. Ở trường THPT, Đoàn trường được giao nhiệm vụ chăm sóc đền thờ Huỳnh Tấn Phát, mỗi năm đến ngày giỗ của ông thì đại diện các trường đều đến viếng, dâng hương.

Với người dân Châu Hưng, từ bao lâu nay, tên gọi Cụ Huỳnh luôn được nhắc đến với niềm tôn kính và tự hào. Biết bao lớp người Châu Hưng đã sinh ra và trưởng thành tại đây. Từ mảnh đất này, họ đã sớm được ươm mầm hạt giống yêu thương, hạt giống nghĩa tình để nuôi dưỡng thành những con người luôn sẵn sàng dấn thân, phụng sự Tổ quốc.

Nhìn lại cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến to lớn của đồng chí Huỳnh Tấn Phát đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, chúng ta càng thêm trân trọng, tự hào và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc công lao của người cộng sản kiên cường, bất khuất. Đồng chí để lại cho chúng ta bài học quý báu về nhân cách sống và hoạt động của người cách mạng, đó là: Giữ vững nguyên tắc trong quan điểm, đồng thời linh hoạt trong sách lược, luôn gắn bó với thực tiễn đất nước, đồng cảm, nhân ái với đồng bào, chiến sĩ; bình tĩnh lắng nghe, suy nghĩ, cân nhắc, giải quyết công việc hợp lý, vừa có lý luận vừa có thực tế và trên cơ sở tổng kết thực tiễn để không ngừng hoàn thiện chủ trương, chính sách đã vạch ra, nhằm đem lại kết quả thiết thực nhất cho cách mạng và nhân dân.

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Huỳnh Tấn Phát là dịp để chúng ta tri ân, khẳng định những công lao và đóng góp quan trọng của đồng chí Huỳnh Tấn Phát, bậc trí thức lớn của dân tộc, lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, Mặt trận trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trân trọng và ghi nhớ công ơn to lớn của bao lớp người đi trước, nhắc nhở thế hệ hôm nay tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, không ngại khó khăn gian khổ, dù trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào, cũng phải vươn lên, sẵn sàng cống hiến vì mục tiêu, lý tưởng đã chọn, quyết tâm sớm biến mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” thành hiện thực. Trước mắt là tập trung triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN