Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cùng các đại biểu dự Hội nghị - Ảnh: TTXVN
Tham dự, chỉ đạo và chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có các đồng chí: Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Phùng Quốc Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội và các đồng chí là lãnh đạo Đảng, các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, hơn 400 đại biểu trong nước, quốc tế cùng khoảng gần 10.000 đại biểu tại các điểm cầu là thường trực tỉnh ủy, thành ủy, sở, ngành, các ban đại diện hội đồng quản trị ngân hàng chính sách xã hội cấp huyện, đại diện của các tổ chức chính trị, xã hội nhận ủy thác các cấp trên cả nước.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, kể từ khi thành lập đến nay, quan điểm nhất quán và xuyên suốt của Đảng ta là phát triển kinh tế phải đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Từ những chủ trương và chính sách đúng đắn của Đảng đối với các đối tượng chính sách trong quá trình phát triển kinh tế, công tác xóa đói giảm nghèo ở nước ta trong thời gian qua đạt được những kết quả nổi bật. Tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm xuống chỉ còn dưới 3% vào năm 2020. Việt Nam đã sớm hoàn thành các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc, trở thành hình mẫu cho các quốc gia đang phát triển về xóa đói giảm nghèo.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: TTXVN
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết, Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và thông qua đó, tiếp tục khẳng định sự quan tâm sâu sắc của Đảng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách. Ngay sau khi Chỉ thị được ban hành, các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương, các địa phương đã phổ biến, quán triệt triển khai thực hiện tới các đơn vị, cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức phù hợp, tạo sức lan tỏa, cộng đồng trách nhiệm rộng rãi trong xã hội.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị, đại biểu tại các điểm cầu bám sát Chỉ thị 40-CT/TW để tập trung thảo luận trọng tâm về các vấn đề: Thứ nhất, phân tích và làm rõ kết quả sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội; làm rõ những hạn chế, tồn tại, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, trong đó, chú trọng về các mô hình và cách làm hay tại các địa phương.
Thứ hai, nhận diện và làm rõ vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội theo những chủ trương, nhiệm vụ và giải pháp đã nêu trong Chỉ thị 40-CT/TW.
Thứ ba, phân tích, đánh giá đúng về hiệu lực và hiệu quả của việc tập trung nguồn lực và hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội.
Thứ tư, đánh giá, làm rõ về kết quả việc đổi mới, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Thứ năm, đánh giá đúng và khách quan về công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong triển khai thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW. Nhận diện đúng bối cảnh và yêu cầu mới đối với tín dụng chính sách trong thời gian tới để đề xuất hoàn thiện mô hình, cơ chế, định hướng, các nhiệm vụ và giải pháp đã nêu trong Chỉ thị 40-CT/TW.
Kể từ sau khi Chỉ thị 40-CT/TW được ban hành vào tháng 11-2014, các cấp ủy đảng, chính quyền đã thường xuyên thực hiện công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội và coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Đến nay, 100% cấp ủy, đảng, chính quyền ban hành văn bản chỉ đạo, lãnh đạo công tác tín dụng chính sách xã hội, chủ động bố trí ngân sách ủy thác, huy động các nguồn lực và sử dụng nguồn vốn gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.
Nguồn: chinhphu.vn