Sơ kết 2 năm Đề án Phổ cập bơi phòng chống đuối nước cho trẻ em giai đoạn 2021 - 2025

28/02/2023 - 11:13

BDK.VN - Ngày 28-2-2023, Ban Quản lý thực hiện Đề án phổ cập bơi tỉnh tổ chức sơ kết 2 năm (2021-2022) thực hiện Đề án Phổ cập bơi phòng, chống đuối nước cho trẻ em trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn (2021-2025).

Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Thiện Chí gợi ý thảo luận tại cuộc họp.

Theo báo cáo, qua hơn 2 năm triển khai thực hiện Đề án Phổ cập bơi giai đoạn 2021 - 2025, hiện toàn tỉnh có hơn 20 ngàn trẻ em biết bơi và được cấp giấy chứng nhận. Qua đó góp phần kéo giảm 50% tỷ lệ trẻ em bị đuối nước (trung bình giai đoạn 2021-2022: có 4 - 5 trẻ bị đuối nước so với giai đoạn 2019 - 2020 là có 8 - 10 trẻ bị đuối nước). Nhiều mô hình thực hiện thành công đã góp phần đẩy nhanh và duy trì tiến độ phổ cập bơi tại các huyện, thành phố, cụ thể như: Mô hình lắp đặt bể bơi trong nhà trường do các giáo viên, tư nhân đầu tư bể bơi mang lại hiệu quả tích cực; các mô hình “Học sinh toàn trường biết bơi” được các trường học duy trì tổ chức thực hiện.

Cơ sở vật chất, xã hội hóa, đội ngũ giảng dạy được quan tâm, thực hiện đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước để trang bị bể bơi di động cho các xã bãi ngang, xã khó khăn (năm 2021 có 5 bể, 2022 có 6 bể). Đồng thời, tích cực vận động xã hội hóa đầu tư các hồ bơi cố định quy mô, chất lượng với 4 hồ bơi chuẩn 25m được xây dựng khoảng 12 tỷ đồng và 6 bể bơi di động khoảng 1 tỷ đồng. Đội ngũ công chức, viên chức, huấn luyện viên, cộng tác viên, hướng dẫn viên phụ trách công tác giảng dạy bơi được trang bị đầy đủ các kỹ năng dạy bơi, kỹ năng cứu đuối với 18 huấn luyện viên, 230 hướng dẫn viên, cộng tác viên, giáo viên thể dục đang tham gia công tác giảng dạy. Bên cạnh đó, các hoạt động phong trào luôn được duy trì tạo sân chơi lành mạnh thu hút đông đảo các em tham gia tập luyện, góp phần phát triển môn bơi trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, chỉ tiêu hàng năm thực hiện không đạt theo yêu cầu (năm 2021 đạt khoảng 50% so với kế hoạch, năm 2022 đạt 70% so với kế hoạch), so sánh cùng kỳ giai đoạn 2019-2020 chỉ đạt bằng 50%. Nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 vào năm 2021 và các tháng đầu năm 2022 học sinh học trực tuyến nên phải tạm dừng tổ chức các lớp dạy bơi. Bên cạnh đó, vẫn còn một số trường còn e ngại rủi ro khi lắp đặt bể bơi trong trường, một số phụ huynh chưa tạo điều kiện cho con học bơi hoặc e ngại chất lượng nguồn nước tại các bể bơi di động. Ngoài ra, một khó khăn khác là đa số các huyện chưa cân đối phân bổ kinh phí riêng cho việc thực hiện Đề án Phổ cập bơi hàng năm, một số huyện, thành phố có cấp nhưng chỉ một phần cho tổ chức các giải phổ cập bơi, một số huyện không có cấp kinh phí.

Đại biểu tham dự cuộc họp sơ kết 2 năm Đề án phổ cập bơi.

Tại cuộc họp, các đại biểu tham dự đã có nhiều chia sẻ về kinh nghiệm, những thuận lợi khó khăn trong quá trình thực hiện đề án, từ đó rút kinh nghiệm, điều chỉnh trong thời gian tới. Các đại biểu cũng có đề xuất, kiến nghị về việc hỗ trợ đầu tư kinh phí cho các đơn vị, nhất là các xã khó khăn, xã bãi ngang. Đồng thời phát huy các giải pháp xã hội hóa để đầu tư trang thiết bị và lắp đặt bể bơi, tăng cường tuyên truyền, vận động cũng như thực hiện tốt sự phối hợp giữa các tổ chức, đơn vị, địa phương để thúc đẩy hiệu quả của Đề án Phổ cập bơi cho trẻ em.

Tin, ảnh: Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết
Từ khóa phổ cập bơi

BÌNH LUẬN