Sơ kết Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long
29/11/2024 - 19:56
BDK.VN - Sáng 29-11-2024, tại TP. Cần Thơ, UBND TP. Hồ Chí Minh phối hợp UBND các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức Hội nghị sơ kết Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL giai đoạn 2023 - 2024. Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi và Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường chủ trì hội nghị.
Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam phát biểu tham luận.
Tham dự hội nghị có Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc; lãnh đạo tỉnh có Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam; Chủ tịch và Phó chủ tịch UBND các tỉnh, thành ĐBSCL; lãnh đạo các sở ngành, cộng đồng doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL.
Thỏa thuận hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh với 13 tỉnh, thành ĐBSCL được ký kết vào tháng 3-2023 trong khuôn khổ hội nghị hợp tác tổ chức tại tỉnh Bến Tre.
Trong giai đoạn 2023 - 2024, các nội dung hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL đã được triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả và đạt một số kết quả cụ thể, với 6 nội dung hợp tác nêu trong thỏa thuận, bao gồm các lĩnh vực như: Kết nối cung - cầu, xúc tiến đầu tư - thương mại; phát triển hạ tầng giao thông; phát triển du lịch; hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số; và phát triển lĩnh vực y tế, đào tạo nguồn nhân lực.
Trong các nội dung hợp tác, TP. Hồ Chí Minh luôn đóng vai trò là đơn vị đầu tàu, dẫn dắt, phối hợp hỗ trợ các tỉnh, thành ĐBSCL trong các chương trình, hoạt động.
Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết, cùng với các địa phương khác trong vùng ĐBSCL, thời gian qua tỉnh Bến Tre đã tích cực phối hợp triển khai các nội dung đã ký kết, nhất là một số lĩnh vực hợp tác song phương giữa TP. Hồ Chí Minh với tỉnh Bến Tre.
Trên cơ sở Thỏa thuận hợp tác đã ký kết, các sở, ngành tỉnh Bến Tre đã tích cực, chủ động phối hợp, xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện, đưa các hoạt động liên kết đi vào thực chất, từ đó đạt một số kết quả quan trọng.
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi tham quan gian trưng bày sản phẩm của tỉnh Bến Tre tại hội nghị.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho rằng TP. Hồ Chí Minh và vùng ĐBSCL cần phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa, cụ thể hơn nữa vì sự phát triển của TP. Hồ Chí Minh và sự phát triển chung của vùng ĐBSCL, từ đó đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Từ đây đến cuối năm 2025, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho rằng, cần tập trung phối hợp với Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện pháp lý để mở rộng cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mỹ Thuận, mở rộng quốc lộ 1A, quốc lộ 50B; nghiên cứu triển khai đường ven biển và đường biên giới; khẩn trương hoàn thiện pháp lý để xây dựng tuyến đường sắt TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ trước năm 2030; khởi động lại một số hạng mục giao thông đường thủy, có thể kết nối đến Campuchia nhằm phục vụ du lịch đường thủy, logistics….
Về hợp tác phát triển du lịch, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh đề nghị ngành du lịch các địa phương ĐBSCL ngồi lại cùng với Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh thiết kế lại hệ sinh thái du lịch chung TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL.
Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác khoa học công nghệ, chuyển đổi số, y tế, giáo dục trên cơ sở các kết quả tích cực đạt được trong giai đoạn 2023 - 2024.
Về kết nối cung cầu, thu hút đầu tư, thương mại, TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL sẽ dựng một không gian chung cho các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư của các tỉnh, thành ĐBSCL tại TP. Hồ Chí Minh.
Lãnh đạo các tỉnh, thành chụp ảnh lưu niệm.
Cũng tại hội nghị, lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã thông qua Kế hoạch triển khai hợp tác giai đoạn 2024-2025.